Báo Mỹ: Trung Quốc xẻ thịt rừng Nga

Người dân khu vực Siberia của Nga đang ngày càng bất mãn với việc doanh nhân Trung Quốc được bật đèn xanh tận diệt các cánh rừng.

Một bài xã luận dài được đăng tải trên tờ New York Times (NYT) đã đưa ra những thông tin rất đáng chú ý về việc người Trung Quốc đang được chính phủ Nga bật đèn xanh cho khai thác triệt để những cánh rừng rộng lớn ở Siberia.

Theo NYT, các công ty của Trung Quốc gần như đang sở hữu những cánh rừng rộng lớn ở Siberia của Nga. Ngày ngày, những xe tải chở gỗ ầm ầm di chuyển khỏi những nhà máy khai thác nằm giữa rừng thông hay rừng bạch dương bạt ngàn.

"Cơn khát" gỗ của người Trung Quốc mang đến cho Siberia nói riêng và nước Nga nói chung nhiều lợi ích. Nó mang lại công việc và tiền bạc cho người dân Siberia, nhưng cơn khát ấy biến nước Nga thành quốc gia dẫn đầu thế giới về tình trạng phá rừng.

Mặc dù người Trung Quốc khai thác ồ ạt ở Nga, nhưng tất cả đều là cách khai thác thô và sơ chế những phần ô nhiễm nhất tại nước này. Phần gỗ nhiên liệu được vận chuyển về Trung Quốc và các nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ tiêu dùng đều được thực hiện tại Trung Quốc. Sau đó, người Trung Quốc tiêu thụ số sản phẩm này ở thị trường tỉ dân của họ hoặc xuất khẩu đến khắp thế giới.

Công nhân người Trung Quốc bên trong một nhà máy gỗ của người Trung Quốc tại Kansk, Nga.

Công nhân người Trung Quốc bên trong một nhà máy gỗ của người Trung Quốc tại Kansk, Nga.

Điều này có vẻ bất lợi cho Nga bởi nguồn lợi từ việc chế tạo các sản phẩm là phần tạo ra lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, phía Nga chấp nhận điều này. Xuất khẩu gỗ từ Nga sang Trung Quốc tăng lên 3,5 tỷ USD vào năm 2018, so với mức 2,2 tỷ USD hồi năm 2013.

Wang Yiren, một quản lý kho gỗ với 50 công nhân người Nga cho biết: "Chính quyền Nga khá cởi mở về việc khai thác gỗ từ những cánh rừng ở đây (Siberia) nhưng sự giận dữ của người dân đang ngày càng đáng chú ý. Có thể trong vòng 5 năm nữa, chính quyền Nga sẽ bắt đầu suy nghĩ lại và họ cấm khai thác gỗ".

Irina Avdoshkevich, một thành viên hội đồng thành phố Kansk và là người phản đối sự đầu tư từ Trung Quốc cho biết trên NYT, chỉ tính riêng tại Kansk, một trung tâm khai thác gỗ với khoảng 100.000 dân, khoảng 100 nhà máy gỗ do Trung Quốc vận hành đã mọc lên trong vòng 5 năm qua.

Dường như mọi con đường tại thành phố này đều dẫn tới những xưởng gỗ, những đống mùn cưa và gỗ khổng lồ. "Họ lấy đi gỗ, cắt xẻ chúng, sơ chế chúng ngay tại nơi này rồi mang gỗ đi, họ không đầu tư các nhà máy xử lý chất thải ở đây. Thành phố này ngập trong rác thải từ việc khai thác của họ" - bà Avdoshkevich nói.

"Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi. Họ có thể đầu tư các nhà máy tinh chế ethanol - một loại cồn thực vật từ vụn gỗ, mùn cưa. Loại này có thể trở thành nhiên liệu đốt, hoặc nấu thành rượu. Người dân nơi đây rất thích tiêu thụ loại rượu như vậy, họ gọi đó là "vodka gỗ", nhưng Trung Quốc không lắng nghe những yêu cầu của chúng tôi" - Thành viên hội đồng thành phố, bà Avdoshkevich cho biết.

Những đoàn tàu chở gỗ từ vùng Viễn Đông Nga tới thị xã Tuy Phân Hà, Trung Quốc, một trong những "cửa ngõ" lớn nhất tại vùng biên giới Nga-Trung.

“Chúng tôi hiểu rằng chúng ta cần đầu tư. Nhưng nếu chúng ta đã quyết định trở thành bạn bè, thì nên ngang bằng nhau. Bạn được nhận thứ gì đó, và tôi cũng được nhận. Cách duy nhất Trung Quốc xử lý rác thải là đốt chúng, hoặc bỏ mặc chúng ở đó. Tôi là một người dân của thành phố. Tại sao tôi phải chịu đựng những đống rác này, những đám cháy này?”, bà Avdoshkevich đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, khi không có sự hậu thuẫn từ chính quyền Nga, chiến dịch của bà Avdoshkevich nhằm phản đối các hoạt động khai thác gỗ của Trung Quốc vẫn đi vào ngõ cụt.

Eduard Maltsev, một người dân địa phương, từng làm công việc đưa gỗ vào máy cưa bên trong một nhà máy. Thời điểm đó anh kiếm được 230 USD/tháng, một khoản thu nhập tương đối ổn. Tuy nhiên, nhà của Maltsev bị cháy trong vụ hỏa hoạn năm 2017. Người quản lý Trung Quốc đã nhanh chóng rời khỏi thành phố và Maltsev không nhận được tiền bồi thường. Người đàn ông này bây giờ làm tài xế xe buýt.

“Một điểm tích cực là họ đã mang lại việc làm”, Maltsev nói về người Trung Quốc. Tuy nhiên cũng như nhiều người dân tại các thành phố khai thác gỗ ở Siberia, Maltsev bây giờ coi sự thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp khai thác gỗ tại Siberia là động thái đáng lo ngại.

Làn sóng phản đối của người dân Nga với việc khai thác của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ. Đáng chú ý nhất, tháng 5/2018, tại Ulan Ude - thành phố gần Hồ Baikal, người dân đã đồng loạt xuống đường kêu gọi ngưng tàn phá rừng. Cuộc biểu tình này đã dẫn tới vụ đụng độ với cảnh sát địa phương, khiến 8 người bị bắt giữ.

Nga hiện đang cân nhắc lệnh cấm xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc. Phía Trung Quốc hiện chưa lên tiếng về vấn đề này. Các công ty Trung Quốc được yêu cầu tuân thủ luật lệ của địa phương và lưu ý về những ảnh hưởng đối với môi trường.

Khai thác gỗ trở thành vấn đề nóng bỏng khi Thượng viện Quốc hội Nga mở phiên điều trần với Bộ trưởng Lâm nghiệp Nga Ivan Valentik. Ông Valentik nêu ra vấn đề trong những điều khoản cho thuê rừng của Nga, cũng như đổ lỗi cho các công Trung Quốc vì họ không tái trồng rừng như theo thỏa thuận.

Minh Hoàng (Tổng hợp NYT, TASS)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-my-trung-quoc-xe-thit-rung-nga-3384500/