Báo Nga: Việt Nam có thể biến MiG-21 thành máy bay không người lái

Báo chí Nga cho rằng 'cựu binh' của không quân Việt Nam - tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ MiG-21 có thể sẽ trở lại hoạt động dưới vai trò máy bay không người lái. Liệu điều này có là phương án khả dĩ?

Như đã biết, trong năm 2015 những “Cánh én bạc” MiG-21 của Không quân Việt Nam từng lập nên dày đặc những chiến công hiển hách phải rút lui vào hậu trường do đã trải qua một thời gian quá dài sử dụng, nhường chỗ cho những thế hệ tiêm kích mới, hiện đại hơn.

Như đã biết, trong năm 2015 những “Cánh én bạc” MiG-21 của Không quân Việt Nam từng lập nên dày đặc những chiến công hiển hách phải rút lui vào hậu trường do đã trải qua một thời gian quá dài sử dụng, nhường chỗ cho những thế hệ tiêm kích mới, hiện đại hơn.

Tuy nhiên chúng ta chưa loại biên hoàn toàn mà vẫn đưa vào niêm cất một số MiG-21 còn có thể bay được sau khi đại tu lần cuối tại nhà máy A32, để khi cần thiết chúng có thể được gọi hoạt động trở lại.

Truyền thông Nga mới đây cho rằng, những chiếc MiG-21 huyền thoại của Không quân Việt Nam từng chiến đấu với máy bay Mỹ cách đây hàng chục năm sẽ quay trở lại bầu trời, nhưng dưới dạng máy bay không người lái (UAV).

Hiện tại các nghiên cứu đã được thực hiện liên quan đến việc cất hạ cánh chính xác của máy bay không người lái. Việc chuyển đổi những tiêm kích đánh chặn cũ này thành UAV có thể mang lại lợi ích to lớn cho Không quân Việt Nam, nguồn tin lưu ý.

Ví dụ những chiếc UAV hoán cải này sẽ làm mục tiêu cho hệ thống phòng không S-300 trong các cuộc tập trận, hoặc chúng sẽ đảm nhiệm một vai trò gì đó khác như trinh sát trận địa.

Trong cuộc chiến tranh tại Nagorno-Karabakh đang diễn ra, Azerbaijan đã hoán cải những máy bay An-2 đã cũ thành UAV trinh sát nhằm khiến phòng không Armenia bị lộ trận địa khi bắn vào chúng, đây là hướng gợi ý tốt cho MiG-21.

Ngoài chức năng UAV như đã nêu ở trên, một trong những phương án đã được nhiều quốc gia áp dụng đó là biến MiG-21 trở thành những quả "tên lửa hành trình" tấn công mặt đất.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, do cấu trúc khí động máy bay tiêm kích cho nên chúng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của các phi vụ tấn công cảm tử.

Tất nhiên ngày nay với các thiết bị điều khiển tối tân thì không còn cần thiết phải hi sinh con người nữa, mà công việc này sẽ do máy tính với thiết bị dẫn đường chính xác đảm nhiệm.

Một chiếc tiêm kích cũ còn bảo đảm vài giờ bay an toàn, nếu tháo bỏ ghế phóng, bàn điều khiển để lấy không gian trống chứa thuốc nổ và lắp đặt hệ thống dẫn đường thì nên sử dụng sẽ được một "quả tên lửa hành trình" có tầm bắn rất xa, mang theo đầu đạn lớn và có tính cơ động tốt.

Nếu được sử dụng trên quy mô lớn, những UAV cảm tử hoán cải này mặc dù khó có khả năng bay thấp luồn lách bám địa hình như tên lửa hành trình thực thụ nhưng sẽ là một cơn ác mộng cho bất cứ hệ thống phòng không nào.

Ngoài việc thu hút hỏa lực đối phương để các tên lửa hành trình hiện đại có nhiều hơn cơ hội tiếp cận mục tiêu, UAV hoán cải từ tiêm kích thế hệ cũ còn là phương tiện tấn công rất lợi hại.

Không ai dám bảo đảm rằng có thể đánh chặn toàn bộ số tiêm kích không người lái này, chỉ cần để lọt một chiếc duy nhất cũng có thể dẫn đến cái giá phải trả rất đắt.

Phương án hoán cải MiG-21 đã ngừng sử dụng thành máy bay không người lái rõ ràng có thể mang lại cho những “cựu binh” này một “cuộc sống” mới thêm phần ý nghĩa.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-bao-nga-viet-nam-co-the-bien-mig-21-thanh-may-bay-khong-nguoi-lai-post447927.antd