Bảo quản, giữ gìn và phát huy các tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt

Ngày 23-2, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đến làm việc và tham quan các khối tài liệu quý của quốc gia đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và đông đảo cán bộ công nhân viên ngành lưu trữ.

Báo cáo Phó Thủ tướng về hoạt động tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ, Cục trưởng Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước, ông Đặng Thanh Tùng cho biết, hiện nay Cục đang bảo quản hơn 30km giá tài liệu. Các tài liệu này được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức trung ương thuộc các chế độ khác nhau, của các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử.

Những tài liệu này phản ánh toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến nay. Đặc biệt trong đó có khối tài liệu Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn được công nhận là tư liệu di sản thế giới, tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945 – 1946 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham quan khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn - tư liệu di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 2017

Những tài liệu còn lưu giữ lại được cho đến ngày nay là khối tài liệu quan trọng và có giá trị đặc biệt trong Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Cục đã thực hiện nhiều đề án chuyên môn như “Giải tỏa tài liệu tích đống”, “Cấp cứu Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn”, “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn – di sản tư liệu thế giới” và nhiều dự án xây dựng kho bảo quản tài liệu lưu trữ chuyên dụng…

Phó Thủ tướng làm việc với cán bộ nhân viên ngành lưu trữ ngày 23-2 tại Hà Nội

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã thay mặt Chính phủ ghi nhận và biểu dương những đóng góp của ngành lưu trữ và nhận xét thời gian qua toàn thể cán bộ công nhân viên đã làm tốt công việc bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, công tác bảo quản đã được làm khá tốt nhưng việc công bố tài liệu lưu trữ quốc gia chưa được quan tâm đúng mức và còn một số hạn chế. Các hoạt động giới thiệu tài liệu lưu trữ còn lẻ tẻ theo các sự kiện xã hội, chưa chuyên nghiệp và khoa học, chưa khai thác có hiệu quả khối tài liệu lưu trữ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước, ông Đặng Thanh Tùng trao tặng Phó Thủ tướng bản sao một trong số tài liệu là Châu bản triều Nguyễn

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia – khối di sản chứa đựng giá trị nhiều mặt là kho tàng trí tuệ và kinh nghiệm mà ông cha ta qua các thời kỳ lịch sử đã trao truyền lại. Trong đó có những tư liệu quý giá là những bằng chứng xác thực, khẳng định chủ quyền biên giới lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo thiêng liêng của tổ quốc, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa.

Vì vậy, Bộ Nội vụ, Cục văn thư lưu trữ Nhà nước, trong thời gian tới cần tập trung phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng làm tốt công tác bảo vệ an toàn các hồ sơ, lưu trữ tài liệu Châu bản, Mộc bản quý giá, triển khai các biện pháp khoa học để bảo quản, giữ gìn và phát huy các tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, qua đó giáo dục ý thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước, chủ quyền của quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và các đại biểu cùng cán bộ nhân viên ngành lưu trữ

Hiện nay, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước đã có đề án khai thác khối tài liệu lưu trữ quốc gia nhưng cần xem xét cách làm có thu hút chưa, hoạt động phục chế, tu bổ làm sao áp dụng công nghệ tiên tiến, mời chuyên gia nước ngoài, học hỏi kỹ thuật của nước ngoài, phát huy kết quả nghiên cứu trong nước để bảo vệ thật tốt khối tư liệu, đặc biệt là các Châu bản, Mộc bản.

Cục cần tính toán làm sao khai thác, truyền bá hồn cốt dân tộc trong khối tài liệu phục vụ mục đích tốt đẹp thì khối tài liệu mới có giá trị. Nếu không khai thác, nghiên cứu, truyền bá ra, không sử dụng phục vụ mục đích tốt đẹp thì sẽ không có giá trị.

Các Bộ ngành liên quan cũng phải có trách nhiệm với công việc này. Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước cần sớm giúp Bộ Nội vụ công bố, khai thác khối tài liệu một cách chuyên nghiệp, khoa học, có quy trình chặt chẽ, làm thường xuyên và có hệ thống.

Đối với khối tài liệu chữ Hán Nôm, tiếng Pháp, cần rà soát, thống kê, tài liệu nào đã dịch, tài liệu nào chưa được dịch, từ đó thẩm định tài liệu nào có thể công bố được thì công bố một cách chính thức, mời các chuyên gia giỏi tham gia và quá trình dịch thuật, viết bài, giới thiệu công bố. Bộ Nội vụ cần chủ động phối hợp với các cơ quan địa phương tổ chức trưng bày triển lãm giới thiệu các tài liệu lưu trữ và các tài liệu đã được công nhận là tài liệu di sản thế giới.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/pho-thu-tuong-thuong-truc-truong-hoa-binh-tu-lieu-di-san-the-gioi-chi-co-gia-tri-khi-duoc-phat-huy-trong-cuoc-song-479484/