Bao phủ BHYT sẽ đạt 90% vào cuối năm 2019

Dự kiến, cuối năm nay sẽ có 90% dân số được bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT), tiệm cận mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra cho năm 2020 là bao phủ trên 90% dân số.

Tỷ lệ không tham gia BHYT dù rất nhỏ so với con số tham gia nhưng việc bao phủ những đối tượng này là khá khó khăn với ngành bảo hiểm khi một bộ phận người dân còn có ý trông chờ hỗ trợ hoặc đợi có bệnh nặng mới nghĩ tới BHYT.

Tỷ lệ không tham gia BHYT dù rất nhỏ so với con số tham gia nhưng việc bao phủ những đối tượng này là khá khó khăn với ngành bảo hiểm khi một bộ phận người dân còn có ý trông chờ hỗ trợ hoặc đợi có bệnh nặng mới nghĩ tới BHYT.

Theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2019, toàn quốc có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số, vượt 0,9% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg và 9% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. Dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ dân số tham gia BHYT sẽ đạt 90%.

Cụ thể, xét theo 5 nhóm đối tượng quy định tại Luật BHYT nhóm do người sử dụng lao động và người lao động đóng đạt khoảng 13,4 triệu người tham gia; nhóm do tổ chức BHXH đóng (người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng) khoảng 3,1 triệu người; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng khoảng 34,2 triệu người; nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng đạt 17,1 triệu người và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình khoảng 16,7 triệu người.

Trả lời câu hỏi về 11% dân số (khoảng 10 triệu người) chưa tham gia BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Từ kết quả khảo sát thực tiễn của cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, cũng như một số tổ chức quốc tế cho thấy, đối tượng cận nghèo ở nước ta vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở khi tham gia BHYT. Một bộ phận người cận nghèo có tâm lý trông chờ, mong được ưu đãi, hỗ trợ nhiều hơn; thậm chí muốn được xét là đối tượng nghèo để cấp miễn phí thẻ BHYT”.

Đây chính là lý do khiến một số đối tượng như hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình… tham gia BHYT rất thấp, mặc dù đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng từ 30% - 70%.

Từ thực tế hoạt động của ngành, ông Sơn cho rằng, ranh giới xác định hộ nghèo và cận nghèo khá mong manh, điều kiện kinh tế của hai nhóm không khác biệt nhiều trong khi người nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% phí mua BHYT, còn người cận nghèo chỉ được hỗ trợ 70%. Do vậy, nếu trung bình một hộ cận nghèo có 4 - 5 khẩu mà cùng tham gia BHYT thì tổng số tiền phải đóng là khá lớn so với thu nhập của gia đình họ.

Riêng đối tượng học sinh, sinh viên có hiện tượng tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT thấp hơn so với học sinh và chỉ tham gia BHYT đầy đủ ở năm học đầu tiên và giảm dần ở các năm học tiếp sau. Thống kê cho thấy, chỉ riêng TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã có khoảng 300.000 sinh viên chưa tham gia BHYT.

Theo ông Sơn, mặc dù BHXH Việt Nam đã, đang và sẽ áp dụng những biện pháp thúc đẩy tham gia BHYT như tuyên truyền theo địa lý, trình độ, văn hóa, vùng miền; ứng dụng thông tin trong hoạt động, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý thu; tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thu đóng BHYT đối với các doanh nghiệp để ngăn ngừa tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT; phối hợp với Bộ Y tế nâng cao khám chữa bệnh theo diện BHYT cho người dân… tuy nhiên, nhận thức của người dân vẫn là rào cản chính khi nhiều người chỉ lựa chọn tham gia BHYT khi ốm đau, bệnh nặng.

Hải Hà

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bao-phu-bhyt-se-dat-90-vao-cuoi-nam-2019-d103212.html