Báo Nga phân tích chính sách đối ngoại của Trung Quốc

Xin giới thiệu bài viết của chuyên gia Nga Anjei V. đăng trên 'Bình luận quân sự' ngày 5/5/2021 để cùng tham khảo.

Các phần in nghiêng và in đậm đều là của tác giả”. Sau đây là nội dung bài báo:

“Tôi không nghĩ rằng có ai đó lại có thể nảy ra trong đầu cái ý tưởng vắt sữa Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, khi nước này (Trung Quốc) đang ở thời kỳ đỉnh cao sức mạnh- và tôi cũng không nghĩ rằng có ai đó lại tính toán một cách nghiêm túc về việc “xử lý” chúng tôi.

“Tôi không nghĩ rằng có ai đó lại có thể nảy ra trong đầu cái ý tưởng vắt sữa Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, khi nước này (Trung Quốc) đang ở thời kỳ đỉnh cao sức mạnh- và tôi cũng không nghĩ rằng có ai đó lại tính toán một cách nghiêm túc về việc “xử lý” chúng tôi.

Úc đã đồng hành cùng Hoa Kỳ trong việc làm tổn hại (lợi ích) của các công ty Trung Quốc một cách cực kỳ không đẹp, bất hợp pháp và vô đạo đức. Đừng cố làm ra cái vẻ là các vị có những nguyên tắc đạo đức cao thượng”.

Đây là tuyên bố của Phó Đại sứ CHND Trung Hoa tại Canberra (Úc) Wang Xining.

Như đã biết, sự vĩ đại của một cường quốc không chỉ nằm trong mỗi mình các khả năng quân sự và sức mạnh kinh tế.

Cả các siêu cường lẫn cường quốc đều là một định chế nhà nước có khả năng tiến hành các hoạt động tích cực và giành chiến thắng trong các điều kiện của một cuộc cạnh tranh mang tính hệ thống.

Tất nhiên, hành động là một công cụ để thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia. Nguồn lực các công cụ, phương tiện để làm việc đó có thể cực kỳ lớn: đó có thể là ảnh hưởng về văn hóa và tôn giáo, các hoạt động nhân đạo và các chiến dịch quân sự, hoạt động kinh tế, đấu tranh ngoại giao, v.v.

Về bản chất, để khẳng định và duy trì vị thế cường quốc, quốc gia đó cần phải sử dụng mọi nguồn lực sẵn có của mình – trong trường hợp ngược lại, dù có đạt được thành công trong một lĩnh vực riêng rẽ nào đó, thì nhà nước đó cũng sẽ sớm không còn khả năng hành động trong các điều kiện của một cạnh tranh hệ thống như vừa mới nhắc tới ở trên.

Sẽ là rất sai lầm nếu cho rằng Trung Quốc không hiểu được điều đó.

Rất tiếc, trong môi trường thông tin của Nga, người ta cực kỳ ít chú ý đến các tiến trình chính trị hiện đại và các xu hướng chủ đạo mới nhất – chỉ đôi khi tách một vài mảnh ghép riêng rẽ từ bức tranh chung, và những mảnh ghép rời rạc như vậy không cho phép chúng ta xem xét tình hình một cách tổng thể.

Trong vấn đề này, CHND Trung Hoa cũng không phải là trường hợp ngoại lệ- mặc dù có một khối lượng rất lớn các loại thông tin tản mạn và hời hợt, chúng ta (người Nga) trên thực tế không tiếp cận được những thông tin cập nhật mới nhất về các hành động và chiến lược chính trị của Bắc Kinh.

Trong khi đó- chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm gần đây lẽ ra phải là một chủ đề đáng được quan tâm nhất.

Ngoại giao “trường phái cũ”

Trong quá khứ lịch sử cách đây không xa, nền ngoại giao Trung Quốc và các hoạt động của Bộ Ngoại giao CHND Trung Hoa mang tính chất hết sức kiềm chế, ra vẻ thiện chí, ôn hòa và có lẽ, thậm chí có thể nói là tương đối nhu mì.

Những mỹ từ này có lẽ là thích hợp nhất để mô tả hoạt động của "trường phái (ngoại giao) Bắc Kinh cũ".

Lẽ dĩ nhiên, có một loạt cách giải thích rất lô gich và dễ hiểu cho hiện tượng này- trong một thời gian khá dài, Trung Quốc cố gắng che giấu những tham vọng ngày càng lớn trong chính sách đối ngoại của mình và tích cực hành động theo hướng tìm cách chiếm đoạt bằng các phương sách bất bạo động và hình thành các thị trường tiêu thụ mới.

Chính sách "hòa nhã và tôn trọng" như vậy đã giúp Trung Quốc trở thành một siêu cường mới, dù mới nghe có vẻ như ngược lại hoàn toàn với các logic chiến lược thông thường.

Bắc Kinh nhẫn nhịn cung cấp tất cả các nguồn lực khiêm tốn của mình cho Washington kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh và tiếp tục thực hiện thành công chính sách này cho đến khi Chiến tranh lạnh kết thúc, - và nhờ vậy, đã giúp Bắc Kinh thu hút một lượng lớn các khoản đầu tư, dây chuyền sản xuất và công nghệ tiên tiến vào lãnh thổ Trung Quốc (tiền trình “bơm” nền kinh tế Trung Quốc được bắt đầu từ những năm 80 – chính Hoa Kỳ là nước thực hiện chính sách này với tính toán cho rằng đó là cách tốt nhất để làm tăng mức độ nguy hiểm của "mối đe dọa từ Hướng Đông" đối với Liên Xô.

Về phần mình, Trung Quốc đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tạo ra một “mối đe dọa từ phía Đông” (đối với Liên Xô), kể cả bằng việc cung cấp vũ khí và các chuyên gia quân sự cho Lực lượng Mujahideen (chống Liên Xô) ở Afghanistan).

Nhưng cho đến tận cuối những năm 2000, CHND Trung Hoa vẫn không cảm thấy đủ tự tin – cho dù đã có được "sự bùng nổ kinh tế", triển khai mạnh chương trình phát triển cấp tốc lực lượng Lục quân và Hải quân, cũng như sự nổi lên của Trung Quốc trong vai trò một "công xưởng thế giới", nhưng chính sách của Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo tinh thần (“nhu mì”) cũ như vậy.

Điều đó, tất nhiên, càng làm tăng tác động tích cực đến sự tăng trưởng tham vọng bành trướng của Bắc Kinh – chính sách mềm, "bùng nổ văn hóa" (trong những năm đó, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các chiến dịch quảng bá rất thú vị về lịch sử và văn hóa của mình trên toàn thế giới - đặc biệt là thông qua nghệ thuật điện ảnh), ảnh hưởng kinh tế sâu rộng trên thế giới và việc tạo dựng được rất nhiều các đòn bẩy gây ảnh hưởng phi quân sự của Trung Quốc đã dẫn đến sự xuất hiện của luận điểm cho rằng “Trung Quốc đã chiếm lĩnh toàn thế giới”.

Nhưng dù thế này hay thế khác, một xu hướng phát triển “mềm” như vậy đã không còn phù hợp với các tham vọng ngày càng lớn của Bắc Kinh nữa. Trung Quốc bắt đầu thực hiện một chính cách đối ngoại hung hăng, nhưng cũng chính vì thế- nên đã đặt dấu chấm hết to tướng cho rất nhiều thành quả (đối ngoại) đã đạt được từ trước đó.

Ngoại giao mang tên phim bon tấn: “chiến lang”

Phải nói cho thật công bằng rằng cái thuật ngữ “ngoại giao chiến binh- sói” (“Chiến lang”) rất không binh thường nói trên- thuật ngữ thể hiện một điểm mới về chất và cũng chỉ mới xuất hiện trong thời gian tương đối gần đây.

Điểm mới (trong chính sách đối ngoại) bắt đầu trở nên rõ nét trong giai đoạn cuối những năm 2019- đầu năm 2020, và trở thành xu hướng trong chính sách ngoại giao Trung Quốc chính ở thời kỳ đầu của đại dịch coronavirus.

Những điều kiện tiên quyết để hình thành “chính sách đối ngoại” này, tất nhiên, đã có từ trước. Bắc Kinh bắt đầu tung ra nhiều phát biểu hiếu chiến, có lẽ, từ năm 2012.

Điều rất đáng chú ý là trong giới chuyên gia của chúng ta (Nga), hiện tượng (thay đổi chính sách) như vậy gần như không được chú ý tới – không chỉ thế, những thay đổi đó trong chính sách Trung Quốc, thậm chí còn bị phủ nhận.

"Nếu như các chuyên gia hiện đại có cảm tưởng rằng chính sách hiện nay của CHND Trung Hoa đã trở nên khác biệt về nguyên tắc hoặc về chiến lược, thì không đúng như vậy, và đây là điều mà chúng tôi nhận thấy khi nghiên cứu các văn kiện của đại hội đảng (CS Trung Quốc) vừa qua"- G. V. Sachko, 2014. “Bản tin của Trường Đại học Tổng hợp Chelyabinsk (Nga). Các môn Khoa học chính trị. Đông phương học ”.

Dĩ nhiên, những sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc không chỉ có liên quan trực tiếp đến những quyết định của riêng lãnh đạo đất nước - văn hóa chính trị Trung Quốc và hệ thống của nó được xây dựng theo nguyên tắc "quyết định của đa số", và các cá nhân riêng rẽ không đóng vai trò quá đặc biệt nào.

Đương nhiên, những thay đổi này diễn ra không đơn giản như ta tưởng.

Cho dù đã có nhiều tuyên bố cho rằng các nước Phương Tây, trong đó có Mỹ đã quá chủ quan "không nhận ra sự hình thành một siêu cường mới", nhưng trên thực tế, hoàn toàn không phải như vậy.

Vào thời điểm những năm 2000, đã không còn có thể chặn được đà phát triển của sức mạnh kinh tế Trung Quốc – và đến năm 2008-2010, đã thấy rõ ràng một thực tế là tốc độ tiến trình bành trướng của CHND Trung Hoa sẽ chỉ có tăng không ngừng, và như vậy - đương nhiên sẽ đặt không chỉ Mỹ với tư cách là một siêu cường, mà còn cả các cường quốc khu vực trên tất cả các châu lục vào một tình thế cực kỳ khó khăn.

Quá trình được gọi là "Mùa xuân Ả Rập" được khởi động trong những năm sau đó chính là điểm khởi đầu của cuộc đối đầu chiến lược chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Bất chấp tất cả những chi tiết khó chịu (hậu quả) của những gì xảy ra khi đó, những phương pháp dù thô thiển như vậy (trong “Mùa xuân Ả Rập) vẫn có thể biện minh được- bời vì dù đã có sức mạnh kinh tế, nhưng Trung Quốc vẫn phải dựa vào những chế độ bị gạt ra ngoài lề và những quốc gia kém phát triển.

Các tiến trình “Mùa xuân Ả Rập” và sự trỗi dậy sau đó của Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế đã đánh sập ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Trung Đông và Bắc Phi, chỉ để lại mỗi Iran trong “kho các con bài tủ” của Bắc Kinh – nhưng chuyện này, tuy nhiên, lại là một chủ đề quá rộng và cần phải có một bài báo riêng để bàn về nó.

Đương nhiên, cùng với đó, cục diện của Trung Quốc cũng thay đổi.

CHND Trung Hoa đã triển khai hoạt động mạnh mẽ để phát động nhiều “cuộc chiến” tranh chấp lãnh thổ thông qua một chiến dịch ngoại giao cực kỳ hùng hăng. Khi đó, ngay cả Châu Phi xa xôi cũng cảm nhận thấy sự "nặng tay" trong chính sách mới của Trung Quốc- bằng cách sử dụng sức ép kinh tế mạnh.

Chắc bạn đọc đang ngạc nhiên với cái tên gọi kiểu như vậy (“ngoại giao chiến lang), đúng không ạ? Với sự phù phép khôn khéo của các nhà báo phương Tây, chiến lược ngoại giao mới nói trên của giới lãnh đạo Trung Quốc đã được đặt theo tên của bộ phim bom tấn nước này, tương tự như bộ phim Mỹ đình đám “Rambo”.

Cốt truyện của tác phầm Phương Đông (Trung Quốc) sao chép từ “Rambo” này khá đơn giản, nhưng thông điệp thì rất rõ ràng - một người lính dũng cảm của Đặc nhiệm Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chiến đấu với Đặc nhiệm Mỹ cùng những tên lính đánh thuê của chủ nghĩa tư bản - và tất nhiên, lính đặc nhiệm Trung Quốc đã giành chiến thắng.

Nói ngắn gọn, cái tên gọi này phản ánh rất chính xác bản chất của sự vật.

Luận chứng "lẽ phải thuộc về số đông"

Tất nhiên, quyết không thể nói rằng Trung Quốc chỉ đang tiến hành một cuộc chiến tranh ngoại giao- sẽ đúng hơn nhiều nếu gọi những gì đang xảy ra là một cuộc chiến tranh thông tin toàn diện, một trong những nhân vật chính trong cuộc chiến tranh này là các nhà ngoại giao.

Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của những cải cách quan trọng nhất của Trung Quốc đã di huấn các chính phủ Trung Quốc tương lai là phải thận trọng, giấu mình trong bóng tối và che giấu sức mạnh của Trung Quốc - nhưng những người thừa kế của ông đã chọn một chiến lược hoàn toàn khác.

Những phát biểu hùng hăng trên thực tế đã được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cả trong chính sách đối nội lẫn chính sách đối ngoại Trung Quốc. CHND Trung Hoa đơn phương tự phong mình là siêu cường và bắt đầu giành giật các lợi ích cho mình chủ yếu bằng các biện pháp vũ lực.

Vào thời điểm này, rất khó để dự đoán một cách chính xác tình huống hiện tại đang được giới lãnh đạo Trung Quốc và các cơ quan phân tích hữu quan của Trung Quốc nhìn nhận như thế nào.

Chỉ có một điều rất rõ ràng - CHND Trung Hoa bắt đầu cuộc thập tự chinh trên toàn thế giới với luận cứ “kim chỉ nam” cho rằng Trung Quốc đang trỗi dậy và trên đỉnh cao, còn Phương Tây thì đang hướng tới sự suy tàn không thể tránh khỏi.

Năm 2012, Trung Quốc cho cỗ máy ngoại giao của mình liên tục đưa ra các tuyên bố đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ với tất cả các quốc gia giáng giềng.

Cùng với đó, báo chí Trung Quốc bắt đầu ráo tiết tổ chức các chiến dịch tuyên truyền theo đúng truyền thống tư duy kép “đặc sắc Trung Hoa” - luận điểm trung tâm theo phong cách “ luận chứng dành cho nhân dân” (argumentum ad populum – một dạng lập luận lô gich sai lầm dựa trên quan điểm cho rằng lẽ phải thuộc về số đông) của những chiến dịch này- đó là cụm từ chính trị phổ biến "xúc phạm tình cảm của nhân dân Trung Quốc".

Các đối tượng hứng chịu đòn tấn công thông tin từ Bắc Kinh, trên thực tế là tất cả các chủ thể- từ Mexico đến Vatican. Từ đó đến nay, gần như bất kỳ một vụ việc gì xảy ra trên thế giới cũng đều bị phía Trung Quốc diễn giải theo một cách duy nhất là “xúc phạm tình cảm của 1,3 tỷ người (Trung Quốc)”.

Bất chấp cái được gọi "tính ăn cỏ" được giới truyền thông của chúng ta (Nga) gán ghép cho Trung Quốc, những "con sói" Bắc Kinh rõ ràng là không hề liên quan gì đến “loài ăn cỏ” này- những biện pháp như trừng phạt (vâng, đây tuyệt đối không phải là bí quyết của riêng nước Mỹ - CHND Trung Hoa cũng thường xuyên sử dụng các gói trừng phạt để tống tiền chính trị), những cáo buộc vô lý, những lời đe dọa công khai và thậm chí là cả hành động bắt cóc công dân các nước khác (đương nhiên, chỉ toàn những kẻ cả gan “xúc phạm tình cảm của nhân dân Trung Quốc” - hay nói chính xác hơn- của ban lãnh đạoTrung Quốc) được Bắc Kinh hăng hái đưa vào cuộc.

Để dẫn một ví dụ điển hình, có thể lấy câu chuyện của Lou Shaie, đại sứ Trung Quốc tại Paris.

Mặc dù Trung Quốc có mối quan hệ trung lập với Pháp, nhưng vị đại sứ lại cho rằng sẽ là một ý tưởng tuyệt vời nếu vào thời kỳ nóng nhất của đại dịch coronavirus cho phổ biến rộng rãi một tuyên bố nói rằng Chính phủ Pháp đã bỏ rơi những người già trong thời kỳ khó khăn, khiến họ phải "chết vì đói và dịch bệnh”.

Trong tuyên bố trên, tất nhiên, không có một chút sự thật nào, nhưng nó đã đạt được mục đích- tạo ra sự căng thẳng (trong quan hệ). Và Trung Quốc cũng thường xuyên sử dụng chiến thuật này, ngay cả với những quốc gia có mối quan hệ trung lập (cũng như trường hợp của Pháp- chính tổng thống Pháp là người cách đấy không lâu từng nhấn mạnh về sự cần thiết của quan hệ hợp tác giữa Châu Âu và Trung Quốc, và cả với những quốc gia được cho là có mối quan hệ thân thiện (với Trung Quốc).

"Những người chỉ trích (Trung Quốc) tại Caracas nên đeo khẩu trang và ngậm miệng lại". Đây là câu trả lời của Trung Quốc với "đồng minh XHCN" Venezuela cũng trong thời gian đại dịch coronavirus.

Sự “quan tâm” của Bắc Kinh “phủ sóng” tất cả - vào những thời điểm khác nhau, những phát biểu của các nhà ngoại giao Trung Quốc không chỉ gây sốc ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Australia, mà thậm chí cả ở những quốc gia khá “kỳ lạ” như Kazakhstan, Iran, Pakistan, Brazil và Singapore.

Rất khó để nói một cách chính xác là Trung Quốc tuân theo những nguyên tắc nào khi “thực hành” những phương pháp đối thoại phản xây dựng như vậy. Bắc Kinh ngày càng sử dụng nhiều hơn các phương pháp tác động bằng sức mạnh và tuyên truyền ngang ngược , nhưng cũng vì thế mà càng ngày càng ít đạt được mục tiêu hơn, cùng với đó – tự bẻ gãy mọi đòn bẩy "quyền lực mềm" đã gây dựng được trước đó.

Bắc Kinh đang phải đối mặt với làn sóng phản đối ngày càng mạnh.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-nga-phan-tich-chinh-sach-doi-ngoai-cua-trung-quoc-3433310/