Bão số 13 có thể vào Trung Trung Bộ

Từ đêm 13-11, khả năng bão số 13 đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ với cấp gió mạnh nhất trên biển đạt cấp 12

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 13 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng 12-11, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết bão Vamco đã đi vào biển Đông với cường độ cấp 12, giật cấp 15, trở thành cơn bão số 13 của năm 2020.

Phạm vi ảnh hưởng trên biển lớn

Dự báo, bão số 13 di chuyển chủ yếu hướng Tây trong 1-2 ngày tới. Trong 2-3 ngày tới, các hình thái thời tiết khác nhau sẽ khiến cơn bão số 13 di chuyển lên phía Tây Bắc, đi vào phía Bắc của Trung Trung Bộ. Đồng thời, do nhiệt độ vùng gần bờ biển Việt Nam thấp hơn nhiệt độ toàn vùng biển Đông sẽ làm bão duy trì ở cấp 11-12, khi vào gần bờ cấp độ sẽ giảm bớt.

Ngập lụt vẫn còn tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế .Ảnh: QUANG NHẬT

Ngập lụt vẫn còn tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế .Ảnh: QUANG NHẬT

Ông Mai Văn Khiêm đưa ra 3 kịch bản về diễn biến cũng như hướng đổ bộ của bão số 13. Kịch bản 1 có khả năng xảy ra lớn nhất (xác suất 70%-80%), bão đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ. Thời gian bắt đầu ảnh hưởng trên đất liền khoảng từ đêm 13-11. Cấp gió mạnh nhất trên biển đạt cấp 12; khi vào vùng biển ven bờ giảm 2-3 cấp. Từ đêm 13 đến 15-11, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa lớn, lượng mưa phổ biến khoảng 100-250 mm, riêng Quảng Trị đến Quảng Ngãi lượng mưa có thể lên đến 350 mm. Trên các sông từ Nghệ An đến Bình Định xuất hiện đợt lũ. Kịch bản 2 ít có khả năng xảy ra hơn, bão đi lên phía Bắc suy yếu và di chuyển vào Bắc Trung Bộ. Theo kịch bản này, bão bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền khoảng từ ngày 14-11. Cấp gió mạnh nhất trên biển đạt cấp 12, khi vào vùng biển ven bờ là cấp 7-8. Mưa sẽ kéo dài ra phía Bắc, bao gồm cả đồng bằng Bắc Bộ. Từ ngày 14 đến 16-11, Bắc và Trung Trung Bộ, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa khoảng 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Trường hợp áp thấp nhiệt đới suy yếu sẽ khiến bão đi theo hướng Tây và Bắc Tây Bắc, đi vào giữa Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Kịch bản 3, bão số 13 duy trì cường độ cấp 12, giật cấp 15 trên biển Đông, di chuyển ổn định theo hướng Tây từ ngày 12 đến 13-11. Từ ngày 14-11, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó đi thẳng vào Trung Trung Bộ (các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế). Cường độ của bão khi đi vào vùng biển sát bờ giảm 2-3 cấp so với cường độ trên biển Đông, lượng mưa sẽ tập trung trong 6 giờ ở khoảng 100-150 mm.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh bão số 13 vào biển Đông với tốc độ gió rất lớn cùng với nhiều nhân tố ảnh hưởng tới đường đi của cơn bão như: Nhiệt độ mặt nước biển, dòng hải lưu… dẫn đến khó đoán. Bão số 13 được dự báo có phạm vi ảnh hưởng trên biển lớn, phạm vi dự báo có thể mở rộng ra cả vịnh Bắc Bộ và Nam Trung Bộ. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương cần quyết liệt ứng phó 3 tuyến quan trọng là "trên biển, sườn Tây sạt lở, hệ thống hồ".

Nhiều nơi vẫn ngập lụt

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đến chiều 12-11, nước lũ vẫn còn cao ở các hạ nguồn sông Bồ, sông Hương. Thống kê có khoảng 6.547 nhà bị ngập, có nơi sâu đến 1,5 m. Các xã vùng ven của huyện Quảng Điền như Quảng Phước, Quảng Phú, Quảng Thành đều ngập sâu, có nơi lên đến trên 1 m.

Tại TP Huế, hơn 30% tuyến đường của 27 phường đã bị ngập bình quân 0,2-0,3 m. Tại huyện Phong Điền, Quốc lộ 49B, Tỉnh lộ (TL) 17, TL11B, TL6, hệ thống đường liên thôn bị ngập từ 0,4-1,0 m với tổng chiều dài khoảng 12 km, thuộc địa bàn các xã Phong Hòa, Phong Bình, Điền Hương, Điền Môn, Phong An, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Chương và thị trấn Phong Điền. Tại thị xã Hương Thủy, ngập diện rộng với tổng diện tích ngập ước tính hơn 20%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4-0,8 m, có nơi ngập sâu từ 0,8-1,2 m.

Tại tỉnh Quảng Nam, nhiều nhà dân ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và TP Hội An vẫn còn bị ngập lụt. Trong khi đó, tại các huyện miền núi mưa lớn và tiếp tục xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng. Sáng 12-11, tại huyện Bắc Trà My, một phần quả đồi khu Nước Sam bất ngờ đổ xuống, kéo theo cây cối và đất đá, làm sập hoàn toàn căn nhà của bà Hồ Thị Phải (xã Trà Giác), vùi lấp một đoạn đường hơn 40 m trên tuyến Quốc lộ 40B. May mắn, 5 người trong gia đình bà Phải đã được sơ tán trước đó. Trước đó vài giờ, vụ sạt lở đất xảy ra tại thôn Agrồng (xã A Tiêng, huyện Tây Giang) khiến 3 ngôi nhà của người dân bị sập, nhiều tài sản trôi xuống vực sâu, rất may không có thiệt hại về người. Chiều cùng ngày, trong lúc lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm 1 người mất tích tại hiện trường vụ sạt lở trên tuyến Quốc lộ 40B (huyện Bắc Trà My) thì đất đá liên tục trôi xuống, mọi người kịp chạy thoát.

Tại thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) do nước lũ sau bão số 12 tràn về, người nuôi tôm hùm đang bị thiệt hại rất nặng do tôm chết hàng loạt với trên 1.500 lồng nuôi của 169 hộ; thiệt hại hơn 40 tỉ đồng. Trong đó, nặng nhất là phường Xuân Thành (thị xã Sông Cầu) với gần 262.000 con tôm hùm của 50 hộ nuôi bị chết, thiệt hại trên 23 tỉ đồng.

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bao-so-13-co-the-vao-trung-trung-bo-20201112220057075.htm