Bao nhiêu trường sư phạm là đủ?

Từ cách đây hàng chục năm, vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm đã được đặt ra nhưng chỉ từ vài năm trở lại đây, khi tình trạng cung vượt quá cầu ở mức đáng báo động, con số thống kê cử nhân sư phạm thất nghiệp (chưa nói đến những người làm trái ngành, trái nghề) tăng cao thì vấn đề này mới được đưa vào danh mục những việc cấp bách cần làm ngay.

Cần đào tạo giáo viên theo địa chỉ, không theo cơ chế thị trường.

Cần đào tạo giáo viên theo địa chỉ, không theo cơ chế thị trường.

Thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay, cả nước có 58 trường ĐH, 57 trường CĐ và 40 trường trung cấp (TC) có ngành đào tạo giáo viên, trong đó, có 14 trường ĐH sư phạm, 40 trường CĐ sư phạm và 2 trường TC sư phạm. Mỗi mùa tuyển sinh, khi hàng loạt các trường sư phạm “trắng” thí sinh, liên tục xét tuyển bổ sung, các ngành sư phạm chất lượng cao cũng chỉ có ít sinh viên “mặn mà”... khiến nhiều người đã phải thốt lên câu hỏi: “Thí sinh đi đâu hết?”.

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” trong khi chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã không còn phát huy tác dụng, nếu không muốn nói là có phần lãng phí khi không thu hút được người giỏi vào sư phạm như mục tiêu ban đầu đặt ra. Hàng nghìn sinh viên sư phạm chất lượng cao với xuất phát điểm đầu vào cao, kết quả học tập và rèn luyện trong 4 năm ĐH khá, giỏi vẫn phải chật vật tìm việc làm nhiều năm… do các môn này đang thừa giáo viên. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải quy hoạch lại nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm.

Gần đây nhất, nhóm nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2035 phục vụ đề án sắp xếp lại các trường sư phạm mà Bộ GDĐT đang xây dựng đã đưa ra đề xuất, tới năm 2025, cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm chủ chốt. Trong 5 năm tiếp theo (tới năm 2030), tiến hành sắp xếp tổ chức thành một hệ thống với 3 trường sư phạm trọng điểm (1 trường ở miền Bắc, 1 ở miền Trung và 1 miền Nam) phát triển theo mô hình ĐH cùng với 3 - 5 trường sư phạm chủ chốt.

Trước đó, tại phiên họp Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực diễn ra vào cuối tháng 5 năm 2018, Bộ GDĐT cho biết sẽ rà soát, sắp xếp và quy hoạch để hình thành 10 cơ sở đào tạo giáo viên, trung tâm có uy tín, đủ năng lực đào tạo giáo viên cho toàn ngành. Các cơ sở đào tạo khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm và tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho toàn hệ thống. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống.

Từ phía các trường sư phạm cũng có các quan điểm khác nhau. Đơn cử như ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, quan điểm tập trung đầu tư cho các cơ sở chủ lực ở các thành phố lớn và co hẹp hoặc giải thể các cơ sở vùng sâu, vùng xa là quan niệm khá cực đoan. Trong khi đó, một chuyên gia khác nhìn nhận hiện nay việc quy hoạch mới chỉ tập trung vào giảm số lượng các trường ĐH công lập mà chưa đề cập nhiều đến các trường tư thục, dân lập.

Trong một diễn biến khác, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng vừa có công văn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GDĐT, các bộ, ngành và địa phương liên quan chưa sáp nhập các trường sư phạm với các đơn vị khác thuộc thẩm quyền đồng thời thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường ĐH sư phạm - ĐH giáo dục trọng điểm, các trường - khoa ĐH sư phạm địa phương, các trường - khoa CĐ sư phạm địa phương đồng thời Nhà nước hỗ trợ thành lập trường thực hành chất lượng cao trong các trường sư phạm.

Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ, không theo cơ chế thị trường là đề xuất của nhiều chuyên gia lâu nay để tránh lãng phí trong đào tạo giáo viên vì hiện nay giáo viên mầm non vẫn còn thiếu nhiều, trong khi giáo viên ở bậc tiểu học, THCS, THPT về cơ bản đã đủ và thừa.

Bên cạnh đó, do thực hiện tinh giản biên chế nên dù giáo viên mầm non thiếu nhưng số lượng giáo viên tuyển ở các bậc học trên (đặc biệt là THCS và THPT) có xu hướng thừa so với nhu cầu, do đó không còn biên chế cho bậc học mầm non.

Đào tạo ra để rồi thất nghiệp là điều cả nhà trường và người học, xã hội đều không mong muốn, nhất là khi tiền học phí lại lấy từ ngân sách đầu tư cho giáo dục trong khi ngành còn biết bao điều phải làm. Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm rõ ràng là chủ trương đúng và cấp bách nhưng như phân tích của nhiều chuyên gia, cần quan tâm đến tính động, tính mở trong thực hiện. Chẳng hạn, cần tính đến yếu tố vùng miền, mô hình đào tạo giáo viên cần tiếp cận xu hướng thế giới nhưng phải linh hoạt theo điều kiện đặc thù của từng cơ sở đào tạo giáo viên.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một bộ quy chuẩn cho các trường sư phạm dùng để làm thang đo là rất cần thiết. Tuy nhiên cần xem xét các yếu tố chỉ báo để khi áp dụng thang đo này phải đảm bảo khách quan, công bằng.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/bao-nhieu-truong-su-pham-la-du-tintuc437962