Bão số 10 gây mưa lớn diện rộng từ chiều 4/11

Dù chỉ ở cấp 8-9, bão số 10 được các cơ quan khí tượng trên thế giới đánh giá tính bất định về cường độ và quỹ đạo lớn hơn nhiều các cơn bão mạnh và rất mạnh như cơn số 9 vừa rồi.

Cảnh báo tình trạng ngập lụt ở Quảng Nam - Quảng Ngãi

Ngày 3/11, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục cuộc họp ứng phó với bão 10.

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão di chuyển tương đối chậm, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Với tốc độ di chuyển và hướng Tây Tây Nam, nhận định trong khoảng 24h tới bão mạnh thêm một chút, giữ ở mức cấp 8-9, gió mạnh ngoài Biển Đông khoảng cấp 8-9, giật cấp 11.

Ngày 4/11, khi ở ngoài vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gió mạnh 6-7, giật cấp 8. Sau đó, tiếp tục đi sâu vào đất liền, gặp ma sát thì suy yếu dần, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

 "Người dân cần theo dõi, cập nhật thường xuyên bản tin dự báo để có giải pháp ứng phó tốt nhất”, ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo.

"Người dân cần theo dõi, cập nhật thường xuyên bản tin dự báo để có giải pháp ứng phó tốt nhất”, ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo.

Do ảnh hưởng của bão, mưa xuất hiện từ chiều mai kéo dài đến ngày 6/11, mưa tập trung lớn nhất trong ngày 5/11. Ở Bình Định, Phú Yên, Bắc Tây Nguyên có lượng mưa từ 100-150mm; từ Huế đến Quảng Ngãi từ 300-350mm; khu vực Nghệ An đến Quảng Trị phổ biến 150-250mm.

Các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Các sông chính từ Nghệ An đến Huế, ở Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; sông nhỏ lên mức BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp tại các tỉnh trên. Cảnh báo tình trạng ngập lụt ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

“Vì đây là cơn bão cấp 8 - 9, nên cường độ và hướng di chuyển của nó sẽ chịu sự chi phối của hệ thống ngoại lực là chính, nó có thể thay đổi tính chất rất nhanh. Đối với bão cấp 8-9 và áp thấp nhiệt đới thì các cơ quan khí tượng trên thế giới đánh giá tính bất định về cường độ và quỹ đạo của nó lớn hơn nhiều các cơn bão mạnh và rất mạnh như cơn số 9 vừa rồi. Vì vậy bà con cần theo dõi, cập nhật thường xuyên bản tin dự báo để có giải pháp ứng phó tốt nhất”, ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin, 6h sáng nay còn 8 phương tiện/60 lao động của Bình Định trong vùng nguy hiểm, đơn vị đã tiếp tục kêu gọi các phương tiện tránh khỏi vùng nguy hiểm. Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 sẵn sàng lực lượng phương tiện ứng phó bão số 10.

Cụ thể: Quân khu 4 có 192.151 người, 940 phương tiện; Quân khu 5 có 48.610 người và 896 phương tiện; Hải quân 1.525 người, 159 phương tiện; Phòng không không quân 6.480 người, 26 phương tiện; Biên phòng 5.718 người, 245 phương tiện; Cảnh sát biển 394 người, 19 phương tiện; Trung tâm phối hợp tìm kiếm hàng hải Việt Nam 102 người, 7 phương tiện .

Rút kinh nghiệm từ bão số 9, Bộ Quốc phòng đã có điện chỉ đạo trực tiếp, đồng thời giao nhiệm vụ các đơn vị đánh giá tình hình để ứng trực, khi có sự việc thì xử lý kịp thời.

Hoàn lưu của bão tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại rất lớn tại các tỉnh, TP miền Trung

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Thường sau mỗi đợt thiên tai, người dân cần cứu trợ, hạ tầng cần khôi phục ngay. Tuy nhiên, do vướng nhiều cơ chế chính sách nên việc này gặp nhiều khó khăn và kéo dài. "Trên thế giới nhiều quốc gia họ có sẵn khoản kinh phí nhất định phục vụ cho công tác khắc phục thiên tai. Khi có các tình huống thiên tai cần cứu trợ, họ xuất kinh phí ra một cách nhanh chóng", ông Hoài cho biết.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết thêm, nhiều quốc gia trên thế giới họ có hàng chục công ty tư vấn chuyên thiết kế cho việc khắc phục hậu quả thiên tai. Khi có thiệt hại do thiên tai, những công ty này phải xác định ngay khối lượng và đưa ra các giải pháp khắc phục.

Còn tại Việt Nam, theo ông Hoài, công việc trên còn phải thông qua đấu thầu và nhiều thủ tục khác nữa mới triển khai được. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương chịu thiệt hại do thiên tai đã rất nỗ lực khắc phục bằng nhiều cách khác nhau, có cả việc "lách luật" để công việc này được triển khai nhanh chóng.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, để chuẩn bị ứng phó và cứu trợ người dân sau thảm họa bão Goni, Chính phủ Philippines (Bộ Phát triển và Phúc lợi xã hội) đã phê duyệt từ sớm ngân sách dự phòng để cứu trợ cho người dân, tổng ngân sách lên đến hơn 18 triệu USD.

Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, hiện nay, kinh phí cho phòng, chống thiên tai là do ngân sách địa phương đảm bảo. Tuy nhiên, hiện còn một số tồn tại hạn chế trong hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai như tại Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg, các địa phương bị thiệt hại phải ứng trước kinh phí để thực hiện thì mới được xem xét hỗ trợ, trong khi các tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nguồn lực hạn chế và có thể dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP chỉ các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn mới được hỗ trợ khi nhà bị sập, đổ, trôi; quy trình, thủ tục hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia còn kéo dài…

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai kết luận cuộc họp.

Ông Trần Quang Hoài cho rằng, dù cường độ đã giảm nhưng bão còn gây nguy hiểm cho các tàu thuyền hoạt động trong vùng ảnh hưởng. Ngoài ra, hoàn lưu của bão tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại rất lớn tại các tỉnh, thành phố miền Trung... Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền hoạt động trên biển; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất...

Bên cạnh công tác ứng phó với bão, các địa phương tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục hậu quả bão số 9; trong đó, tập trung tìm kiếm nạn nhân mất tích, nhưng cần bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực bị sạt lở đất, trên biển… Cùng với nhiệm vụ trên, các địa phương khẩn trương hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh...

Ngọc Yến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/san-sang-trien-khai-phuong-an-di-dan-ra-khoi-khu-vuc-co-nguy-co-ngap-sau-lu-quet-sat-lo-dat-618288/