Báo Mỹ chỉ khoảnh khắc tấn công siêu tên lửa Sarmat

Theo The National Interest, nếu tấn công vào điểm yếu của ICBM Sarmat, việc đối phó với tên lửa này không phải là điều không thể như Nga tuyên bố.

Nhận định này được chuyên gia quân sự Mỹ Jen Judson của Tạp chí The National Interest đưa ra sau khi Nga liên tiếp công bố video mới về những loạt vũ khí tối tân đang phát triển, trong đó có vũ khí siêu thanh và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat.

Theo Jen Judson, hồi cuối năm 2017 đến nay, Nga vài lần tuyên bố đã thử nghiệm thành công giếng phóng dùng cho tên lửa ICBM thế hệ mới Sarmat. Trong cuộc thử cuối năm 2017, Nga đã phóng thành công 1 quả tên lửa và đã diệt thành công mục tiêu tại bãi thử ở Kamchatka.

Theo vị chuyên gia này, sẽ không có gì đáng nói về phiến bản giếng phóng của Sarmat lộ diện nếu trước đó chính Nga không ít lần phân tích và chỉ ra những điểm yếu của việc phóng tên lửa ICBM từ giếng phóng.

Chuyên gia Jen Judson cho rằng, tên lửa Sarmat là trụ cột trong sức mạnh răn đe hạt nhân trên đất liền của Nga trong tương lai. Tuy nhiên, toàn bộ tên lửa ICBM này đều được triển khai từ các giếng phóng cố định trong lòng đất. Điều này khiến khả năng giữ bí mật vị trí phóng của Nga tương đối hạn chế.

Trước thực tế này, vị chuyên gia cấp cao người Mỹ cho rằng, để tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng tên lửa hạt nhân trong tương lai, Nga cần cơ động hóa chúng. Các tên lửa đặt trên xe phóng cơ động hoặc trên đường sắt sẽ ít tốn kém hơn so với các tên lửa đặt trên hầm phóng.

Các tên lửa di chuyển liên tục cũng làm giảm nguy bị tấn công hạt nhân vì vị trí phóng liên tục thay đổi, đảm bảo yếu tố bí mật. Việc đặt các tên lửa lên xe phóng cơ động chắc chắn không phải là vấn đề quá khó khăn đối với Nga bởi hiện nay nhiều loại tên lửa ICBM đều được thiết kế kiểu di động.

Các ICBM di động sẽ đem lại cho Nga khả năng đáp trả nếu xảy ra tấn công hạt nhân nhắm vào các giếng cố định, đồng thời đảm bảo yếu tố bí mật trong triển khai lực lượng và che giấu vị trí phóng.

Vị chuyên gia người Mỹ này còn cho rằng, với hàng loạt ưu điểm của tên lửa ICBM di động, Nga lại dần thiên về phiên bản giếng phóng khi mới đây, dòng tên lửa RS-24 cũng đã được thử nghiệm với phiên bản giếng phóng trong khi Moscow cũng đã hoàn thành thử nghiệm phiên bản tương tự cho tên lửa Sarmat.

Căn cứ vào nhược điểm của những tên lửa ICBM triển khai từ bệ phóng cố định, vị chuyên gia người Mỹ cho rằng một khi đối phương sở hữu vũ khí tấn công và hệ thông trinh sát tốt, những tên lửa trong giếng phóng của Nga có thể bị phá hủy ngay khi còn đang trong hầm phóng. (Tuấn Vũ)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/bao-my-chi-khoanh-khac-tan-cong-sieu-ten-lua-sarmat-3362214/