Báo Mỹ săm soi chỉ lỗi thường trên tiêm kích Su-57

Vụ phóng thử nghiệm tên lửa không đối không của tiêm kích tàng hình Su-57 đã được được truyền thông quốc tế săm soi tìm lỗi

Mới đây Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải đoạn video cho thấy tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 của mình lần đầu tiên phóng tên lửa không đối không từ tư thế gần như thẳng đứng, qua đó gián tiếp trả lời nghi ngại của giới chuyên môn về việc chưa tích hợp được vũ khí này.

Tuy nhiên vấn đề mà các đối thủ cũng như đối tác rất quan tâm là quả tên lửa đó được treo bên ngoài hay bố trí trong thân ? Đó là cách tư duy của họ, bởi theo họ điều mà Su-27 đã làm là không thể.

Tờ báo Sina của Trung Quốc khẳng định rằng Su-57 chưa thể phóng tên lửa không đối không từ khoang vũ khí, do các nhà thiết kế Nga đang phải loay hoay chế tạo một loại đạn mới vừa kích thước cấu kiện này, quả tên lửa vừa được phóng chắc chắn đã treo bên ngoài và hình ảnh ghi lại có vẻ như cho thấy họ đã chính xác.

Có thể nhận thấy rất rõ phần đầu quả tên lửa ở bên ngoài cánh chiếc Su-57 trước khi thấy quầng lửa từ động cơ, dấu hiệu nó đã treo sẵn bên ngoài

Tiếp theo trang The Drive của Mỹ đã có một suy luận xa hơn, họ đã quan sát bức ảnh chiếc Su-57 và nhận ra rằng để giải quyết việc giảm diện tích phản xạ radar khi phải treo tên lửa không đối không ở phía ngoài thì Nga đã có giải pháp mang tính "chữa cháy".

Cụ thể, các kỹ sư hàng không của Nga đã thiết kế một giá treo hòa nhập khí động học gắn phía ngoài cánh, đóng vai trò như một "chiếc kén" để tích hợp trong đó tên lửa không đối không chưa thể đưa vào trong khoang vũ khí, mặc dù chưa tối ưu nhưng cũng giảm khá nhiều diện tích phản xạ radar.

Giới phân tích tin rằng thiết kế độc đáo của các khoang treo ngoài, bao gồm một đường ray có thể thu vào đã được thực hiện trên tiêm kích tàng hình Su-57 và tên lửa đã phóng ra từ đó trong vụ thử nghiệm vừa qua.

Báo chí phương Tây cho rằng Nga đã chọn giải pháp tạm thời để che giấu diện tích phản xạ radar cho Su-57 khi mang vũ khí bên ngoài thông qua "chiếc kén"

Ngoài ra trong cấu hình hiện tại, thậm chí chỉ số RCS của Su-57 còn lớn hơn cả F-15SE Silent Eagle hay F/A-18 Advance Super Hornet của Mỹ, bởi hai loại tiêm kích trên đã có khoang vũ khí hòa nhập khí động học hoàn hảo hơn nhiều.

Giới phân tích cho rằng trong việc giải quyết bài toán giữa năng lực tàng hình và sức cơ động thì Nga đã thiên về phương án thứ hai, họ đành phải tạm chấp nhận thực tế chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 của mình vẫn chưa đạt chuẩn tàng hình đúng nghĩa ở cả chỉ số RCS lẫn tiêu chuẩn cho động cơ khi Izdeliye 30 chưa hẹn ngày hoàn thiện.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/bao-my-sam-soi-chi-loi-thuong-tren-tiem-kich-su-57-3399430/