Bao nhiêu hiện thực là đủ?

Nhiều khán giả Việt Nam khi xem 'Parasite' (Ký sinh trùng), bộ phim vừa giành giải Cành cọ vàng danh giá, hẳn sẽ không thôi thảng thốt rằng, thực ra, câu chuyện về khoảng cách giàu nghèo, về tấn bi kịch chua xót của tầng lớp thị dân dưới đáy trong tác phẩm điện ảnh đó hoàn toàn có thể nhìn thấy hằng ngày ở nhiều đô thị Việt Nam.

Nhưng vấn đề là tại sao chúng ta lại thiếu vắng hoàn toàn những bộ phim có khả năng thể hiện chân xác đời sống xã hội theo một tư duy, phong cách điện ảnh đủ độc đáo để gây ấn tượng quốc tế?

1. Không quá cầu kì và phức tạp, Parasite khéo léo khía vào những vết đen khó xóa của một xã hội Hàn Quốc phát triển, hiện đại, hào nhoáng.

Ở đó, giàu và nghèo không những không thể xóa bỏ hay rút hẹp khoảng cách mà còn là nguyên nhân cơ bản gây nên một kiểu tâm trạng phẫn hận (ressentiment), thứ axit bào mòn dần các nguyên tắc đạo đức, văn minh và pháp luật vốn dùng để duy trì các mối quan hệ bình thường nhất giữa người và người, giữa cộng đồng này và cộng đồng khác dù họ xuất thân thế nào.

Đặt gia đình Kim Ki-Taek với bốn thành viên, hiện thân của “ổ chuột” sống vô danh vô hạng trong “căn nhà” tồi tàn, tăm tối bên cạnh gia đình Park, biểu tượng của giàu có và xa hoa tột đỉnh, chính là thủ pháp để mô tả hiện thực và lấy nó làm đường dẫn cho những suy tư, liên tưởng khác.

Parasite không phải là bản án giàu tính quy kết và châm biếm giới thượng lưu luôn sống tách biệt đến mức vô nhiễm với đồng loại, càng không phải là lời biện hộ, chiêu tuyết cho giai tầng bần cùng lắm mưu chước và tham vọng đổi đời.

Trước khi cuốn người xem giải mã những lớp nghĩa ẩn dụ, Parasite trước hết và dễ nắm bắt nhất, là chiếc kính lúp soi tường tận các khối u bất khả giải quyết trong đô thị hiện đại: thiếu việc làm, túng quẫn, bạo lực, tiền bạc và nhân phẩm.

Trên tờ Hollywood Reporter, khi chỉ ra sự khác biệt giữa Parasite và các phim trước đó của đạo diễn Bong Joon-ho như The Host, Snowpiercer và Okja, nhà phê bình Stephen Dalton cho rằng, với Parasite, Bong đã từ bỏ lối kể chuyện phim ngụ ngôn để tiến gần hơn với “chủ nghĩa hiện thực xã hội” (social realism).

Nhờ không khí hiện thực đó mà bộ phim, dù có thêm nhiều gia vị hài hước đen (black-humour) và giật gân/kinh dị, vẫn khiến người xem tỉnh táo nhận ra thực chất của thực trạng kí sinh lẫn nhau của con người trong các xã hội

So về mức độ nằm lòng nguyên tắc phản ánh hiện thực thì văn nghệ sĩ Việt Nam không hề thua kém ai. Trước 1945, chúng ta đề cao hiện thực phê phán xã hội; sau 1945, chúng ta coi phản ánh hiện thực xây dựng chủ nghĩa xã hội là nguyên tắc hàng đầu trong sáng tạo văn chương nghệ thuật.

Ở thời điểm hiện tại, “hiện thực” vẫn là từ khóa được nhắc nhiều bậc nhất trong các mạn đàm trà dư tửu hậu, trong các trao đổi nghề nghiệp, trong lời giáo huấn về cảm hứng và mục tiêu nghệ thuật: làm sao và bằng cách nào để lột tả chính xác, kịp thời, sâu và rộng hiện thực đời sống hôm nay.

Có cảm giác văn nghệ sĩ Việt Nam có thể lắc đầu từ chối mọi thứ hoặc rạp mình đón nhận tất cả, chỉ “hiện thực” là thứ của nả gia truyền sinh nghề tử nghiệp không bao giờ biến đổi.

Vào cuối thập niên 1980, đã có đề xuất rằng nghệ sĩ cần “nghiền ngẫm” thay vì “phản ánh” hiện thực bởi nghiền ngẫm gắn với cái nhìn bên trong, tự thân, còn phản ánh chỉ biến tác phẩm thành tấm gương, có gì thu nấy. Tranh luận kéo dài về nghiền ngẫm hay phản ánh đó, rút cuộc, không thành bùa chúa tháo gỡ vòng kim cô hiện thực mà nghệ sĩ sinh ra đã tự nguyện đeo vào.

2. Nhưng thực tế, chúng ta có những hiện thực gì và thái độ tiếp nhận hiện thực ra sao trong văn chương nghệ thuật? Chúng ta có hiện thực chiến tranh kéo dài song Nỗi buồn chiến tranh, cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh của Việt Nam, đã từng bị “đánh” vì bóp méo tính chất cuộc chiến vệ quốc vĩ đại và người lính anh hùng.

Chúng ta cũng có lực lượng đông đảo nhà văn có tuổi đời quân ngũ lẫn kinh nghiệm trận mạc nhiều hơn những Lev Tolstoy hay E. Hemingway cộng lại nhưng cho đến giờ, chúng ta vẫn cứ canh cánh vì không thấy đâu những tác phẩm tầm cỡ như Chiến tranh và Hòa bình, Chuông nguyện hồn ai hay Giã từ vũ khí.

Chúng ta cũng có những trận đánh lớn, rung chuyển năm châu chấn động địa cầu mà phim ảnh về hiện thực đó, chẳng hạn loạt phim về Điện Biên Phủ (Hoa ban đỏ, Ký ức Điện Biên, Sống cùng lịch sử), vừa ít ỏi lại vừa kém hấp dẫn, không tài nào kéo được khán giả đến rạp.

Chúng ta có hiện thực cuộc sống mới, con người mới kể từ 1986 đến nay nhưng nếu phản ánh cả mặt trái, mặt xấu, cả “rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” như Nguyễn Minh Châu tâm niệm thì phải dè chừng những phê bình xã hội học dung tục hoặc những nhà quản lí “bảo hoàng hơn vua”. Chúng ta có hiện thực của tất cả chỉ trừ hiện thực bị coi là bôi đen, bi quan, lệch lạc so với phần còn lại tươi sáng, lạc quan, tốt đẹp.

Trong điện ảnh Việt gần đây, đâu là những bộ phim có cảm hứng “hiện thực xã hội”? Một ít nhọc nhằn mưu sinh trong Tâm hồn mẹ (2011), một chút bần cùng sa ngã, tha hóa trong Lạc lối (2013), một khối uất ức và xót xa về thân phận nghèo khó vùng cao trong Cha cõng con (2017) có lẽ đã hoàn toàn lọt thỏm giữa một rừng phim hài, lãng mạn và chicks flick kiểu Hàn.

Riêng về hình ảnh đô thị, những gì mà Bi, đừng sợ (2010), Đập cánh giữa không trung (2014), thậm chí cả Em chưa 18 (2017) thể hiện, dù đã vượt qua trạng thái nhàn nhạt, rời rạc của các phim cùng đề tài, nhưng vẫn chỉ là nét chấm phá chưa đủ khắc sâu thành vệt dài ám ảnh về các ngõ ngách tâm lí thị dân.

Có phóng tay ngả sang bạo lực thì Bụi đời chợ Lớn (2013) lập tức bị cấm chiếu. Tin tức báo chí hằng ngày không thiếu bạo lực, án mạng nhưng hiện thực đó chỉ nên nằm trong nỗi bất an thường trực, chẳng dễ dàng được phép lên phim. Có bao nhiêu hiện thực lặng lẽ rơi vào “cấm kị” trong văn chương nghệ thuật ở ta?

Bong Joon-ho chỉ là một trong số nhiều đạo điễn đương đại Hàn Quốc dám đương đầu với các vấn nạn xã hội của quốc gia đang trên đà thịnh vượng này.

Trước và cùng thời với Bong Joon-ho, những Park Chan-wook, Lee Chang-dong, Kim Ki-duk,... đều đã nhìn thấy vết chàm bội nhiễm trên dáng vẻ tươi tắn của xứ kim chi là những bất công, bạo lực, là sự đổ vỡ của hàng loạt nền tảng đạo đức, nhân phẩm, gia đình truyền thống.

Điểm nổi bật và cũng là gây “sốc” nhất trong những thước phim của họ là thái độ đẩy đến tận cùng cái nhìn nghiêm khắc và thấu suốt về các sự thật ẩn sâu trong con người và trong đời sống.

Ảnh trong bài: Những cảnh trong phim “Ký sinh trùng”

Ảnh trong bài: Những cảnh trong phim “Ký sinh trùng”

Tính chất bạo lực trần trụi và tàn khốc, với mức độ tự-nó-thản-nhiên và như là bản chất vĩnh cửu, xuất hiện khủng khiếp trong một số phim như Green Fish (1997), Bad-guy (2001), Oldboy (2003), Sympathy for Lady Veneance (2005), Pietà (2012), Burning (2018)… cũng đồng thời phơi bày sự thật về lớp người ngoài rìa, bên lề, dưới đáy, hoàn toàn suy yếu các năng lực tự vệ và tồn tại.

Lớp người đó khó có cơ hội để hít thở chung với bầu không khí phồn thịnh, và tất yếu rơi vào phi nhân với những hành động và dục vọng chừng như hỗn mang, đối ngược văn minh mà xã hội hiện đại cố công gây dựng.

Nếu phim truyền hình Hàn tạo ra các lớp sơn bóng nhoáng bao nhiêu thì điện ảnh Hàn, ngược lại, làm mếch lòng chính quyền bấy nhiêu vì thứ hiện thực khó nuốt trôi trong đó. Ngay cả Le Chang-dong, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Du lịch, cũng nằm trong “danh sách đen” của chính quyền Park Geun-hye.

Còn như Kim Ki-duk thì đã bị gắn cho hỗn danh “tên khốn” từ lâu. Khoác áo hiện thực, như vậy, không nằm ở rộng hay hẹp, ở chật chội hay thừa thãi, mà nằm ở bản lĩnh chụp lên mọi sức mạnh muốn nó vừa vặn, đèm đẹp. Chúng ta không thiếu hiện thực nhưng chúng thừa thỏa hiệp để hiện thực trở nên vừa vặn với khẩu vị của nhiều người.

3. Bong Joon-ho mang vinh quang cho điện ảnh Hàn và đáng chú ý hơn, Parasite tiếp tục thu hút phòng vé. Riêng ở Việt Nam, bộ phim này đã cán mốc 50 tỷ đồng (khoảng 1,95 triệu USD) chỉ sau nửa tháng ra rạp (bắt đầu từ 21-6-2019).

Phải chăng khán giả Việt, ngoài háo hức, tò mò vì danh tiếng giải thưởng Cannes, đã thật sự bị chinh phục bởi Parasite quá gần gũi mà sâu sắc? Tôi còn ngờ rằng, nhiều khán giả bắt gặp ở Parasite những cảm xúc từ lâu không được văn chương nghệ thuật Việt truyền tải thỏa đáng. Đó có thể là lòng cảm thông trước dục vọng sinh tồn, sự ghê sợ trước cái ác và tàn bạo.

Nhưng sau hết, chúng ta còn vỡ lẽ rằng, cho dù có sẵn trong tay bao nhiêu hiện thực thì điều kiện tiên quyết để mọi sáng tạo nghệ thuật không bị xoàng xĩnh vẫn là tài năng. Thừa nhận một cách sòng phẳng thì chúng ta quá thừa hiện thực nhưng đang quá thiếu những tài năng nghệ thuật lớn.

Tống Nam Phú

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/bao-nhieu-hien-thuc-la-du-553888/