Báo Nga 'điểm' 3 yếu huyệt chí tử của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc

Sức chiến đấu thực tế của hải quân Trung Quốc đã bị thổi phồng rất lớn, có 3 điểm yếu chí tử lớn là tàu ngầm có tiếng ồn lớn, công nghệ AIP không tiên tiến, thiếu kinh nghiệm tác chiến tàu ngầm.

Tàu ngầm hạt nhân Type 093B của lực lượng hải quân Chiến khu Bắc, quân đội Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Tàu ngầm hạt nhân Type 093B của lực lượng hải quân Chiến khu Bắc, quân đội Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Lực lượng tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đang tìm cách đạt được đột phá, đưa ra kế hoạch chế tạo lượng lớn. Trung Quốc thực sự đã có năng lực sản xuất và khả năng tài chính, nhưng về mặt công nghệ thì sao?
Tờ "Quan điểm" (Взгляд) Nga ngày 13/7 đăng bài viết của kỹ sư đóng tàu Alexander Shishkin cho rằng sức chiến đấu thực tế của hải quân Trung Quốc đã bị thổi phồng rất lớn.
Theo bài viết, hải quân Trung Quốc lại nhận được 2 chiếc tàu ngầm hạt nhân lần lượt là Type 093B và Type 095. Nhà chuyên môn chỉ ra, Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch đóng tàu hải quân quy mô lớn nhất thế giới, sẽ nhanh chóng trở thành "nhân tố nổi trội" trong chạy đua vũ trang trên biển. Nhưng, so với hải quân Nga và Mỹ, sức chiến đấu thực sự của tàu ngầm hải quân Trung Quốc như thế nào?
Căn cứ vào đánh giá của chuyên gia Nga này, hải quân Trung Quốc mặc dù phát triển rất nhanh, đẩy lùi Nga ra xa ở phía sau, nhưng tổng quan họ tồn tại 3 điểm yếu chí tử lớn:
Một là số liệu của cơ quan tình báo hải quân Mỹ cho thấy tàu ngầm hạt nhân hiện đại của hải quân Trung Quốc (Type 094 và Type 093) có tiếng ồn thậm chí lớn hơn tàu ngầm thế hệ thứ ba của của Liên Xô trong thế kỷ trước như Type 667BDR và Type 671RTMK.
Hiện nay, Nga đã sản xuất hàng loạt tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ tư, trong khi Trung Quốc vẫn chưa theo kịp. Hơn nữa, phương án thiết kế tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ năm của Nga đã sơ bộ hình thành. Nhưng Trung Quốc vẫn gặp khó khăn nghiêm trọng trong giải quyết vấn đề tiếng ồn của tàu ngầm hạt nhân mới. Đây là nút thắt lớn nhất kiềm chế sự phát triển của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.

Công nghệ chạy êm của tàu ngầm Trung Quốc còn hạn chế. Ảnh: Sohu.

Hai là việc chế tạo tàu ngầm thông thường Type 039A/B và Type 041 của Trung Quốc những năm gần đây có tốc độ rất nhanh, nhưng công nghệ những tàu ngầm AIP này hoàn toàn không tiên tiến.
Chẳng hạn, nguyên bản động cơ Stirling do tàu ngầm Type 039A/B sử dụng là loại cũ mua của Thụy Điển từ thập niên 1980 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, hiện Thụy Điển đã phát triển được thế hệ thứ ba, còn sự tiến bộ của Trung Quốc vẫn dừng chân tại chỗ.
Được biết, sự lo ngại đối với công nghệ AIP của Trung Quốc khiến cho Thái Lan và Pakistan, những nước vốn mua sắm phiên bản xuất khẩu S-20 và S-26 của Trung Quốc, đến nay vẫn đang ở giai đoạn "xem chừng". Trong khi đó, các nước xung quanh Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga đều đã đạt được những tiến triển to lớn trên phương diện này.
Ba là kinh nghiệm tác chiến của tàu ngầm, đây là điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc. Do không được trải nghiệm tham chiến thực tế, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc không có kinh nghiệm tác chiến tại các đại dương trên thế giới. Vì vậy, ngay cả tàu ngầm được cho là tiên tiến thì tính tiên tiến cũng không thể hiện được.
Hơn nữa, khác với hải quân Nga, Mỹ - những lực lượng hải quân trải qua nhiều năm Chiến tranh Lạnh, hải quân Trung Quốc cũng không có kinh nghiệm chỉ huy biên đội tàu chiến cỡ lớn và liên tục bám theo tàu chiến đối phương. Cũng không có nước nào sẵn sàng truyền thụ kinh nghiệm quý giá của mình cho Trung Quốc.
Vì vậy, nếu Trung Quốc giải quyết thành công vấn đề tiếng ồn và vấn đề động cơ của tàu ngầm, thì sự thiếu thốn kinh nghiệm tác chiến của họ cũng sẽ kiềm chế sự trỗi dậy nhanh chóng của hải quân Trung Quốc.

Tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A chạy thử trên biển lần đầu tiên. Ảnh: Xinhuanet.

Có chuyên gia cho rằng, năm 2018, hải quân Trung Quốc sẽ nhận được tàu sân bay tự chế đầu tiên, 3 tàu khu trục Type 052D, 3 tàu hộ vệ Type 054A, 9 tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 và 1 tàu đổ bộ Type 071, tổng trọng tải tăng không dưới 11.870 tấn, mức tăng 14,5%, lớn hơn nhiều so với các cường quốc hải quân như Mỹ, Nga.
Nhưng số lượng chỉ là số lượng. Về chất lượng, các cường quốc công nghệ truyền thống như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức lại tiếp tục có nhiều quan điểm chê bai hơn đối với hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang cố gắng tự tìm kiếm con đường riêng để trỗi dậy, tìm cách đuổi kịp các nước như Mỹ, Nga. Tham vọng của Trung Quốc là xây dựng được một lực lượng quân đội, trong đó có lực lượng hải quân hàng đầu thế giới. Điều này được nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tục khẳng định trong thời gian gần đây.

Phong Vân

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/bao-nga-diem-3-yeu-huyet-chi-tu-cua-luc-luong-tau-ngam-trung-quoc-298772.html