Báo Mỹ dự đoán quan hệ Nga-Thổ

Tờ Foreign Policy của Mỹ dự đoán Nga-Thổ sẽ rơi vào một cuộc xung đột mới mà nguyên nhân là do hai nước thường ủng hộ các lực lượng đối lập nhau.

Đòn ly gián?

Tờ Foreign Policy của Mỹ mới đây có bài viết phân tích về mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó đưa ra dự đoán hai nước này sẽ rơi vào một cuộc xung đột mới. Một trong những nguyên nhân được tờ báo Mỹ chỉ ra là do Nga-Thổ thường ủng hộ các lực lượng đối lập nhau.

Trong bài viết có tựa đề: “10 cuộc xung đột cần theo dõi trong năm 2021”, Foreign Policy nhận định Nga-Thổ hiện không trong tình trạng chiến tranh nhưng lại ủng hộ các bên đối lập trong các cuộc xung đột ở Syria, Libya và tranh giành quyền lực ở khu vực Caucasus. Tờ báo Mỹ nhắc lại vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga năm 2015 và vụ không kích của lực lượng chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn khiến hàng chục lính Thổ thiệt mạng trong năm 2020 đã khiến nguy cơ đối đầu tăng cao.

Binh sĩ Nga trên xe bọc thép tuần tra chung với Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

Binh sĩ Nga trên xe bọc thép tuần tra chung với Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

Mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hiện vẫn cho thấy khả năng kiểm soát các sự cố như vậy, nhưng bất kỳ một tranh cãi nào cũng có thể làm gia tăng xung đột lôi kéo cả hai nhà lãnh đạo trực tiếp tham gia. Tình trạng đối đầu rõ ràng nhất giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá đang diễn ra ở Syria. Nhưng ở Libya, hai nước cũng đang đứng về hai bên khác nhau khi Nga ủng hộ tướng Khalifa Hafta còn Thổ ủng hộ chính phủ ở Tripoli.

Foreign Policy nhấn mạnh, Nga-Thổ vừa mới bị lôi kéo vào cuộc chiến Nagorny Karabakh. Moscow có mối quan hệ linh minh quân sự với Armenia nhưng đã “tránh” đứng về một bên. Trong khi đó, Ankara ủng hộ Azerbaijan về mặt ngoại giao và quân sự.

Tờ báo Mỹ cho rằng cả Nga và Thổ đều “giành chiến thắng” trong cuộc chiến này nhưng Nga đã bố trí được lực lượng gìn giữ hòa bình và tăng cường mạnh sự ảnh hưởng trong khu vực. Về phần mình, người Thổ cũng có thể tuyên bố đã đóng vai trò đáng kể trong chiến thắng của Azerbaijan và hưởng lợi từ hành lang thương mại được thiết lập sau cuộc chiến. Mặc dù thừa nhận mối quan hệ Nga-Thổ đã được củng cố vững chắc hơn bao giờ hết nhưng tờ báo Mỹ cho rằng các hợp đồng và thỏa thuận giữa hai nước không bền vững.

Lãnh đạo Nga-Thổ vẫn đang kiểm soát tốt các xung đột giữa hai nước

Bài phân tích của Foreign Policy được đăng tải trong bối cảnh truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn thông tin từ Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tiết lộ Ankara và Washington đang đàm phán thành lập nhóm công tác chung để giải quyết vấn đề trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Cavusoglu nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có được mối quan hệ “lành mạnh hơn” với Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Ông Cavusoglu nêu rõ: “Năm 2020, mối quan hệ giữa chúng tôi với Mỹ đã bị lu mờ bởi những vấn đề hiện tại. Năm 2021, chúng tôi đã chuẩn bị để cải thiện mối quan hệ với chính quyền mới của Mỹ theo hướng lành mạnh hơn và chúng tôi chuẩn bị thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục các vấn đề đang tồn tại”. Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, đề xuất thành lập nhóm công tác Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ đến từ phía Washington, song Ankara cũng đã có quyết định tương tự trước đó.

Đòn cảnh báo cho người Thổ?

Dự báo về triển vọng quan hệ Mỹ-Thổ trong thời gian tới, Stratfor, trang mạng chuyên phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, cho rằng bốn năm nhiệm kỳ sắp tới dưới chính quyền Joe Biden được coi là phép thử xem liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục gây căng thẳng trong quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tiến hành các hoạt động quân sự “lệch pha” với lợi ích của nước Mỹ mà không bị trừng phạt hay không.

Theo Stratfor, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều có lợi ích chung khi duy trì mối quan hệ kinh tế và an ninh khăng khít. Tuy nhiên, sự quyết tâm của Ankara trong việc giảm bớt phụ thuộc vào các nước phương Tây như Mỹ đồng thời thắt chặt quan hệ chính trị, kinh tế, an ninh với Nga và Trung Quốc lại “xung đột” với những mục tiêu và lợi ích của Mỹ.

Mỹ đã quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan thương vụ S-400 sau khi loại Ankara khỏi chương trình F-35

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump được cho là vẫn gần như “che chắn” cho Ankara để né những đòn trừng phạt được đề xuất tại Quốc hội. Tuy nhiên, Stratfor cho rằng rất có thể khi ông Biden lên nhậm chức, tình hình sẽ khác. Việc ông Biden định áp các lệnh trừng phạt nặng với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Ankara càng tìm cách đa dạng hóa quan hệ của họ và xa rời các nước phương Tây.

Một trong những ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là làm thế nào để chính quyền mới của Mỹ không áp lệnh trừng phạt đối với việc Ankara mua và thử nghiệm hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hệ thống tên lửa này là mấu chốt chính dẫn đến căng thẳng giữa Washington và Ankara trong những năm gần đây bởi điều đó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ muốn rời xa NATO và các đồng minh phương Tây đồng thời ngả về phía Nga.

Bất chấp những cảnh báo của Mỹ và các đồng minh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn liên tục thử hệ thống tên lửa S-400 để cho thấy ý định của họ sẽ sử dụng hệ thống này trong trường hợp cần thiết. NATO đã lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng việc một nước thành viên NATO triển khai hệ thống tên lửa của Nga có thể tạo điều kiện cho Nga thu thập các thông tin tình báo liên quan tới các hệ thống vũ khí của NATO.

Ông Biden làm chủ Nhà Trắng vẽ ra viễn cảnh không mấy dễ chịu cho người Thổ

Ngày 14/12 vừa qua, Mỹ đã quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật Đối phó với các Đối thủ của Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA). Các lệnh trừng phạt này nhằm vào Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ với chức năng mua sắm quân sự, cùng với Giám đốc của cơ quan này là ông Ismail Demir và ba quan chức cấp cao khác. Trước đó, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ chống lại yêu cầu của Mỹ buộc Ankara phải ngừng khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp ở phía Đông Địa Trung Hải. Washington đã khẳng định đứng về phía Hy Lạp và Cộng hòa Síp và nhìn nhận các hoạt động khai thác dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực này là bất hợp pháp.

Theo nhận định của Stratfor, trong chiến lược tiếp cận với chính quyền mới của Mỹ sắp tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đặc biệt tập trung hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ dưới thời ông Biden nhiều khả năng sẽ nhất trí hơn khi giải quyết những vấn đề hiện còn vướng mắc giữa Washington và Ankara, mà rất có thể điều này sẽ gây bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thái Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bao-my-du-doan-quan-he-nga-tho-3425418/