Bão số 14 đổ vào đất liền: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẵn sàng chống bão

Trước diễn biến khá bất ngờ và tốc độ di chuyển nhanh của cơn bão số 14, các tỉnh Nam Trung Bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 14 như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã tập trung cao độ ứng phó với cơn bão mạnh số 14.

Khánh Hòa: Hơn 1.000 tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn; Hoàn tất di dời hơn 1.200 người dân trên lồng bè vào bờ

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, đến 19 giờ ngày 18/11, các tàu cá hoạt động trên vùng biển gần bờ đã vào nơi tránh trú bão, neo đậu an toàn.

Tại cảng Hòn Rớ (Nha Trang) có trên 600 tàu công suất từ 300CV đến 500CV; Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Ninh Hải (Ninh Hòa) trên 400 tàu từ 50-dưới 300CV; tại cảng Đá Bạc (Cam Ranh) có trên 30 tàu loại trên 300CV. Đây hầu hết là tàu đánh cá trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Ngoài ra, các tàu cá ở cảng Vĩnh Lương (Nha Trang) cũng đã được điều động về tránh trú tại cảng Hòn Rớ, còn các tàu ở cảng Đại Lãnh (Vạn Ninh) tránh trú bão tại vũng Rô (Phú Yên).

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa có 41 tàu/307 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt xa bờ trên các vùng biển bao gồm: Khu vực biển phía Nam Trường Sa 32 tàu, 214 thuyền viên; Khu vực biển Hoàng Sa 2 tàu, 21 thuyền viên; Khu vực biển phía Nam (vùng Vịnh Thái Lan) 7 tàu, 72 thuyền viên. Các tàu cá này đã nắm được thông tin của bão số 14 và có kế hoạch di chuyển, chủ động phòng tránh. Các phương tiện hoạt động tại khu vực Trường Sa đã di chuyển xuống phía Nam Trường Sa, ở dưới vĩ tuyến 70 để tránh gió; số tàu cá còn lại đang di chuyển vào bờ và neo đậu tại bến.

Cũng theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức di dời người dân trên các lồng bè vào bờ tránh trú bão đã hoàn tất.

Để ứng phó với bão số 14, huyện Cam Lâm đã khẩn trương di dời 1.030 hộ dân với 3.935 nhân khẩu đang sinh sống trong nhà tạm, nhà có nguy cơ sập cao.

Theo lãnh đạo huyện Cam Lâm cho biết, toàn huyện có 1.303 hộ dân với 3.935 nhân khẩu sinh sống gần sông, suối, sống trong các nhà tạm, nhà có nguy cơ sập cao đang được các địa phương khẩn trương di dời. Công tác di dời của các địa phương được yêu cầu phải hoàn tất ngay trong tối 18/11.

Ninh Thuận: 100% tổng số tàu thuyền và lao động trên địa bàn tỉnh đã được liên lạc, cảnh báo thoát khỏi vùng nguy hiểm

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Ninh Thuận: Đến nay, 100% tổng số tàu thuyền 2.651 chiếc/16.474 lao động trên địa bàn tỉnh đã được liên lạc, cảnh báo neo đậu và rút ra khỏi vùng nguy hiểm ảnh hưởng do bão. Trong đó, Tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 679 chiếc/5.275 lao động đã liên lạc được. Tàu thuyền neo đậu tại các bến, cảng của Ninh Thuận: 1.972 chiếc/11.199 lao động. Tàu thuyền tỉnh ngoài neo đậu tại Ninh Thuận: 178 chiếc/591 lao động. 100% phương tiện thủy nội địa (7 chiếc/30 lao động), Tàu dịch vụ du lịch (16 chiếc/32 lao động), Nhà hàng nổi (2 chiếc/06 lao động), Lồng bè nuôi trồng thủy sản (114 chiếc/133 lao động) đã nắm được vị trí, neo đây, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Các sở, ngành, địa phương cũng đã triển khai thực hiện công tác ứng phó theo Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngư dân Ninh Thuận khẩn trương đưa tàu thuyền vào bờ tránh cơn bão số 14. (Ảnh: Sơn Ngọc)

Tại huyện Ninh Hải: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Ninh Hải cho biết, toàn huyện có 818 tàu thuyền với trên 4.700 lao động biển. Tính đến chiều ngày 18/11, tất cả tàu thuyền đã vào neo đậu tránh bão an toàn tại các cảng cá trong và ngoài tỉnh.

Trong đó, tại cảng cá Ninh Chử đã có 515 tàu thuyền của ngư dân Khánh Hải 356 chiếc, Tri Hải 104 chiếc, tàu thuyền ngoài tỉnh 11 chiếc; Tại vịnh Vĩnh Hy có 157 thuyền và 16 tàu du lịch, 14 ca nô đã vào bến neo đậu tránh bão; Tại cảng cá Mỹ Tân có 469 thuyền neo đậu được chính quyền địa phương và cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Hải tuyên truyền vận động ngư dân đưa thuyền rời bến về neo đậu tại cảnh Ninh Chử.

Ngoài ra, thị trấn Khánh Hải và xã Thanh Hải có 16 thuyền với 167 lao động đánh bắt xa bờ đã vào neo đậu tránh bão tại tỉnh Kiên Giang. Toàn huyện có 90 lồng bè nuôi hải sản tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải, Tri Hải. Chính quyền địa phương vận động ngư dân neo giằng lồng bè, di dời con người vào nơi trú ẩn tránh bão...

Huyện Ninh Hải cũng đã vận động nhân dân giằng chống nhà ở và có phương án huy động lực lượng, phương tiện di dời gần 3.000 người dân sinh sống ven biển, ven sông đến nơi trú ẩn an toàn trước 21 giờ ngày 18/11.

Còn huyện Ninh Sơn, tính đến 15 giờ chiều ngày 18/11, mọi công tác về chuẩn bị phòng, chống cơn bão số 14 đã cơ bản hoàn thành.

Toàn huyện đã huy động trên 402 cán bộ, công chức, viên chức, dân quân, công an, quân đội, thanh niên xung kích tham gia công tác cứu trợ, cứu nạn và khắc phục hậu quả sau bão; các công trình đập, hồ chứa nước phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chủ động xã lũ kịp thời tránh gây ngập úng cho Nhân dân vùng thượng lưu và đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu.

Đặc biệt, để chủ động ứng phó với cơn bão số 14 kịp thời, hiệu quả, hiện nay Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Phước tổ chức phân công thành viên trực 24/24, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư và lực lượng để kịp thời sơ tán, cứu hộ khi tình hình bão diễn biến phức tạp.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, huyện Thuận Nam chủ động tập trung, xây dựng nhiều phương án sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 14.

Tính đến 17 giờ ngày 18/11, đã có 421/823 tàu thuyền hai xã Cà Ná, Phước Diêm và 246 tàu thuyền/537 lao động ngoài tỉnh neo đậu tại cảng Cá. Còn lại 402 tàu thuyền của hai xã này đang đánh bắt ngoài khơi đã được liên hệ, tìm nơi trú bão an toàn.

Đối với những khu vực xung yếu, vùng trùng, nhà tạm bợ không đảm bảo an toàn có khả năng xảy ra đổ sập, ngập nước, thì Ban chỉ huy PCTT&TKCN chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời các hộ dân, ước tính khoảng 940 hộ/3.411 nhân khẩu sẽ được di dời đến các nhà dân kiên cố, các trụ sở cơ quan, trường học; đồng thời kêu gọi người chằng chống, gia cố lại nhà ở khi bão xuất hiện.

Bình Thuận: Phát lệnh cấm tàu thuyền ra khơi từ 9 giờ 30 phút, ngày 18/11.

Xả lũ tại đập sông Lòng Sông. (Ảnh: Tuy Phong)

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện đơn vị đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng trong tỉnh thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết tin về bão trên hệ thống trực canh của đơn vị, mở đài canh 24/24 để tiếp nhận thông tin, kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện nếu có sự cố xảy ra.

Tổng số tàu thuyền toàn tỉnh hiện có 7.196 chiếc/38.298 lao động. Tính đến 19 giờ ngày 17/11, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.322 chiếc/14.325 lao động, trong đó tàu thuyền đánh bắt xa bờ 343 chiếc/4.216 lao động; tàu đánh bắt gần bờ 1.979 chiếc/10.109 lao động, hoạt động khu vực ven biển Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu.

Riêng tổng số lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển toàn tỉnh là 89 bè/1.471 lồng, trong đó huyện Tuy Phong 9 bè với 237 lồng, nuôi tại xã Vĩnh Tân, Phú Quý 70 bè/1.073 lồng tại xã Long Hải...UBND các địa phương đã thông báo cho các chủ bè biết tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão để gia cố, chằng buộc an toàn hoặc kéo vào nơi an toàn.

Về tình hình hồ chứa, hiện nay tất cả các hỗ chứa đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Hiện có 11 hồ chứa đang tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn và cống lấy nước để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn công trình như Phan Dũng, Sông Quao, Cà Giây, Sông Khán, Suối Đá, Cẩm Hang, Sông Móng...Công ty TNHH MTV KTCTTL đã phân công trực 24/24 tại tất cả các hồ chứa, đầu mối công trình thủy lợi; phân công lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu.

Nguồn: Báo Khánh Hòa/Bình Thuận/Ninh Thuận

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bao-so-14-do-vao-dat-lien-khanh-hoa-ninh-thuan-binh-thuan-san-sang-chong-bao-post245051.info