Bảo quản tranh bảo vật quốc gia rất đáng lo

Bảo vật quốc gia được luật pháp quy định bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt nhưng thực tế thì nhiều nơi chẳng đặc biệt gì, thậm chí còn thiếu trách nhiệm

Với việc bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng nặng, nhiều người đặt câu hỏi về cơ chế bảo quản những tác phẩm được xếp hạng bảo vật quốc gia hiện nay như thế nào. Bởi lẽ, không ai muốn tác phẩm là bảo vật quốc gia bị đối xử thiếu trách nhiệm như thế.

Bảo quản sai cách

Đến hết năm 2018, cả nước có 164 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, 7 bức tranh được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí (lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM), "Hai thiếu nữ và em bé" của danh họa Tô Ngọc Vân (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), "Em Thúy" của họa sĩ Trần Văn Cẩn (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của họa sĩ Nguyễn Sáng (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), bình phong sơn mài "Thiếu nữ và phong cảnh" của Nguyễn Gia Trí (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), "Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc" của Dương Bích Liên (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), bức sơn mài "Gióng" của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) và bức "Thanh niên thành đồng" của họa sĩ Nguyễn Sáng (Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM).

Việc công nhận bảo vật quốc gia phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Tác giả của những bảo vật quốc gia nêu trên đều là các họa sĩ nổi tiếng và có sức ảnh hưởng trong làng hội họa Việt Nam. Những tác phẩm hội họa nằm trong danh sách bảo vật quốc gia là sáng tác của các họa sĩ trong nhóm "tứ trụ" thế hệ thứ nhất (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn) và nhóm "tứ trụ" thế hệ thứ hai của mỹ thuật Việt Nam hiện đại: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Họ là các gương mặt tiêu biểu cho những thành tựu, cũng như các phong cách đặc trưng của hội họa Việt Nam trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XX tới nay.

Từ trái sang: “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí, “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm, “Thanh niên thành đồng” của Nguyễn Sáng (Ảnh tư liệu của bảo tàng)

Từ trái sang: “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí, “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm, “Thanh niên thành đồng” của Nguyễn Sáng (Ảnh tư liệu của bảo tàng)

Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa và lịch sử được nhà nước bảo vệ, bảo quản theo chế độ riêng biệt. Thế nhưng, mới đây, bức "Vườn xuân Trung Nam Bắc" bị hư hỏng đến 30% vì bảo quản sai cách - vệ sinh bằng nước rửa chén - khiến người trong giới và công chúng hoang mang về cơ chế quản lý và bảo quản bảo vật quốc gia. Giới chuyên môn cho biết trên thực tế, công tác bảo quản hiện vật ở nước ta còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, không chỉ về cơ sở vật chất mà cả về chuyên môn của những người phụ trách.

Kinh phí eo hẹp và lỗ hổng con người

Khi bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" bị hư hỏng nặng, giới chuyên môn cho rằng cách quản lý, bảo quản của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM có vấn đề. Họ cho biết trên thế giới, mỗi chuyên gia sẽ đảm nhận công việc bảo quản và phục chế tác phẩm mỹ thuật theo từng chất liệu là chuyên môn sở trường của họ. Muốn bảo quản, phục chế loại tranh nào thì có những cuộc họp chuyên môn mổ xẻ về phong cách và kỹ thuật của tranh đó rồi mới ra quyết định cuối cùng. Trong khi đó, cách làm xưa nay của bảo tàng ở ta thường ôm đồm và bất cập - giống như thợ may áo dài nhưng nhận luôn việc sửa veston!

Nhiều người trong giới nghĩ rằng Việt Nam hiện là thành viên Hiệp hội Bảo tàng ICOM của thế giới và châu Á nên việc tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ nước ngoài trong công tác bảo quản không quá khó khăn. Hãy học cách bảo quản hiện vật của các quốc gia trên thế giới - có những bức tranh tuổi đời lên đến hàng trăm năm vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Các chuyên gia đã nhiều lần chỉ ra những yếu kém trong bảo quản hiện vật ở bảo tàng, từ công tác bảo quản chưa chuyên nghiệp đến thiếu kiến thức chuyên môn. Thế nhưng, mọi việc vẫn chưa được cải thiện.

"Nếu không coi trọng kỹ thuật bảo quản, không có thay đổi trong lĩnh vực bảo tàng thì sẽ còn nhiều bảo vật quốc gia có nguy cơ biến mất" - họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Hội Mỹ thuật TP HCM, cảnh báo.

Trước đây, ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều tác phẩm có giá trị bị hư hỏng nặng vẫn phải nhờ đến bàn tay của chuyên gia nước ngoài. Bảo tàng này đang được các chuyên gia Đức hỗ trợ thông qua sự hợp tác với Viện Goethe và Trường Đại học Mỹ thuật Dresden (Đức). Cán bộ, nhân viên của bảo tàng cũng được sang Đức để tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất trong việc bảo quản các tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam chính là kinh phí. "Phục chế tranh rất đắt và mất thời gian"- Christiane Campioni, chuyên gia bảo quản và phục chế tranh ở Đức, cho biết. Vì kinh phí eo hẹp nên các bảo tàng luôn lựa chọn chi phí rẻ. Vì vậy, cách bảo quản ở Việt Nam đôi khi trở thành... "phá" - minh chứng là việc sử dụng bột chu, giấy nhám và nước rửa chén để làm vệ sinh bề mặt bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" .

Trong một hội thảo về phục chế tranh tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng thách thức trước mắt là vấn đề nhân sự. Bởi lẽ, nhân sự ngành bảo quản và phục chế tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi phải có học vấn, được đào tạo về mỹ thuật, có hiểu biết sâu sắc về khoa học tự nhiên và say mê với nghề nghiệp. "Chúng ta chưa có những nhân sự đủ điều kiện để đầu tư đào tạo phát triển chuyên môn" - bà Bùi Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, băn khoăn.

Vụ gây hư hỏng "Vườn xuân Trung Nam Bắc": Chỉ đề nghị kiểm điểm

Về xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM do liên quan đến việc làm hư hỏng bức tranh bảo vật quốc gia "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí, chánh thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM chỉ yêu cầu kiểm điểm. Văn bản của sở này gửi báo chí nêu cụ thể: "Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, các cán bộ bảo tàng cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về sự đơn giản, tùy tiện trong công việc bảo quản, bảo dưỡng tác phẩm, thái độ ứng xử với hiện vật bảo tàng, đặc biệt với hiện vật là bảo vật quốc gia...".

Với trường hợp làm hư hại bảo vật quốc gia như bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" vừa qua, nhiều họa sĩ đề nghị nên xử lý nghiêm về hành vi phá hoại. Luật Di sản văn hóa quy định bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Vì vậy, bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt. Trách nhiệm của người bảo quản bảo vật quốc gia cũng được pháp luật quy định cụ thể nếu để xảy ra hư hỏng, mất hay bị tráo, giả.

Thùy Trang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/bao-quan-tranh-bao-vat-quoc-gia-rat-dang-lo-20190515220631304.htm