Bão số 13 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 13 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ vĩ bắc; 115,3 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 đến 75 km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150 km tính từ vùng tâm bão.

Chỉ huy đảo Đá Lát (Trường Sa, Khánh Hòa) thăm hỏi, động viên năm ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh: VIỆT BẰNG

Chỉ huy đảo Đá Lát (Trường Sa, Khánh Hòa) thăm hỏi, động viên năm ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh: VIỆT BẰNG

Dự báo trong 24 giờ sau đó, bão số 13 di chuyển theo hướng tây, có khả năng đổi hướng di chuyển tây tây nam, mỗi giờ đi được 10 đến 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 12-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ vĩ bắc; 112,6 độ kinh đông, trên khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 12. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 170 km tính từ vùng tâm bão có thể đi qua. Đến 13 giờ ngày 13-11, bão số 13 di chuyển chậm lại và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và có khả năng suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực biển các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

* Sáng 11-11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai tổ chức họp, bàn giải pháp ứng phó bão số 13. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai cho biết nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 13; cần tránh tình trạng chủ quan như bão số 12, một số tàu thuyền đi tránh trú di chuyển chậm gây khó khăn cho công tác hỗ trợ cứu nạn trên biển khi bão đã vào. Ngành giao thông vận tải cần thông tin đến các phương tiện vận tải khi hoạt động phải có biện pháp tránh trú bảo đảm an toàn.

Theo báo cáo của các địa phương, ngày 11-11 vẫn còn 96 tàu, thuyền với 754 lao động đang trong vùng nguy hiểm: các cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường bám sát bản tin dự báo, nhất là dự báo ngắn hạn về lượng mưa cụ thể ở các khu vực để vận hành bảo đảm an toàn các hồ chứa, xác định thực trạng các hồ và sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lũ.

Hướng dẫn người dân khử trùng nước bằng hóa chất Chloramin B sau lũ. Ảnh: thanh thủy (TTXVN)

* Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến ngày 11-11, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa đã phối hợp địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.174 tàu với 258.583 lao động biết diễn biến của bão số 13 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

* Hiện nay, khu vực tỉnh Bình Thuận đã có mưa vừa mưa to. Cảnh báo trong những giờ tới, ở khu vực tỉnh Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa mưa to. Nguy cơ sạt lở đất, lũ quét trên các sông suối nhỏ ở vùng núi có khả năng xảy ra tại tỉnh Bình Thuận, nhất là ở các huyện: Bắc Bình, Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam.

* Ngày 11-11, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam phối hợp các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã kịp thời cứu nạn thành công tàu cá số hiệu NA 90112 TS cùng 13 thuyền viên đưa về cập cảng Cửa Lò (Nghệ An) an toàn. Trước đó, ngày 10-11, tàu cá NA 90112 TS có 13 thuyền viên hành nghề tại khu vực ngoài khơi cách đảo Hòn Ngư (Nghệ An) 70 hải lý về hướng đông nam thì bất ngờ bị hỏng máy, thả trôi trên biển. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều động tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn SAR 273 đang trực tại Cửa Lò (Nghệ An) cứu nạn khẩn cấp. Đến 0 giờ 6 phút ngày 11-11, lực lượng cứu nạn tiếp cận tàu NA 90112 TS và lai dắt vào đất liền.

* Ngày 11-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, lúc 23 giờ ngày 10-11, lực lượng trên đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhận được thông tin, tàu cá KH 96658-TS tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, bị thủng đáy, trên tàu cá bị nạn có năm ngư dân. Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng trên đảo Đá Lát đã điều xuồng ra vị trí tàu cá bị nạn, kịp thời đưa năm ngư dân về đảo an toàn vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 11-11.

* Sáng 11-11, ngư dân Trần Cưỡng, trú tại khối phố Đông A, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam mất tích tại khu vực cách cửa biển Cửa Đại khoảng hơn 200 m khi đang đánh cá bằng thuyền thúng. Đồn Biên phòng Cửa Đại đã sử dụng ca-nô cứu nạn tiếp cận thuyền thúng của ngư dân này và tìm kiếm nạn nhân.

* Sáng 11-11, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp ngư dân đã cứu thành công bốn ngư dân bị sóng đánh chìm thuyền (ghe) khi đang đánh bắt cá tại bờ biển xã Phú Hải (huyện Phú Vang). Sáng cùng ngày, thuyền của gia đình ông Trần Văn Mùi có bốn người, đang đánh cá trên vùng biển xã Phú Hải. Do biển động mạnh cho nên thuyền đã bị chìm.

* UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định tạm ứng từ ngân sách tỉnh 23,5 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Theo đó, tỉnh đã xuất ngân sách tạm ứng cho các huyện, thị xã, thành phố: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Điện Bàn, Hội An với mức 1,5 tỷ đồng/địa phương. Các huyện, thành phố: Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn, Hiệp Đức với mức một tỷ đồng/đơn vị.

* Sau gần một tuần nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 12, đến nay các vị trí sạt lở nặng trên tuyến đường Trường Sơn Đông, hai tỉnh lộ 767, 673 của Kon Tum cơ bản đã thông tuyến. Tuy nhiên, khu vực này hiện vẫn còn mưa, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, chia cắt cao. Tuyến Ngọc Hoàng - Măng Bút còn khó khăn vì địa hình, mưa cho nên chưa thể thông được.

* Trong đợt mưa, lũ vừa qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đác Lắc đã điều động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ; 10 xe ô-tô các loại, vật chất, phương tiện phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn phối hợp chính quyền các huyện Krông Bông, M’Đrắc, Ea Kar, Krông Năng… dựng lại nhà cửa bị đổ sập, khắc phục được 664 nhà tốc mái, sáu trường học; sơ tán hàng trăm lượt người dân ra khỏi vùng ngập lụt; vận chuyển hàng chục tấn hàng hóa, nông sản và vật nuôi, lợn, bò đến nơi khô ráo, sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân.

* Tại xã Buôn Choah, huyện Krông Nô (Đác Nông) đã có hơn 300 tấn cá của người dân thôn Bình Giang bị chết. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên. Tình trạng cá chết xuất hiện từ sau bão số 12 và xảy ra trên toàn bộ 130 lồng cá chuẩn bị thu hoạch của 14 hộ dân nuôi trên sông Krông Nô, trong đó, 13 lồng có tỷ lệ cá chết lên đến 70%, 100 lồng còn lại chết khoảng 30%.

* Mang Yang là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề nhất do bão số 12 ở tỉnh Gia Lai, trong đó có hàng nghìn trụ tiêu sắp vào vụ thu hoạch bị quật đổ, khiến nông dân trắng tay. Những ngày qua, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mang Yang và Lữ đoàn 7 (Quân đoàn 3) đã về các xã Kon Thụp, Kon Chiêng, Lơ Phang (huyện Mang Yang) để hỗ trợ người dân dựng lại những trụ tiêu đổ rạp.

Tuổi trẻ Bình Định ra quân khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 11-11, Tỉnh đoàn Bình Định đã huy động gần 300 đoàn viên, thanh niên ra quân khắc phục hậu quả mưa bão tại TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn huy động 2.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện từ các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang phối hợp lực lượng thanh niên tình nguyện tại chỗ tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả bão số 12 và mưa lũ gây ra.

Dịp này, Tỉnh đoàn Bình Định đã trao 180 suất quà bao gồm nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt và tiền mặt tổng trị giá 30 triệu đồng tặng các em học sinh, gia đình bị thiệt hại do mưa bão. Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp Báo Thanh niên trao hàng trăm suất quà trị giá 150 triệu đồng tặng các gia đình tại ba huyện Tuy Phước, Hoài Ân và Hoài Nhơn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34687602-bao-so-13-suy-yeu-thanh-ap-thap-nhiet-doi.html