Báo Mỹ: Ông Putin rời nhiệm sở là hợp lòng dân

Phương Tây hồi hộp trước kịch bản ông Putin tiếp tục nắm quyền ở quốc gia lớn nhất thế giới và là một trong 2 cường quốc hạt nhân hàng đầu.

Ông Putin vẫn nắm giữ quyền lực?

Trước những diễn biến chính trị tại Nga, giới phân tích Mỹ hầu như thống nhất quan điểm cho rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ không giữ chức vụ này trọn đời nhưng vẫn nắm giữ quyền lực.

Ngày 20/1, Tổng thống Putin đã chuyển văn kiện sửa đổi Hiến pháp tới Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Trong ngày 21/1, Hạ viện Nga sẽ thảo luận về dự luật sửa đổi Hiến pháp trong phiên họp bất thường. Theo bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Duma Quốc gia Nga, nội dung thay đổi liên quan đến quyền hạn của tổng thống, trao cho Quốc hội Nga quyền bổ nhiệm thủ tướng và giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống.

Trang The Hill của Mỹ nhấn mạnh “điều chắc chắn” ở Nga là tổng thống tiếp theo kế nhiệm ông Putin sẽ không có nhiều quyền lực. Tờ báo Mỹ bình luận rằng trong thông điệp liên bang mới đây, Tổng thống Putin đã đề xuất những thay đổi quyết liệt nhất liên quan đến hiến pháp của Nga trong gần 30 năm qua.

Với hiến pháp mới, vốn có thể có hiệu lực vào đầu năm 2020 này, các thời tổng thống Nga tương lai sẽ bị giới hạn nắm giữ tối đa 2 nhiệm kỳ.

Tổng thống Nga V. Putin

Tổng thống Nga V. Putin

Ngoài ra, những quyền lực quan trọng đáng kể sẽ trở lại Quốc hội. Tổng thống trong tương lai của Nga sẽ tập trung vào vấn đề an ninh và đối ngoại.

Điều này sẽ chi phối và ảnh hưởng đến vị trí mà ông Putin hiện nắm giữ, ám chỉ rằng cho dù Nga sẽ phải đối mặt với bất kỳ vấn đề gì, khả năng Putin tự mình tuyên bố là tổng thống trọn đời không phải là một trong những vấn đề đó.

Nếu hệ thống chính trị mới được triển khai như kế hoạch, thủ tướng và chính phủ tiếp theo sẽ do Quốc hội trực tiếp lựa chọn. Hội đồng Nhà nước, một cơ quan ít được biết đến bao gồm các thống đốc và các quan chức cấp cao khác, sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Theo The Hill, mặc dù những văn phòng có thể đã thay đổi song những người ra quyết định vẫn nắm giữ quyền lực ở thời điểm này.

Bên cạnh đó, tờ báo Mỹ cũng đặc biệt chú ý tới những quy định đối với các nhà lãnh đạo Nga trong tương lai. Theo đề xuất, vị trí tổng thống sẽ được giới hạn cho những cá nhân vốn đã sinh sống tại Nga trong vòng ít nhất 25 năm.

Ngoài ra, các vị trí quan chức cấp cao, gồm thẩm phán, bộ trưởng, thống đốc và các thành viên quốc hội sẽ không được dành cho các công dân Nga nắm giữ hai quốc tịch hoặc giấy phép định cư nước ngoài.

Thủ tướng Nga D. Medvedev bên cạnh Tổng thống V. Putin

Theo The Hill, hệ chống chính trị mới được bảo lưu cho những công dân trung thành sinh sống ở Nga, chứ không phải dành cho những đối thủ chính trị từ nước ngoài trở về hoặc thậm chí giới tinh hoa kinh doanh nắm giữ tài khoản ngân hàng nước ngoài và có thể “cao chạy xa bay” ra nước ngoài khi cần.

Đối mặt với không ít thách thức cả trong và ngoài nước ở thời điểm hiện tại, những bước đi của Tổng thống Putin được đánh giá mang lại cơ chế kiểm tra và cân bằng lớn hơn. Đặc biệt, The Hill coi cam kết của Tổng thống Putin về việc rời nhiệm sở trong vòng 4 năm nữa “đang tỏ ra hợp lòng dân” vào thời điểm này.

Điều phương Tây lo sợ

Phát biểu tại cuộc gặp mặt các cựu chiến binh trong Thế chiến II ở St.Peterburg hôm 18/1, Tổng thống Putin nói rằng ông không muốn Nga trở lại thời kỳ cuối của Liên Xô, thời kỳ tồn tại thông lệ những nhà cầm quyền suốt đời vốn qua đời khi vẫn tại nhiệm mà không hề có một chiến lược kế nhiệm nào phù hợp.

Tại sự kiện này, ông Putin cũng đã bác bỏ ý tưởng để các đời tổng thống Nga tại nhiệm suốt đời.

Khi được một cựu chiến binh hỏi liệu đã đến lúc hủy bỏ nhiệm kỳ tổng thống hay chưa, Putin đáp: "Sẽ là diều đáng lo ngại nếu quay trở lại bối cảnh mà chúng ta đã trải qua thời kỳ giữa những năm 80 của thế kỷ trước khi các lãnh đạo nhà nước tại nhiệm cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời họ và rời nhiệm sở mà không đảm bảo các điều kiện cần thiết cho quá trình chuyển giao quyền lực".

Báo chí Mỹ và phương Tây bình luận sôi nổi về các bước đi của Tổng thống Putin

Thời kỳ cuối Liên Xô chứng kiến hàng loạt lãnh đạo lão thành như Leonid Brezhnev, Yuri Andropov và Konstantin Chernenko đều qua đời tại nhiệm sở.

Trang Time.com của Mỹ cho rằng đường hướng chính trị tương lai của Nga đã xuất hiện sự không chắc chắn kể từ khi ông Putin đề xuất sửa đổi hiến pháp trong thông điệp liên bang hôm 15/1.

Sự thay đổi hiến pháp này là nhằm trao cho giới nghị sĩ Nga quyền đề cử thủ tướng và các vị trí nội các. Tổng thống Nga hiện là người có thẩm quyền bổ nhiệm những vị trí này.

Trang báo Mỹ dẫn ý kiến “giới quan sát” cho rằng sau khi gia tăng quyền lực của Quốc hội và Nội các đồng thời cắt giảm thẩm quyền của tổng thống, ông Putin có thể lặp lại chiến lược mà ông đã sử dụng trước đó để tại nhiệm, tức hoán đổi vị trí của thủ tướng.

Điều phương Tây lo sợ sẽ xảy ra?

Còn tờ Thời báo Moscow bình luận, những tuyên bố nói trên của ông Putin có thể được coi là sự củng cố ý tưởng rằng ông có kế hoạch rời khỏi cương vị tổng thống vào năm 2024 theo quy định của Hiến pháp hiện hành.

Tuy vậy, những tuyên bố này khó có thể thuyết phục được giới chỉ trích vốn cho rằng ông Putin sẽ tìm cách tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng sau "cánh gà" trong một cương vị cao cấp khác.

Tờ báo này dự đoán, những thay đổi của ông Putin là nhằm thiết lập những trung tâm quyền lực mới ngoài vị trí tổng thống và nhằm trao cho nhà lãnh đạo 67 tuổi này cơ hội để mở rộng quyền lực của mình khi ông rời nhiệm sở vào năm 2024.

Chưa rõ thực hư thế nào nhưng những bình luận trên cho thấy Mỹ và phương Tây đang hồi hộp trước kịch bản ông Putin tiếp tục nắm giữ một vai trò nào đó ở một quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới và cũng là một trong 2 cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.

Bảo Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-my-ong-putin-roi-nhiem-so-la-hop-long-dan-3395572/