Báo Mỹ viết về xuất khẩu tiêm kích Su-30

Xin giới thiệu bài tổng hợp những nhận định đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng Mỹ của tòa soạn báo 'Bình luận quân sự' (Nga)

Bài viết về những điểm mạnh của máy bay tiêm kích Su- 30 Nga và tình hình xuất khẩu kiểu máy bay này. Bài và ảnh đăng trên báo này ngày 6/9/2020. Sau đây là nội dung bài báo:

“Sau khi được đưa vào trang bị cho Không quân Nga năm 1996, máy bay tiêm kích hạng nặng hai động cơ Su-30 đã chiếm lĩnh được vị trí rất xứng đáng trên thị trường vũ khí thế giới.

Một trong những máy bay tiêm kích thành công nhất

Theo những chuyên gia hàng không viết cho tờ Military Watch (Mỹ) thì chìa khóa mở ra thành công của kiểu máy bay tiêm kích Nga này chính là tính đa năng của nó.

Không giống với máy bay “gốc” của nó là Su-27, Su-30 không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không mà có thể được sử dụng rất hiệu quả để tiêu diệt cả các mục tiêu trên không, trên mặt đất cũng như các tàu chiến mặt nước của đối phương.

Su-30 được “thừa kế” từ “người tiền nhiệm” (Su-27) "một khung thân hiệu quả cao và cực kỳ cơ động". Đồng thời, nó cũng được trang bị một hệ thống động lực mạnh hơn và một loạt các mẫu vũ khí mới.

Khi chế tạo Su-30, các kỹ sư Nga đã sử dụng nhiều vật liệu composite- máy bay được trang bị các thiết bị mới và hệ thống tác chiến điện tử mới.

Lần đầu tiên trên thế giới, các công trình sư Nga đã sử dụng động cơ vectơ lực đẩy có điều khiển để tăng khả năng cơ động cho máy bay: mãi đến năm 2005, người Mỹ mới cho trình làng máy bay tiêm kích F-22 Raptor trang bị động cơ thay đổi vectơ lực đẩy như động cơ của Su-30.

Theo đánh giá của tờ báo Mỹ nói trên, kết cấu của Su-30 đã được cải tiến rất đáng kể trong 25 năm qua (từ năm 1996 đến nay) và ngày nay nó đang được sản xuất với số lượng nhiều nhất so với các máy bay tiêm kích khác của Nga. Những biến thể Su- 30 được chuộng nhất hiện nay là Su-30MKI và Su-30SM.

Su-30SM được cho là loại máy bay tiết kiệm chi phí sản xuất nhất, với giá thành chỉ vào khoảng 20 triệu USD.

Tuy nhiên, tờ Military Watch cũng chỉ ra rằng khi xuất khẩu, giá của nó sẽ cao hơn một số lần vì phải tính tới chi phí hoàn thiện [theo yêu cầu của khách hàng], vũ khí kèm theo, phụ tùng thay thế, chi phí huấn luyện phi công và đội ngũ nhân viên kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ và v.v.

Dù giá hơi cao vì những lý do nói trên, Su-30 vẫn đang là một trong những mẫu [máy bay tiêm kích] thành công nhất trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới.

Bản đồ xuất khẩu

Vẫn theo Military Watch, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 550 máy bay Su-30 được Nga chuyển giao cho nước ngoài. Khách hàng nước ngoài đầu tiên là Trung Quốc (97 chiếc), khách mua nhiều nhất là Ấn Độ (trên 350 chiếc).

Bắc Kinh đã mua các biến thể Su-30MKK (73 chiếc) và Su-30MK2 (24 chiếc) để đối phó với các mối đe dọa thường xuyên từ Hải quân Mỹ tại khu vực eo biển Đài Loan.

Ấn Độ vẫn tiếp tục hợp tác sản xuất Su-30MKI theo giấy phép, nhưng giá cao hơn đáng kể so với giá bán cho Không quân Nga do chi phí sản xuất trong nước cao hơn và phải tích hợp một số hệ thống phụ không phải do Nga sản xuất.

Các nước sử dụng máy bay tiêm kích Su-30 là Venezuela (24chiếc) - và Belarus (12 chiếc Su-30SM). Đồng thời, những máy bay này cũng là những "máy bay có khả năng chiến đấu cao nhất của không quân hai nước nói trên".

Military Watch cho biết thêm:

Kiểu máy bay tiêm kích này được đánh giá rất cao tại khu vực Đông Nam Á do độ bền cao, sử dụng linh hoạt và tính đa năng. Hiện nó đã được đưa vào trang bị cho không quân Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Cách đây không lâu, Myanmar cũng đã đặt hàng phiên bản mới nhất của Su-30 là Su- 30SM.

Các đơn đặt hàng Su-30 cũng mới được gửi đến Nga từ Armenia, Kazakhstan, Belarus và Angola (Angola đã mua lại một số Su-30K có trong trang bị của Không quân Ấn Độ trong một khoảng thời gian ngắn và đã được hiện đại hóa tại Belarus).

Theo báo Mỹ Military Watch , trong tương lai gần, rất nhiều khả năng là sẽ có các đơn đặt mua Su-30 nữa từ Syria và Yemen.

Nhiều nhà phân tích cho rằng đến cuối năm 2020, Iran có thể đặt hàng tới hơn 100 chiếc Su-30SM (trong khuôn khổ dự án sản xuất theo giấy phép). Trong danh sách những khách hàng mua Su-30 tiềm năng còn có cả Sri Lanka, Ethiopia, Azerbaijan và Ai Cập.

Các ảnh đã sử dụng: https://www.sukhoi.org/

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/bao-my-viet-ve-xuat-khau-tiem-kich-su-30-3418569/