Báo Mỹ nêu lý do TT Putin vẫn thinh lặng về đòn trả đũa Mỹ sau vụ tấn công Syria

Mặc dù chỉ trích tương đối gay gắt với phương Tây song động thái phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin với các cuộc tấn công tên lửa của Mỹ tại Syria cho tới nay vẫn tương đối im ắng.

Theo tờ Washington Examiner, khả năng về một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và đồng minh với Nga tới thời điểm này dường như đã không còn cao như trước khi vào hôm 20/4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov khẳng định: “Chúng tôi đã cảnh báo (với Mỹ) về những lằn ranh đỏ, kể cả những lằn ranh đỏ về mặt địa lý. Những kết quả (của cuộc không kích) cho thấy rằng họ chưa vượt qua những giới hạn đó”.

Cho tới nay, phản ứng của Nga với vụ tấn công tên lửa của Mỹ vẫn tương đối im ắng.

Ở mức độ cơ bản, sự thay đổi đáng kể trong tông giọng của Moscow đối với Mỹ dường như chứng minh rằng những tuyên bố mang tính ngoại giao của Kremlin vẫn có khả năng được điều chỉnh. Tuy nhiên, những hành động của Tổng thống Putin ngược lại luôn cần độ chính xác và không được phép xảy ra bất kỳ sai sót địa chính trị nào, bởi nó sẽ làm suy yếu mục tiêu dài hạn của Kremlin trong quá trình giành lại vị thế của nước Nga trước những đối thủ khác.

Từ hành động của Nga ở Crimea cho tới các động thái của Kremlin đối với tình hình Triều Tiên có thể thấy Kremlin luôn tính toán chiến thuật một cách cẩn thận và tỉ mỉ, trước khi đưa ra bất kỳ hành động dứt khoát nào. Do đó tới nay Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa có các động thái cụ thể để bảo vệ đồng minh Syria sau cuộc tấn công tên lửa của Mỹ và đồng minh nhằm vào Damascus hôm 14/4.

Cuộc chiến ngôn từ gần đây giữa Mỹ và Nga do đó không chỉ đơn giản là một phép thử đối với mức độ sẵn sàng bảo vệ Tổng thống Syria Bashar Assad của ông Putin.

"Nhìn chung, trước khi cuộc tấn công diễn ra, điện Kremlin dường như phản ứng hơi thái quá", William Courtney, một thành viên cấp cao phụ trách tại Tập đoàn RAND, nói với tờ Washington Examiner. “Nhưng sau đó tôi nghĩ điện Kremlin cảm thấy khá nhẹ nhõm do cuộc tấn công của Mỹ, Anh và Pháp tương đối hạn chế, chỉ nhằm vào các các mục tiêu vũ khí hóa học, chứ không phải cơ sở khác của Chính phủ. Vì vậy, điện Kremlin đến nay vẫn có vẻ thận trọng hơn đối với hành động phản ứng của mình”, ông nói thêm.

Nếu xung đột ở Syria không tiếp tục leo thang, ông Putin và ông Assad sẽ có lợi thế nhất định trong việc đạt được các mục tiêu của mình ở khu vực. Vì lý do đó, Tổng thống Nga sẽ không liều lĩnh “thử” thêm Washington để tự đẩy mình vào thế khó. Kremlin sẽ không phản ứng quá “căng” để khiến Lầu Năm Góc điều thêm quân tới vùng chiến sự Trung Đông này. Đó là lý do vì sao cho tới nay phía Tổng thống Putin vẫn khá yên ắng về hành động phản ứng đối với Lầu Năm Góc và đồng minh.

Nhìn từ góc độ của Washington, một lực lượng vũ trang lớn hơn ở Syria cũng có khả năng mang lại lợi thế cho Nhà Trắng trong quá trình đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter rằng “nhiệm vụ đã hoàn thành”, dù Tổng thống Nga Putin cảm thấy điều đó là hoàn toàn không chính xác so với thực tế song ông biết rằng sẽ không có tác dụng gì nếu cố “chày cối” thuyết phục Tổng thống Mỹ tin điều ngược lại.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Nga Putin.

Washington Examiner cho rằng, Moscow sẽ vẫn quyết tâm hỗ trợ cho chính quyền Assad và không để Mỹ cùng đồng minh “chèn ép” Triều Tiên. Để đạt được những mục tiêu này, ông Putin sẽ cố gắng nhanh chóng thích nghi với những thay đổi về địa chính trị - một chiến thuật đang khiến Nga trở thành mối đe dọa chiến lược ngày càng lớn đối với chính quyền Mỹ.

“Kremlin quá khó lường”, William Harrison Courtney, cựu Đại sứ Mỹ tại Kazakhstan và Georgia nhận xét.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Putin chưa đủ tạo ra hiệu quả bù đắp cho sự kém phát triển kinh tế của Nga sau những lệnh trừng phạt mà Washington và phương Tây áp đặt gần đây. Bằng cách phản ứng dữ dội với cuộc tấn công tên lửa ở Syria, Moscow chắc chắn sẽ có nguy cơ phải đối mặt thêm một làn sóng biện pháp đối phó kinh tế mới có khả năng gây tê liệt thị trường Nga vốn đang gặp khó khăn.

Theo cựu Đại sứ Courtney, kinh tế "là vùng yếu điểm của Nga", nó có thể buộc điện Kremlin phải "bình tĩnh hơn (trong hành động) so với trước đây" mặc dù vẫn đưa ra những chỉ trích tương đối gay gắt.

Ngoài các biện pháp trừng phạt trực tiếp, các chuyên gia Nga cũng lo ngại rằng mức thuế nhập khẩu mới mà chính quyền Donald Trump áp đặt với Nga sẽ gây tổn hại tới ngành công nghiệp luyện kim của nước này, gây ra thiệt hại lên tới hàng tỷ USD cho công nghiệp, tờ Moscow Times cho hay.

Nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn là cơ hội lớn để Washington tạo áp lực cho Moscow ở một trong những thời điểm quan trọng nhất trong thập kỷ này. Do đó, ảnh hưởng địa chính trị đang bị ảnh hưởng tiêu cực của ông Putin sẽ giúp cải thiện đáng kể cơ hội của Mỹ trong việc đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Triều Tiên - một mục tiêu mà nhiều người cho là hoàn toàn không thể đạt được.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/ly-do-putin-van-thinh-lang-ve-don-tra-dua-my-sau-vu-syria-a367910.html