Báo quốc tế ca ngợi cách Việt Nam ứng phó Covid-19 với nguồn lực hạn chế

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, Việt Nam nổi lên là điểm sáng về cách ứng phó dịch bệnh với nguồn lực hạn chế.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 1/3 bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam hồi phục. (Nguồn: TTXVN)

Trang điện tử của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ngày 30/3 đăng bài viết của nhà báo người Anh Sean Fleming với tựa đề "Việt Nam cho thấy cách có thể chữa Covid-19 với nguồn lực hạn chế".

Theo tác giả bài báo, đến nay Việt Nam chưa có trường hợp tử vong nào do đại dịch. Tác giả đặt câu hỏi, làm thế nào mà một quốc gia có nguồn lực hạn chế lại có thể đối mặt với một đại dịch toàn cầu khiến cả những nước phát triển cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng?

Nhà báo Sean Fleming viết, trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên là điểm sáng về cách ứng phó dịch bệnh với nguồn lực hạn chế. Việt Nam đã xác nhận 204 trường hợp nhiễm Covid-19. Khác với các nước châu Á giàu có khác, Việt Nam không thể tiến hành thử nghiệm hàng loạt. Ví dụ Hàn Quốc đã thử nghiệm 338.000 người. Tại Việt Nam, con số thử nghiệm chỉ ở mức 15.637 người (số liệu ngày 20/3). Nhưng bằng cách tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát của mình, quốc gia này đã giành được sự tán dương từ cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã hành động nhanh chóng. Ngày 1/2, Việt Nam đã khởi động một loạt các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19: đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc; đóng cửa các trường học sau khi nghỉ Tết Nguyên đán. Hai tuần sau, biện pháp kiểm dịch 21 ngày được áp dụng tại tỉnh Vĩnh Phúc. Quyết định đó được đưa ra do lo ngại về tình trạng sức khỏe của những người lao động nhập cư trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc, nơi khởi nguồn dịch Covid-19. Chính phủ đã tạm dừng các chuyến bay, đóng cửa trường học và thực hiện biện pháp cách ly 14 ngày với những công dân nước ngoài đến Việt Nam.

Những nỗ lực chủ động của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đất nước đã trải qua sự cải thiện lớn về chất lượng cuộc sống sau 2 thập kỷ qua. Từ năm 2002-2018, sự chuyển đổi kinh tế đã giúp đưa hơn 45 triệu người Việt Nam thoát nghèo. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đã tăng hơn gấp đôi, lên hơn 2.500 USD trong năm 2018, mức tăng trưởng GDP thực tế là 7,1%. Y tế quốc gia cũng được cải thiện - tuổi thọ trung bình tăng từ 71 (năm 1990) lên 76 (năm 2015).

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng đang được cải thiện, tuy vẫn còn nhiều việc phải làm. Ở Việt Nam có khoảng 8 bác sĩ trên 10.000 người dân. Italy và Tây Ban Nha đều có 41 bác sĩ trên 10.000 người dân, Mỹ có 26 và Trung Quốc có 18.

Các biện pháp của Việt Nam chống dịch Covid-19 đã được triển khai bao gồm cách ly 14 ngày bắt buộc đối với tất cả người nhập cảnh Việt Nam và hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay nước ngoài. Việt Nam cũng đã cách ly những người nhiễm bệnh và theo dõi bất cứ người nào đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Việt Nam đã đưa ra quyết định nhanh chóng và ban hành các quyết định kịp thời. Ngoài ra, Việt Nam còn có sự giám sát mạnh mẽ của người dân. Những nguồn tin giả, thông tin sai lệch về dịch Covid-19 đều có nguy cơ bị phạt, đã có khoảng 800 người bị phạt vì lý do này.

Tác giả nhận định, với nguồn lực hạn chế, Việt Nam dường như đã đi đúng hướng trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19.

V.A

(theo Phái đoàn Việt nam tại Geneva)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-quoc-te-ca-ngoi-cach-viet-nam-ung-pho-covid-19-voi-nguon-luc-han-che-112626.html