Báo Mỹ: Giáp lồng trên tăng Nga vô dụng

Tạp chí Business Insider vừa đưa ra những nhận định về tính hiệu quả của việc Nga trang bị giáp lồng cho loạt xe tăng, xe chiến đấu.

Quyết định phát triển và sử dụng lớp giáp lồng cho xe tăng, xe chiến đấu hiện đại đã được đưa ra bởi Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, họ vẫn đang cân nhắc xem nên sử dụng loại giáp nào sẽ thích hợp cho các xe bọc thép thế hệ mới.

Trước khi có quyết định này, tăng thế hệ mới Armata T-14 cũng đã được trang bị giáp lồng. Ngoài ra, các loại phương tiện khác sẽ được bổ sung lớp bảo vệ này bao gồm xe chiến đấu Kurganets-25, xe bọc thép chở quân Bumerang, robot đa nhiệm Platform-M, xe bọc thép Typhoon hay hệ thống tên lửa bắn loạt Tornado...

Tăng Armata được trang bị giáp lồng phía sau.

Tăng Armata được trang bị giáp lồng phía sau.

Hiệu quả của hệ thống giáp lồng được biết đến nhiều nhất là trong cuộc chiến tại Việt Nam, khi đó Mỹ đã sử dụng rất nhiều lưới thép dạng này (giáp lồng) để ngăn chặn đạn B-40 của quân giải phóng Việt Nam, loại giáp đó sau này được gọi bằng cái tên "lưới B-40".

"Tuy nhiên, thành công trong quá khứ không khiến giáp lồng khẳng định được sức mạnh trong chiến tranh hiện đại", tạp chí Business Insider nhận định về hiệu quả của giáp lồng sau khi tăng Abrams thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Báo Mỹ cho biết thêm, giáp lồng chỉ nên được coi là giải pháp tình thế. Loại giáp này thường được bằng thép với trọng lượng khá nặng từ 20-30kg/m2 được hàn lại với nhau dạng lưới không cho đầu đạn kiểu như RPG-7 lọt qua.

Hệ thống giáp này hoạt động như một dạng bẫy đầu đạn RPG-7 (loại vũ khí lực lượng phiến quân tại Trung Đông dùng nhiều nhất), khi đầu đạn bay đến nó sẽ bị các thanh này cản lại không cho xuyên qua.

Phần chóp nón của đầu đạn RPG-7 thường được làm bằng nhôm khi bị kẹp giữa hai thanh giáp của lồng sắt sẽ khiến đầu đạn bị bóp méo làm đoản mạch và phá hủy chuỗi gây nổ của đầu đạn.

Các loại lồng bảo vệ thế hệ đầu tiên có thể làm hạn chế hiệu quả tác chiến của RPG-7 nhưng không giải quyết được hoàn toàn mối đe dọa. Nó chỉ có tác dụng với các loại đầu đạn RPG-7 thế hệ cũ và nó cũng không thể cung cấp sự bảo vệ khi có hơn một đầu đạn RPG-7 tấn công cùng lúc.

Báo Mỹ khẳng định, trong chiến tranh hiện đại, có rất nhiều vũ khí chống tăng mạnh mẽ và hiệu quả hơn rất nhiều súng RPG-7, vì vậy việc trang bị giáp lồng cho lực lượng tăng thiết giáp chỉ nên được coi là giải pháp tình thế, rẻ tiền.

Chúng không thể phát huy hiệu quả khi phải đối đầu với cuộc tấn công từ những vũ khí chống tăng thế hệ mới như Javelin của Mỹ, Spike của Israel, MMP của Pháp...

Theo Ngọc Hòa/Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/bao-my-giap-long-tren-tang-nga-vo-dung/20200107072355319