Báo Pháp luật và Xã hội – 'Cầu nối' tin cậy của Nhân dân với ngành Tư pháp Thủ đô

'Hà Nội đang triển khai Đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025. Báo Pháp luật và Xã hội sẽ thực hiện nghiêm túc Đề án của thành phố. Dù sắp xếp cụ thể thế nào, dù làm việc ở đâu, Báo Pháp luật và Xã hội cũng sẽ luôn là kênh tuyên truyền hiệu quả trong công tác ngành Tư pháp, là cánh tay đắc lực của Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội', Tổng Biên tập Báo Pháp luật và Xã hội Nguyễn Xuân Khánh phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của Báo.

Chiều 16-1, Báo Pháp luật và Xã hội đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam và đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp, cùng toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên thân thiết của Báo đã về dự Hội nghị.

Kênh tuyên truyền hiệu quả công tác của ngành Tư pháp

Báo cáo kết quả công tác năm 2019 tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật và Xã hội cho biết: “Những thông tin phản ánh của Báo đã đóng góp quan trọng vào định hướng nhận thức chung của xã hội về quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp… Xứng đáng với sứ mệnh là cầu nối tin cậy của nhân dân với ngành Tư pháp Thủ đô, luôn “Đồng hành cùng bạn đọc tiếp cận công lý”.

Thay mặt Ban biên tập, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật và Xã hội báo cáo kết quả công tác của báo năm 2019.

Thay mặt Ban biên tập, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật và Xã hội báo cáo kết quả công tác của báo năm 2019.

Theo đó, Báo Pháp luật và Xã hội đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Thông tin trên báo luôn đúng với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ được quy định trong giấy phép, được thể hiện rõ nét qua chất lượng nội dung tin bài hàng ngày, hàng giờ đăng tải trên báo in và báo điện tử, đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của xã hội.

Báo đã chủ động khai thác, tuyên truyền, phản ánh đậm nét các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, của thành phố Hà Nội nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, Báo cũng tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công xuộc đổi mới; kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp, hướng đi thiết thực; đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân. Các nội dung về hoạt động của ngành tư pháp Thủ đô được báo phản ánh đa dạng, nhiều chiều với số lượng tin, bài lớn.

Ba chuyên trang điện tử là Pháp luật & Dân sinh, Kinh tế - Tiêu dùng, Đời sống - Pháp lý đã làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố, được truyền tải đến bạn đọc một cách kịp thời, đầy đủ và nhanh chóng.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Báo Pháp luật và Xã hội diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp, thân tình. Đây là dịp để Báo nhìn lại những kết quả đã đạt được trong năm 2019 và thảo luận phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2020. Ảnh: Khánh Huy

Đáng chú ý, Báo đã xây dựng, đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động tư pháp thông qua một số chuyên mục như: Cải cách tư pháp; Kiểm soát thủ tục hành chính; Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, đối tượng chính sách; Thừa phát lại; Lý lịch tư pháp; Hoạt động bổ trợ tư pháp; Công ước Quốc tế và quyền dân sự trong Hiến pháp; Luật Hộ tịch; Phòng chống tham nhũng, chống lãng phí; Pháp luật với thanh thiếu niên; Ban dân tộc; các tin bài tuyên truyền về Luật hòa giải; các bài tuyên truyền về hoạt động của khối doanh nghiệp, tập đoàn và các tổ chức kinh tế.

Đã phản ảnh thông tin, đề xuất, góp ý của người dân về những bất cập, vướng mắc trong thực hiện thi hành, chấp hành pháp luật. Qua đó, các cơ quan, ban, ngành kịp thời tiếp thu sửa đổi, bổ sung, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn.

Năm 2019, Báo tiếp tục được UBND thành phố Hà Nội giao để triển khai thực hiện đăng 4 trang nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND Thành phố để phổ biến pháp luật tới cán bộ và nhân dân Thủ đô. Qua thời gian thực hiện việc tuyên truyền pháp luật bằng hình thức này, đã được bạn đọc đánh giá cao, mang lại kết quả tích cực trong công tác PBGDPL cho nhân dân.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các mặt công tác khác của Báo cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là trong công tác xã hội, thiện nguyện…

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị cũng đã góp phần làm sâu sắc thêm những kết quả đạt được trong năm 2019 của Báo Pháp luật và Xã hội, cũng như đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng của Báo trong thời gian tới.

Ấm áp nghĩa tình cộng tác viên với Báo Pháp luật và Xã hội

Về dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Báo Pháp luật và Xã hội ngoài đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp còn có đội ngũ cộng tác viên thân thiết của Báo. Phát biểu của các cộng tác viên không chỉ thể hiện nghĩa tình với Báo mà còn có nhiều góp ý tâm huyết, trách nhiệm đối với sự phát triển của Báo.

Chia sẻ tình cảm gắn bó cùng Báo Pháp luật và Xã hội trong hơn 10 năm qua, nhà văn Đoàn Tử Diễn- cộng tác viên thân thiết của Báo chia sẻ “chưa Báo nào gần gũi, quý cộng tác viên như Báo Pháp luật và Xã hội”.

“Cách đây mấy tháng, tôi không thể lên tòa soạn để nhận nhuận bút. Lúc đó chị Bùi Minh Hằng, Phòng Trị sự Báo Pháp luật Xã hội đã ngỏ ý muốn đến tận nhà để gửi nhuận bút cho tôi, mà nhà tôi vừa xa vừa khó tìm, đường đi lòng vòng, ngoằn ngoèo lắm. Tôi đã bảo “cháu cứ để đấy lúc nào bác khỏe, bác lên cơ quan nhận sau”. Nhưng chị Hằng vẫn nhất quyết tìm đến nhà tôi, còn bảo “cháu đến gửi nhuận bút còn có cơ hội đến hỏi thăm sức khỏe bác nữa”, nhà văn Đoàn Tử Diễn xúc động kể. Chỉ là một câu chuyên nhỏ nhưng thể hiện cái tình, sự tri ân của Báo với đội ngũ cộng tác viên. Tình cảm gắn bó giữa cộng tác viên với Báo Pháp luật và Xã hội trong nhiều năm qua đã được hình thành, vun đắp từ rất nhiều những câu chuyện nhỏ xúc động thế.

Nhà văn Đoàn Tử Diễn chia sẻ những kỷ niệm về tình cảm thân thiết, gần gũi, gắn bó giữa cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Pháp luật và Xã hội với đội ngũ cộng tác viên của Báo. Ảnh: Khánh Huy

Góp ý với Báo Pháp luật và Xã hội, nhà văn Đoàn Tử Diễn cho rằng, nhiệm vụ của Báo là tuyên truyền, do đó vấn đề cần quan tâm của Báo là thông tin. Thông tin đó không phải là sự áp đặt mà qua thông tin độc giả tiếp nhận, suy ngẫm có thêm kiến thức, có thêm nhận thức.

“Không phải cứ nói báo hay, báo đẹp là báo hay, báo đẹp được mà phải từ những thông tin, những sự kiện, những câu chuyện, những nhân vật được báo phản ánh, độc giả cảm nhận được đó là tờ báo hay, tờ báo đẹp”, nhà văn Đoàn Tử Diễn chia sẻ.

Là thư ký tòa soạn đầu tiên của Báo Pháp luật và Xã hội - ông Hoàng Ngọc Châu, nay là Tổng thư ký Tạp chí Thủy sản Việt Nam cho rằng: "Sở Tư pháp Hà Nội có thể tự hào vì đã có một ấn phẩm báo chí chững chạc không chỉ đối với riêng Hà Nội".

Tổng Thư ký Tạp chí Thủy sản Việt Nam Hoàng Ngọc Châu: "Báo Pháp luật và Xã hội với đội ngũ cán bộ, phóng viên biên tập viên trẻ trung, vững vàng về nghề cũng sẽ tiếp tục phát huy được sức trẻ, hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Ảnh: Khánh Huy

“Dõi theo Báo Pháp luật và Xã hội trong những năm qua có thể thấy, Báo đã có những bước phát triển đều đặn, từng bước khẳng định được vị trí của mình trong làng báo.

Hiện Đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025 đang được triển khai nhưng tin tưởng rằng dù với kịch bản nào về sự sắp xếp đi nữa thì Báo Pháp luật và Xã hội với đội ngũ cán bộ, phóng viên biên tập viên trẻ trung, vững vàng về nghề cũng sẽ tiếp tục phát huy được sức trẻ, hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Hoàng Ngọc Châu nói.

Năm 2020- Chủ động đón vận hội mới

Dẫn ý kiến phát biểu của Tổng Thư ký Tạp chí Thủy sản Việt Nam Hoàng Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam chia sẻ quá trình công tác, khi nhắc đến Báo Pháp luật và Xã hội của Sở Tư pháp, đại nhiều sở ngành, đơn vị có phản hồi lại là thông tin đăng tải trên Báo thời gian qua và gần đây là đã xây dựng thêm chuyên mục TV Phapluatxahoi với nhiều nội dung thiết thức, đặc sắc. Và Sở Tư pháp có thể tự hào với tờ báo của mình.

Thay mặt Ban Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Giám đốc Tống Thị Thanh Nam chúc mừng và biểu dương kết quả đạt được của Báo Pháp luật và Xã hội trong năm 2019.

“Với những kết quả đã đạt nước, năm 2019 Báo đã được UBND TP Hà Nội tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua. Nhiều lĩnh vực công tác của Báo cũng đã được UBND TP tặng Bằng khen”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam thông tin. Đồng thời thay mặt Ban Giám đốc Sở chúc mừng và biểu dương kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ của Báo Pháp luật và Xã hội trong năm 2019.

Đề cập đến Đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí thành phố, Phó Giám đốc Sở Tống Thị Thanh Nam nhấn mạnh, dù ở vị trí nào, báo cũng phải làm tốt nhiệm vụ của mình, giữ vững, phát huy vai trò của người làm báo. Bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, của ngành Tư pháp để thông tin tuyên truyền.

PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" do Bộ Tư pháp tặng cho bà Đỗ Thị Phương Hoa - Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn và bà Nguyễn Thị Lý - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Bạn đọc Báo Pháp luật và Xã hội vì đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng ngành Tư pháp Việt Nam. Ảnh: Khánh Huy

Năm 2019, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đã tặng Danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở", Giấy khen của Giám đốc Sở cho 9 cá nhân của Báo Pháp luật và Xã hội vì đã có thành tích trong công tác Tư pháp năm 2019. Ảnh: Khánh Huy

Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Thị Tâm trao Giấy khen của BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khối các cơ quan TP Hà Nội cho tập thể Chi đoàn thanh niên Báo Pháp luật và Xã hội và Giấy khen cá nhân cho ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Bí thư Chi đoàn Thanh niên Báo Pháp luật và Xã hội vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2019. Ảnh: Khánh Huy

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật và Xã hội Nguyễn Xuân Khánh cho biết: Năm 2020 là năm đầu tiên Báo Pháp luật và Xã hội chuyển mình sang hoạt động tự chủ hoàn toàn. Chuẩn bị cho bước chuyển mình này, cách đây 2 năm, Ban biên tập Báo Pháp luật và Xã hội cũng đã tính toán phương hướng phát triển trong thời đại công nghệ 4.0.

Tổng Biên tập Báo Pháp luật và Xã hội Nguyễn Xuân Khánh: "Báo Pháp luật và Xã hội sẽ luôn là kênh tuyên truyền hiệu quả trong công tác ngành Tư pháp. Là cánh tay đắc lực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội". Ảnh: Khánh Huy

Theo đó Báo Pháp luật và Xã hội đã áp dụng mô hình tòa soạn hội tụ gồm cả báo in và điện tử, trong đó lấy báo điện tử làm trung tâm. Đầu tư nâng cấp hệ thống CMS hiện đại, tiện dụng, nhiều tính năng thông minh, SEO, để mang đến cho bạn đọc sự tiện lợi. Thay đổi, cải tiến giao diện báo điện tử thể hiện sự đơn giản, dễ tìm và văn minh để được bạn đọc đánh giá cao và lượng truy cập ngày càng tăng. Ngoài ra thường xuyên cập nhật nâng cấp chất lượng chuyên mục TVphapluatxahoi với hình ảnh, nội dung phong phú, truyền tải được những kiến thức pháp luật theo đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo...

Các giải pháp này sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện trong năm 2020. Cùng với đó Báo cũng sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hình thức, nội dung báo in, báo điện tử; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, ấy bạn đọc làm trung tâm, mục tiêu phục vụ...

Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Khánh trao Giấy khen cho các cá nhân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2019. Ảnh: Khánh Huy

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-phap-luat-va-xa-hoi-cau-noi-tin-cay-cua-nhan-dan-voi-nganh-tu-phap-thu-do-177204.html