Báo Mỹ: Nga và Triều Tiên đang qua mặt Mỹ

Báo chí Mỹ cáo buộc Nga vẫn tiếp nhận hàng nghìn lao động người Triều Tiên và có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Người Mỹ hậm hực

Theo tờ The Wall Streer Journal ngày 2/8, Nga đang cho phép hàng nghìn lao động mới người Triều Tiên nhập cảnh và cấp những giấy phép làm việc mới. Giới chức Mỹ cho rằng hành động này có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm ngăn chặn nguồn cung tiền mặt cho Bình Nhưỡng và gây áp lực buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tháng 9/2017, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã cấm các chính phủ cấp giấy phép làm việc mới cho người Triều Tiên, mặc dù một số hợp đồng lao động hiện hành vẫn được phép duy trì.

The Wall Street Jourmal cho biết đã tiếp cận được thống kê của Bộ Nội vụ Nga, theo đó kể từ khi Liên hợp quốc ban hành lệnh cấm đến nay, hơn 10.000 công nhân Triều Tiên mới đã đăng ký nhập cảnh vào Nga.

Lao động Triều Tiên làm việc tại Nga. Ảnh: Sputnik

Tờ báo Mỹ cũng dẫn “số liệu” của Chính phủ Nga cho thấy những công ty tuyển dụng người Triều Tiên là những liên doanh với các thực thể của Triều Tiên, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc cấm "tất cả các liên doanh hay thực thể hợp tác" với công ty và công dân Triều Tiên.

The Wall Street Journal dẫn “các nguồn thạo tin” cho hay, các quan chức Liên hợp quốc đang tiến hành điều tra những hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt nêu trên.

Hiện Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao Nga chưa có phản ứng trước thông tin của báo chí Mỹ.

Những thông tin trên được báo chí Mỹ đăng tải trong bối cảnh Washington có vẻ “sốt ruột” trước các thông tin mới đây như việc Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay sản xuất nhiên liệu hạt nhân.

Trong khi đó, tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki hôm 16/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã đề nghị giúp giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông Putin nhấn mạnh rằng cần phải có các cam kết quốc tế để phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên và Nga sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực này.

Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matsegora nói: “Những thay đổi tích cực trên bán đảo Triều Tiên là rõ ràng”, đồng thời cho biết Nga sẵn sàng giúp Triều Tiên hiện đại hóa hệ thống năng lượng nếu các biện pháp được dỡ bỏ và Bình nhưỡng tìm được nguồn vốn cho hoạt động này.

Nga nhiều lần tỏ thiện chí muốn giúp giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Liên hợp quốc đã đề ra hạn ngạch nhập khẩu dầu mỏ của Triều Tiên là 60.000 tấn mỗi năm, trong số đó, các nhà cung cấp của Nga xuất khẩu từ 200-400 tấn sản phẩm mỗi năm sang quốc gia này.

Theo giới phân tích, Nga là quốc gia luôn phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên và khẳng định đối thoại là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Nga đã nhiều lần lên án những áp lực mà Mỹ gây ra cho Triều Tiên và điều mà họ xem là những đe dọa dùng vũ lực để xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên của Washington.

Cũng có ý kiến cho rằng, Nga lo ngại rằng Mỹ có thể thay thế Nga (và thậm chí là cả Trung Quốc) để trở thành đối tác đối thoại hàng đầu của Triều Tiên, qua đó làm tổn hại tới ảnh hưởng của Nga tại Triều Tiên, nhất là sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hồi tháng 6.

Tờ Diễn đàn Đông Á cho rằng, “Nga không muốn bị gạt ra ngoài lề tiến trình phi hạt nhân hóa sau những nỗ lực mà họ đã có. Là một nước láng giềng của Triều Tiên, Nga không thể không liên quan và lo ngại về tương lai của quốc gia này”.

“Bài” của Triều Tiên

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, các hãng tin quốc tế đồng loạt dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ thông báo vệ tinh tình báo Mỹ đã phát hiện hoạt động mới tại nhà máy của Triều Tiên từng sản xuất ICBM đầu tiên có khả năng bắn tới Mỹ.

Một quan chức yêu cầu giấu tên phát biểu với hãng Reuters rằng hình ảnh và ảnh hồng ngoại cho thấy các phương tiện di chuyển ra vào cơ sở hạt nhân ở Sanumdong, nhưng ảnh không cho thấy công trình xây dựng tên lửa đã tiến tới đâu.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-my-nga-va-trieu-tien-dang-qua-mat-my-3363016/