Báo Mỹ tiết lộ nguyên nhân tàu ngầm Losharik gặp nạn

Hai tờ báo hàng đầu của Mỹ là Forbes và New York Times vừa có bài viết về vấn đề Nga gặp phải sau vụ tàu ngầm tuyệt mật Losharik gặp nạn.

Tạp chí Forbes dẫn lời chuyên gia hải quân H.I Sutton cho biết, vụ tai nạn được cho là có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chương trình hiện đại hóa lớn của Hải quân Nga.

Theo bài viết Losharik và các phương tiện nước sâu khác của Nga được gọi là AGS có cánh tay thao tác để chúng có thể làm việc với dây cáp dưới đáy biển. Chúng có thể lặn xuống độ sâu hơn nhiều so với tàu ngầm Mỹ.

Mặc dù Ban Nghiên cứu biển sâu (GUGI - Losharik thuộc trang bị của GUGI) có một hạm đội tàu ngầm lớn, trên thực tế lớn hơn hải quân nhiều quốc gia và nhiều khả năng hạm đội này dành riêng cho nhiệm vụ gián điệp, nhưng họ đang gặp vấn đề về khả năng sẵn sàng thực thi nhiệm vụ.

Một số tàu ngầm của họ đang nằm bờ ở Severodvinsk, cực Bắc nước Nga trong nhiều năm. Tại thời điểm này, bốn trong số các tàu ngầm nhỏ lặn sâu đang ở đó. Trong số này có tàu Losharik và đó là một vấn đề đối với Hải quân Nga.

Tàu ngầm Nga.

Tàu ngầm Nga.

Losharik, được biết đến với tên chính thức là AS-21, là tàu ngầm Project 10831 duy nhất. Nó là tàu hiện đại nhất và cũng có khả năng nhất trong số các tàu ngầm lặn sâu của Nga. Vì vậy, nó mang trọng trách của cả lực lượng.

Và chiếc tàu ngầm đóng vai trò tàu mẹ cho các nhiệm vụ đặc biệt mới nhất, Belgorod được thiết kế đặc biệt để mang theo tàu Losharik cũng vậy. Nga hạ thủy Belgorod ngày 23/4/2019. Hiện đang được lắp đặt thêm thiết bị ở Severdovinsk.

Theo kế hoạch, Belgorod sẽ được đưa vào biên chế hạm đội Nga vào cuối nămn 2020. Nếu không có Losharik, sẽ không có nhiệm vụ thực sự có ý nghĩa nào để thử nghiệm đối với tàu Belgorod. Phục hồi Losharik sẽ là giai đoạn chính của thử nghiệm.

Và nhiệm vụ thứ hai của Belgorod, như một nền tảng của loại vũ khí chiến lược, ngư lôi hạt nhân Poseidon, cũng sẽ bị ảnh hưởng, chuyên gia H.I Sutton viết.

Đó chỉ là một trong nhiều vấn đề Nga đang phải đối mặt sau vụ tai nạn của tàu ngầm Losharik. Một tờ báo khác của Mỹ là New York Times vừa có bài viết dẫn lời John Pike, Giám đốc tổ chức nghiên cứu GlobalSecurity.org, nói vụ hỏa hoạn Losharik cho thấy quân đội Nga vẫn đang phải đối mặt với một số vấn đề lâu dài:

Đó là chuyện nhà thầu tham nhũng và vấn đề kiểm soát chất lượng trong sản xuất, chuỗi cung ứng phụ tùng và bảo trì tàu ngầm. "Tôi cho rằng mọi tàu ngầm khác trong hạm đội Nga đều gặp vấn đề tương tự", ông John Pike nói.

Ngoài ra, tờ báo còn trích dẫn các nguồn tin thân cận với một cuộc điều tra về vụ việc Losharik nói rằng khi khói được phát hiện lần đầu trong tàu ngầm, nó dường như không phải là thảm họa.

Losharik có thể đã cập mạn tàu mẹ của nó vào thời điểm đó. Sau khi thủy thủ đoàn đã sơ tán một phần, 10 thủy thủ đã ở lại để chữa cháy cùng với bốn quân tiếp viện từ tàu mẹ.

Tình hình càng trở nên thảm khốc hơn khi oxy bị cạn kiệt từ hai hệ thống hô hấp khẩn cấp trên tàu. Các thủy thủ bắt đầu hít phải khói độc, và có thể đã có một vụ nổ trong khoang chứa pin, tờ báo viết.

Ngay cả trong một chiếc tàu ngầm hạt nhân thông thường, khoảng trống trong khoang pin hẹp đến nỗi việc kiểm tra thường xuyên thường đòi hỏi phải trong tư thế nằm ngửa. Khu vực dành cho thủy thủ đoàn nhỏ và có thể nhanh chóng đầy khói.

"Sẽ giống như đi vào một ngôi nhà đang cháy, đó có thể là tình trạng của tàu Losharik lúc gặp nạn. Điều này cho thấy khả năng xử lý tình huống của binh sĩ Nga không cao", tờ báo viết.

Vụ tai nạn với chiếc tàu ngầm được đánh giá tuyệt mật Losharik xảy ra hôm 1/7/2019. Đến ngày 5/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh trao giải thưởng Nhà nước Liên bang Nga cho 14 thủy thủ hi sinh.

Mặc dù nhiều tình huống về nguyên nhân gặp nạn của chiếc tàu ngầm này đã được đặt ra nhưng đâu là sự thật có thể chỉ có người Nga mới rõ. Và vụ việc càng khiến phương Tây tò mò hơn bởi tuyên bố của Nga sau vụ tai nạn.

Hãng TASS dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, một số dữ liệu về vụ hỏa hoạn trên tàu ngầm Losharik gây chết người diễn ra trên ở Biển Barents đã được phân loại và không được công khai.

"Tổng tư lệnh tối cao có tất cả các thông tin về vụ việc, nhưng dữ liệu này không thể được công khai, bởi vì điều này đề cập đến danh mục dữ liệu được phân loại tuyệt mật nằm trong lợi ích an ninh quốc gia. Việc bảo mật thông tin như vậy không có gì bất hợp pháp", ông Dmitry Peskov tuyên bố.

Tuy nhiên vị phát ngôn viên này từ chối trả lời câu hỏi của truyền thông về vấn đề con tàu có lò phản ứng hạt nhân hay không.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/bao-my-tiet-lo-nguyen-nhan-tau-ngam-losharik-gap-nan-3411208/