Bão số 1 xuất hiện sớm, cơ quan chức năng họp khẩn để ứng phó

Sau khi vào biển Đông, áp thấp nhiệt đới đã nhanh chóng mạnh thành bão – cơn bão số 1 có tên quốc tế là Bolaven. Để ứng phó với cơn bão này, sáng 3.1.2018, BCĐ Trung ương về PCTT đã tổ chức hội nghị khẩn về công tác ứng phó.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Ủy viên thường trực BCĐ Trung ương về PCTT Trần Quang Hoài báo cáo về diễn biến của cơn bão số 1. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, sau khi ban hành Công điện số 01, BCĐ Trung ương về PCTT và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và TKCN đã có Công điện số 02/CĐ-TW hồi 22h00 ngày 2.1.2018 ứng phó với cơn bão số 1 sớm dị thường này.

Bộ Tư lệnh Biên phòng, Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình, chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 47.190 phương tiện với 246.019 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó, các tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa: 47 tàu với 389 người (Bình Định 1 tàu, Quảng Ngãi 26 tàu, Ninh Thuận 1 tàu, Khánh Hòa 19 tàu); hoạt động các vùng biển khác và neo đậu tại các bến: 47.143 tàu với 245.630 người.

Ông Nguyễn Văn Vỹ - Phụ trách Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết: Các tỉnh trong khu vực đã chủ động các biện pháp ứng phó với bão, chỉ đạo các chủ tàu, thuyền tìm nơi neo đậu, tránh trú an toàn.

Tại cuộc họp, ông Đoàn Thanh Chung - Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam nhấn mạnh: Chi cục tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng phối hợp, ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo chỉ đạo của ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai: Các địa phương tăng cường cập nhật thông tin, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền; giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra;

Kiểm tra, rà soát sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, công trình ven biển, tàu thuyền tại khu neo đậu, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đến thời điểm này, các hồ chứa tại khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ đạt bình quân 85-95% dung tích thiết kế; các hồ ở khu vực Tây Nguyên đạt bình quân 90-100% dung tích thiết kế. Có 7 hồ có cửa van đang vận hành xả lũ, trong đó tại Quảng Nam: Hồ Phú Ninh xả 30m3/s, hồ Vĩnh Trinh 10m3/s; tại Quảng Ngãi: Hồ Nước Trong xả 40m3/s; Bình Định: hồ Định Bình xả 50m3/s, hồ Núi Một xả 10m3/s; Đắc Lắk: Hồ Ea Soup Thượng xả 20m3/s).

Đối với các hồ chứa có tràn tự do tại các khu vực nêu trên, hầu hết các hồ chứa đã đầy nước hoặc xấp xỉ đầy nước.

Khánh Vũ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/bao-so-1-xuat-hien-som-co-quan-chuc-nang-hop-khan-de-ung-pho-584484.ldo