Bão số 12 càn quét qua miền Trung để lại những hậu quả gì?

Bão số 12 quần thảo các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và người. Trong khi đó các hồ chứa thủy điện và thủy lợi tăng cường xả lũ gây ngập úng trên diện rộng, nhiều thôn bản bị chia cắt...

Ngày 10/11, bão số 12 đổ bộ vào đất liền, tâm bão ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, rồi thành vùng áp thấp ở Tây Nguyên. Do chịu ảnh hưởng của bão số 12, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và phía Đông của tỉnh Đắk Lắk có mưa lớn từ 100 - 350mm. Ngoài ra một số điểm ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên lượng mưa trên 400mm.

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai, bão số 12 làm 2 người chết (Quảng Nam 1 người do sạt lở núi làm sập nhà; Bình Định 1 người khi đang chằng chống nhà cửa). Bên cạnh đó, bão còn làm hơn 30 nhà tốc mái, hư hỏng. Tàu SE2 Bắc - Nam tạm dừng tại tỉnh Khánh Hòa do đường sắt bị ngập. QL 19C đoạn qua xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, Phú Yên ngập 0,8m gây ách tắc giao thông.

Báo cáo nhanh về thiệt hại ở các tỉnh

Tại Khánh Hòa, bão số 12 làm 16 nhà dân bị tốc mái, 1 tàu đánh cá bị chìm khi đang neo đậu ở phường Vĩnh Tường (TP Nha Trang). Bão còn khiến cây trồng, hoa màu bị đổ rạp, hư hỏng. Bão khiến nhiều khu ở huyện Khánh Vĩnh (thị xã Ninh Hòa) và huyện Vạn Ninh mất điện.

Tại thôn Văn Đăng 1 (xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang), nước lũ từ núi đổ xuống làm ngập hàng trăm nhà dân. Xã đã di dời người dân, trực gác, bố trí tại các vị trí ngập, không cho người dân quay lại trước khi nước rút.

Tại tỉnh Phú Yên, vào chiều ngày 10/11, mưa đã ngớt nhưng nước lũ lên rất nhanh, chia cắt nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên xã ở huyện Tây Hòa. Nước lũ tràn vào nhà hàng chục hộ dân, làm hư hại một số tài sản, đồ dùng sinh hoạt. Nước lũ dâng cao còn chia cắt khu dân cư ở thôn Phú Thuận và Phú Thọ (xã Hòa Mỹ Đông).

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ở tỉnh Phú Yên, bão số 12 làm 1 người bị thương, 3 nhà bị sập, hư hỏng.

Bão số 12 gây hậu quả khá nghiêm trọng ở miền Trung

Tại Bình Định, vào tối 10/11, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) có mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn khiến nước trên sông Hà Thanh dâng nhanh, chảy xiết. Nhiều hộ dân ở làng Suối Mây bị chia cắt bởi trung tâm thị trấn do nước lũ chảy xiết. Làng Đắc Đưm cũng bị chia cắt do đoạn tràn dẫn về QL 19C đang bị ngập sâu trong nước. Nhiều hộ dân ở khu phố Tân Thuận cũng bị ngập. Người dân sống trong khu vực này tạm thời được chính quyền sơ tán lên khu vực cao để đảm bảo an toàn.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, nước lũ trên sông Hà Thanh đang lên nhanh. Mực nước lúc 17 giờ ngày 10/11 tại Vân Canh 45,59 m, xấp xỉ báo động III; tại Diêu Trì 5,53m, xấp xỉ báo động III.

Cũng theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, vào lúc 9 giờ ngày 10/11, trong lúc chằng chống cửa ứng phó với cơn bão số 12, ông Trương Văn Liêm (57 tuổi) ở khu phố Cửu Lợi Đông, phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn) té ngã, bị thương nặng sau đó tử vong.

Ngoài ra, bão số 12 đã làm 1 ngôi nhà ở phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn) bị sập , làm tốc mái 7 ngôi nhà ở xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ). Bà Nguyễn Thị Lan (87 tuổi) ở thôn Tân Phụng (xã Mỹ Thọ) bị ngói trên mái nhà rơi xuống làm bị thương.

Tại tỉnh Nghệ An, trong đợt mưa lũ kinh hoàng vừa rồi, người dân ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An bất ngờ phát hiện một vết nứt khổng lồ trên triền núi ngay phía sau bản làng. Vết nứt lớn chưa từng thấy uy hiêp cả bản làng đặc biệt là trong thời gian gần đây nhiều vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra.

Tại Quảng Nam lại ghi nhận thêm 1 vụ sạt lở đất khiến 1 người tử vong. Cụ thể, vào lúc 9h30 ngày 10/11, tại thôn An Mỹ (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh,) xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến 1 ngôi nhà bị vùi lấp và 1 người thiệt mạng. Danh tính nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Nga (43 tuổi, trú tại thôn An Mỹ).

Lãnh đạo xã Tam Lãnh cho biết, khi vụ sạt lở xảy ra, bà Nga ở một mình. 3 người con của bà Nga đi làm ở TP Tam Kỳ không về.

Thủy điện xả lũ, nguy cơ ngập lụt trên diện rộng

Bão số 12 khiến cho lượng nước ở các hồ chứa thủy điện, thủy lợi dâng lên cao. Chính vì vậy, thủy điện buộc phải xả lũ. Hồ Hoa Sơn xả lũ gây ngập cho các xã Vạn Phú, Vạn Bình (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), nhiều nơi khác cũng bị ngập cục bộ.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa cho biết, đến chiều ngày 10/11, mực nước ở các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 70-80% công suất thiết kế. Riêng một số hồ có dung tích xấp xỉ thiết kế như: Hoa Sơn đạt 96%, Suối Dầu đạt 99%... Hồ Hoa Sơn đang xả lũ với lưu lượng hơn 280m3/s, Suối Dầu gần 21m3/s.

Thủy điện xả lũ gây ngập lụt

Nhiều thủy điện lớn, nhỏ ở Phú Yên đã bắt đầu xả lũ đồng loạt với lưu lượng lớn, gây ra nguy cơ ngập lụt ở vùng hạ du. Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, chiều 10/11 tại huyện Sông Hinh và huyện Tuy An xuất hiện nhiều điểm ngập sâu. Hầu hết các hồ thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ trong tỉnh đang xả lũ.

Đến 17h chiều 10/11, Thủy điện Sông Ba Hạ nâng mức xả lũ lên 3.000 m3/s và Thủy điện Sông Hinh xả hơn 1.200 m3/s. Các hồ chứa Kỳ Lộ, Sông Cái cũng đang xả với lưu lượng rất lớn. Một lãnh đạo Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cho biết: “Do thủy điện Krông Năng trên cùng hệ thống sông đang xả hơn 1.700 m3/s nên chúng tôi phải tăng lưu lượng xả lên 3.000 m3/s”.

Hương Quỳnh

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/hau-qua-cua-bao-so-12-o-mien-trung-23266.html