Bao nhiêu vũ khí Mỹ vào tay Ukraine cũng thành 'vô dụng'

Nhà phân tích Julie Thompson nhận định, ngay cả khi nắm trong tay các loại vũ khí sát thương mà Mỹ cung cấp, Ukraine cũng không thể làm thay đổi tình hình chiến sự hiện nay. Thậm chí, Mỹ còn rơi vào cảnh đối đầu căng thẳng hơn với Nga.

National Interest cho hay, sau nhiều tuần xuất hiện tin đồn ở Washington về việc Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc muốn Tổng thống Donald Trump trang bị vũ khí sát thương cho Ukraine, mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã lên tiếng xác nhận Nhà Trắng đang cân nhắc chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Julie Thompson tại Viện Charles Koch, ông Trump nên từ chối đề xuất trên. Bởi Mỹ đã tài trợ cho Ukraine 750 triệu USD nhưng hiệu quả thì không có. Nếu Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, hành động này sẽ chỉ làm tình hình căng thẳng với Nga trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, nó còn đi ngược lại mong muốn giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng con đường ngoại giao của các đồng minh trong khối NATO của Washington.

Binh lính chính phủ Ukraine.

Khoản viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine được thực hiện qua "Sáng kiến Tái đảm bảo châu Âu" (ERI) và được khởi động từ năm 2014. Trong năm tài khóa 2015, ERI đã chuyển khoản hỗ trợ trị giá 175 triệu USD cho Ukraine và 3 quốc gia vùng Baltic. Trong năm 2017, ERI đã đề nghị chi 5,6 triệu USD để "phát triển một mô hình Thế hệ Lực lượng đặc nhiệm Ukraine bền vững (UKR)".

Số tiền mà ERI dự định chi cho Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi mà trong bản đề xuất mới nhất, ERI đề nghị chi cho Ukraine 150 triệu USD "để tiếp tục đào tạo, trang bị vũ khí và tư vấn nhằm xây dựng năng lực tiến hành các hoạt động phòng vệ trong nước cho Ukraine".

Vậy số tiền hàng triệu USD mà Mỹ chuyển cho Ukraine đã giúp quốc gia này giành được những ưu thế gì? Câu trả lời là khoản hỗ trợ của Mỹ dường như không có ích đối với Ukraine.

Theo bản báo cáo được Reuters đăng tải hồi tháng 12/2016, số máy bay không người lái (UAV) Raven RQ-11B trị giá 12 triệu USD của Mỹ đã bị các thiết bị của Nga can thiệp và trở nên vô dụng thậm chí là còn gây nguy hiểm cho các binh sĩ Ukraine. Các hacker còn sử dụng chính UAV Raven RQ-11B để do thám vị trí hoạt động của quân đội Ukraine. Điều đáng nói là, các binh sĩ Mỹ vẫn tiến hành huấn luyện cho quân đội Ukraine sử dụng UAV Raven RQ-11B vào mùa xuân năm nay.

Trong năm 2015, Mỹ đã chuyển cho Ukraine các xe chiến đấu Humvee song đây là những vũ khí được sản xuất từ thập niên 80 và 90. Thậm chí, một số xe còn có phần kính và cửa được làm từ nhựa, không đảm bảo an toàn tính mạng cho các binh sĩ sử dụng. Bên cạnh đó, không ít xe còn bị thủng lốp khi mới di chuyển được vài trăm kilomet do "bị để quá lâu trong kho chứa".

Theo nhà phân tích Thompson, ngay cả khi Mỹ chuyển thêm vũ khí cho Ukraine, tình hình  ở Ukraine cũng không được cải thiện. Trong khi, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng. Do đó, chuyển thêm vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ làm tình hình thêm căng thẳng và không có lợi cho Mỹ.

Quan trọng hơn, theo giới học giả, Nga theo đuổi "thế thông trị leo thang căng thẳng" ở Ukraine. Điều này có nghĩa là Nga luôn sở hữu đội quân hùng mạnh hơn và có quy mô lớn hơn so với Ukraine. Do đó, dù Mỹ có chuyển thêm vũ khí cho Ukraine, thì cán cân sức mạnh trong cuộc chiến ở Ukraine cũng không thể thay đổi.

Thêm vào đó, so với Mỹ, Nga luôn có lợi ích lớn hơn ở Ukraine. Ukraine lâu nay không chỉ được xem là sân sau của Nga mà về mặt lịch sử, quốc gia này còn là một phần của Đế chế Nga và Liên Xô cũ. Nói cách khác, "các nhà lãnh đạo Nga tin rằng lợi ích chiến lược cốt lõi của Nga nằm ở Ukraine và họ sẽ không bao giờ từ bỏ quốc gia này" ngay cả khi Mỹ cố gắng can thiệp.

Cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine có thể khiến tình hình chiến sự ở quốc gia này thêm căng thẳng.

Thực tế, một số quan chức trong chính quyền của Tổng thống Trump cho biết, "Mỹ cần có hành động ngăn chặn những hành động táo bạo của Nga ở Ukraine" nhưng thực tế chứng minh, quyết tâm này đã thất bại. Điển hình là, Ukraine không thể ngăn chặn Nga sáp nhập bán đảo Crimea cũng như sự xuất hiện của các binh sĩ Nga ở khu vực Donetsk và Luhansk.

Nói cách khác, theo bà Thompson, không thể đưa ra giải pháp quân sự để chấm dứt tình trạng xung đột ở Ukraine. Phương thức giải quyết tốt nhất là theo con đường ngoại giao. Ngoài ra, Ukraine cũng không phải là thành viên của NATO nên Mỹ không có nghĩa vụ duy trì hỗ trợ. Do đó, Ukraine cần cân nhắc các giải pháp khác để chấm dứt xung đột tại quốc gia này.

Cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine còn đặt Mỹ vào thế đối đầu với các nước đồng minh trong khối NATO. Bởi Đức và Pháp từng thừa nhận họ đồng thuận với quan điểm của Nga về việc trang bị vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ chỉ làm "leo thang căng thẳng nguy hiểm lâu dài" với Nga. Hồi tháng trước, Đức và Pháp cũng đã kêu gọi đưa ra một giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine bằng đàm phán. Đặc biệt, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Pháp và các nước Tây Âu không tham dự những sự kiện trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis tới Ukraine.

Bà Thompson kết luận, cuộc xung đột ở Ukraine đã là một bi kịch và Mỹ không thể làm gì hơn. Mỹ cũng không thể đảm bảo an ninh cho Ukraine. Ngoài ra, Tổng thống Trump nên từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine cũng như tránh để Mỹ sa lầy thêm vào cuộc chiến tại quốc gia này.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bao-nhieu-vu-khi-my-vao-tay-ukraine-cung-thanh-vo-dung-post235795.info