Báo Mỹ: Nga không phải đối thủ đáng gờm

NI cho rằng Nga chỉ là cường quốc khu vực với tầm ảnh hạn chế, trong đó diện tích, dân số và kinh tế đều không như thời Liên Xô.

Mỹ đang đánh giá thấp nước Nga

Giữa lúc tại Washington có nhiều tiếng nói “diều hâu” trong quan hệ với nước Nga, vẫn có không ít người Mỹ cố gắng tìm kiếm những yếu tố “hạ nhiệt” nhằm cải thiện mối quan hệ này. Trang National Interest (NI) cho rằng người dân Mỹ và các nhà hoạch định chính sách nước này đều có xu hướng đáng tiếc khi đánh đồng Nga với Liên Xô. Điển hình là việc cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016, coi đây là một cuộc tấn công vào nước Mỹ tương tự vụ Trân Châu Cảng hay vụ khủng bố 11/9.

Xuất phát từ cách nhìn nhận như vậy, những người chỉ trích cho rằng Tổng thống Donald Trump đã hành xử mang tính “van nài”, ngược lại với các thời tổng thống trước của Mỹ, đối với cái gọi là “mối đe dọa” từ Kremlin với Mỹ và phương Tây. Phát biểu của Ronald Reagan về “đế chế ác quỷ” cùng yêu cầu phá bỏ Bức tường Berlin được đưa ra như một hướng dẫn hành động.

Tổng thống D. Trump bị chỉ trích hành xử "van nài" với Nga

Tổng thống D. Trump bị chỉ trích hành xử "van nài" với Nga

Tuy nhiên, National Interest cho rằng cách hành xử như trên được áp dụng đối với một nước khác – Liên Xô. Trang này chỉ trích rằng điều “tệ hại” là lãnh đạo Mỹ vẫn theo đuổi những chính sách thù địch và không thỏa hiệp mà Washington đã vạch ra nhằm kiềm chế sức mạnh của Liên Xô. Đây được coi là sai lầm lớn tiếp tục hủy hoại mối quan hệ của Mỹ với Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ cuối năm 1991.

National Interest chỉ ra khác biệt rõ ràng giữa Liên Xô và Nga là Liên Xô có mục tiêu về cuộc cách mạng thế giới còn nước Nga ngày nay không phải là một cường quốc “cứu tinh”. Hệ thống kinh tế của Nga thiên về mô hình nền kinh tế dựa trên mối quan hệ khăng khít giữa doanh nghiệp và chính phủ chứ không “cứng nhắc” giống Liên Xô.

Bên cạnh sự khác biệt về chính trị, tôn giáo so với thời Liên Xô, National Interest đánh giá điểm mấu chốt ở chỗ Nga là một cường quốc truyền thống có phần bảo thủ, không giống như Liên Xô. Do đó, chính sách của Mỹ cần phản ánh thực tế khác biệt này.

Xe tăng T-34 nổi tiếng trong Thế chiến II tham gia duyệt binh trên quảng trường Đỏ

Cũng theo trang báo Mỹ, Liên Xô là một cường quốc toàn cầu với những tham vọng toàn cầu và có những lúc là siêu cường với những năng lực tương xứng. Liên Xô kiểm soát một đế chế ở Đông Âu và thâu tóm đồng minh và đối tác khắp thế giới, ở cả những nơi xa xôi. Liên Xô cũng cạnh tranh gay gắt với Mỹ để có được tầm ảnh hưởng ở mọi lĩnh vực.

Ngược lại, National Interest cho rằng Nga chỉ là một cường quốc khu vực với tầm ảnh hưởng ngoài khu vực ở mức hạn chế. Những “tham vọng” của Kremlin chủ yếu tập trung vào khu vực cận kề, nhằm cố gắng ngăn chặn việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa quân tiến gần biên giới của Nga cũng như ngăn chặn hoạt động xâm nhập do Mỹ đứng đầu vào khu vực an ninh chủ chốt của Nga.

Với những phân tích trên, trang báo Mỹ nhấn mạnh Nga đi theo xu hướng phòng thủ hơn là tấn công.

Người Mỹ sợ đối đầu?

National Interest tiếp tục đưa ra những đánh giá tổng quan chứng minh Nga khó có thể thực hiện được điều gì “vượt qua khuôn khổ một chương trình nghị sự theo chủ nghĩa bành trướng bị giới hạn về mặt địa lý”. Ví dụ, Liên Xô là một cường quốc kinh tế đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ, còn Nga có nền kinh tế chỉ gần bằng quy mô của Canada và không còn được xếp vào danh sách 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nga cũng chỉ còn lại 3/4 lãnh thổ và một nửa dân số của Liên Xô, chưa kể việc dân số Nga đang suy giảm và gặp khó khăn về những vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Với những số liệu trên, trang báo Mỹ khẳng định Nga không phải là một đối thủ đáng gờm, lại càng chưa thể là một mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ và hệ thống của Washington. National Interest thậm chí còn “bóng bẩy” với bình luận: “Sức mạnh của Nga chỉ là cái bóng gày còm ốm yếu của sức mạnh mà Liên Xô có”.

Tổng thống Syria B. al-Assad (vest đen) thị sát xe chiến đấu MPT-72 “Terminator” được Nga đưa tới Syria

Nói về kho vũ khí hạt nhân của Nga, National Interest coi đây là tầm ảnh hưởng duy nhất không bị thu hẹp nhưng cho rằng chúng không thể được sử dụng để phát huy sức mạnh hay trong chiến tranh, trừ khi ban lãnh đạo muốn hứng chịu một cuộc tự sát dân tộc.

Đáng chú ý, trang báo Mỹ đưa ra nhận định những lợi ích an ninh của Nga thực sự chồng lấn với những lợi ích an ninh của Mỹ, nhất là mong muốn chống chủ nghĩa khủng bố. Nếu ban lãnh đạo Mỹ không khăng khăng theo đuổi những chính sách gây hấn như mở rộng NATO đến biên giới Nga, hủy hoại những đối tác lâu đời của Nga ở khu vực Balkan như Serbia và ở Trung Đông như Syria và loại Nga ra khỏi các thể chế kinh tế quốc tế như G7 thì ít khi lợi ích của Mỹ và Nga xung đột nhau.

National Interest cho rằng Mỹ cần có sự thay đổi cơ bản trong chính sách của mình đối với Nga song điều đó đòi hỏi một sự thay đổi to lớn trong tâm lý dân tộc của Mỹ. Trong hơn 40 năm qua, Washington coi Liên Xô là một mối đe dọa nguy hiểm đến an ninh quốc gia cũng như những giá trị Mỹ.

Trang báo Mỹ tỏ ra “tiếc” khi quá nhiều người Mỹ, cả lãnh đạo chính trị và giới hoạch định chính sách, đều hành xử với Nga như thể đang đối đầu với Liên Xô. National Interest cảnh báo “kết cục đau thương” một khi Mỹ lao vào cuộc chiến vì tư duy và chính sách lỗi thời đối với “một cường quốc khu vực đang suy giảm sức mạnh”.

Một chiếc F-22 của Mỹ "kèm" một chiếc Tu-95 của Nga ở khu vực Alaska

Thực tế, cách nhìn nhận như trên của người Mỹ về nước Nga cũng không có gì mới. Nếu không tỏ thái độ đối đầu quyết liệt thì bộ phận còn lại người Mỹ lại tỏ ra “thương cảm” trước một nước Nga đang “suy yếu”. Nhưng dù nhìn nhận ở góc độ nào thì cái đích cuối cùng mà giới phân tích Mỹ hướng tới vẫn là một cuộc chiến với Nga, dù nhóm thứ hai chỉ đưa ra lời “cảnh báo”.

Trong khi đó, việc đánh giá sức mạnh của một quốc gia từ những con số thống kê thuần túy hay đơn giản là “cảm giác” không thực sự thuyết phục. Kinh tế Nga khó khăn do bị chính Mỹ và phương Tây bao vây, cô lập nhưng Nga lại có những nguồn sức mạnh khác đến từ tài nguyên, nền tảng khoa học và cả truyền thống “đối đầu” với phương Tây nhiều thế hệ. Ngày 15/1, trong thông điệp liên bang lần thứ 16, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, nước Nga lần đầu tiên trong lịch sử có thể trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về các loại vũ khí tiên tiến.

Tổng thống Putin khẳng định: "Chúng ta không đe dọa bất cứ ai và sẽ không tìm cách áp đặt ý chí của mình. Đồng thời, tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng, các biện pháp tăng cường an ninh quốc gia đã được thực hiện một cách kịp thời và đầy đủ". Theo Tổng thống Putin, Nga hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới trong hoạt động phát triển vũ khí tiên tiến. Ông Putin nhấn mạnh: "Các quốc gia hàng đầu khác trên thế giới sẽ vẫn phải phát triển các vũ khí mà Nga đang sở hữu".

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-my-nga-khong-phai-doi-thu-dang-gom-3395291/