Bão số 14 đang tiến vào Nam Trung Bộ, giật cấp 12

Theo Đài khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, đến ngày 18/11, phía Đông quần đảo Trường Sa, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 14 năm 2017. Gió giật rất mạnh.

Theo dữ liệu dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 19/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 20/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Nam Cam pu chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Khu vực giữa và Nam Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động rất mạnh.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới trên khu vực Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển quần đảo Trường Sa có mưa rào và dông mạnh, gió cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Vùng biển Khánh Hòa từ sáng sớm mai (19/11) gió mạnh lên cấp 7-8, giật cấp 10, cấp 11. Sóng biển cao 2-4m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Thời tiết ở các tỉnh Nam Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Hướng đi của bão số 14

Để ứng phó với bão số 14, Ban chỉ đạo TWPCTT, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện yêu cầu các tỉnh Nam Trung Bộ tiếp tục kiểm đếm, theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, thông tin, hướng dẫn kịp thời cho chủ các phương tiện để tổ chức phòng, chống; các địa phương chủ động cấm biển.

Kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão. Đặc biệt lưu ý trách nhiệm của các chủ lồng bè trong việc sơ tán người lao động lên bờ, đảm bảo an toàn. Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng. Triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai ứng phó.

Nhiều thiệt hại nặng nề của bão số 12 ở Khánh Hòa vẫn chưa được khắc phục

UBND tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa cũng đã lên phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 14 đồng thời cấm các phương tiện tàu, thuyền vươn khơi kể từ ngày 18/11 cho đến khi hoàn toàn hết bão. Các tàu, thuyền đang ngoài khơi thì nhanh chóng dy trú đến nơi an toàn. Tất cả các ngư dân trên những lồng bè đều phải sơ tán vào đất liền. Các lực lượng xung kích, công an, bộ đội các địa phương tổ chức trực 24/24 giờ để kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó với cơn bão số 14.

HÀ VĂN ĐẠO

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bao-so-14-dang-tien-vao-nam-trung-bo-giat-cap-12-n138574.html