'Bảo mẫu' của mãnh thú

Phía sau cánh cửa chuồng sắt, mặc cho tiếng gầm gừ của hổ, sư tử, gấu ngựa…, những nhân viên chăm sóc thú tại King's Garden (thuộc VinWonders Nha Trang) vẫn miệt mài với công việc. Họ đã chọn nghề vất vả, hiểm nguy này bởi tình yêu thương động vật.

Phía sau cánh cửa chuồng sắt, mặc cho tiếng gầm gừ của hổ, sư tử, gấu ngựa…, những nhân viên chăm sóc thú tại King’s Garden (thuộc VinWonders Nha Trang) vẫn miệt mài với công việc. Họ đã chọn nghề vất vả, hiểm nguy này bởi tình yêu thương động vật.

Bạn với chúa sơn lâm

Mới đầu giờ chiều tại Vườn Quý Vương (King’s Garden), các nhân viên chăm sóc thú đã hối hả kéo xe chở thịt vào trong khu nuôi dưỡng thú. Vừa ngửi thấy mùi thức ăn, 4 chú hổ vàng Bengal dồn nhanh về phía cửa chuồng gầm gừ, bàn chân đầy vuốt cào mạnh vào lưới sắt. Dù đang say mồi nhưng vừa thấy người lạ, hổ mẹ lùi lại, 2 chân sau xoạc rộng, nhe nanh gằn lên từng hồi. Anh Ngô Xuân Quang - nhân viên Tổ nuôi thú dữ (quê Nha Trang) nhanh trí vỗ nhẹ xuống nền xi măng: “Ngoan nào Xám (tên tự đặt cho chú hổ Bengal). Khách quen, đừng sợ”. Như hiểu được lời của nhân viên chăm sóc, hổ mẹ im lặng, cọ đầu vào cửa chuồng. Quang cười nói: “Mấy nhóc hung dữ vậy, nhưng quen rồi nó cũng dễ thương lắm, biết vâng lời”. Nghe Quang nói thì có vẻ đơn giản, nhưng thực sự ai mới lần đầu bước vào chuồng hổ sẽ không tránh khỏi cảm giác bất an, dù khoảng cách với mãnh thú vẫn còn khá xa với một cánh cửa sắt dày với lưới dày đặc. Để vào được chuồng thú, người chăm sóc phải tuân thủ những quy tắc an toàn tuyệt đối. Ngoài 2 lớp cửa khóa, nhân viên chuồng thú phải đi qua 3 lớp cửa từ. Nhằm phòng sự cố bất trắc xảy ra, mỗi lần vào chuồng thú phải có ít nhất 2 người trở lên. Qua 5 tầng cửa bắt buộc theo nguyên tắc khóa cánh cửa này mới mở lớp cửa kia, cả khi đi vào lẫn đi ra. Chỉ tay vào mấy chú hổ con, Quang cho biết: “Nhìn dữ vậy nhưng chăm sóc tụi nó, thấy cũng dễ thương như mèo. Lúc vui, lúc buồn mấy chú hổ đều bày tỏ cảm xúc. Sống lâu, tụi nó coi mình như bạn”.

Ngô Xuân Quang chuẩn bị khẩu phần ăn cho hổ trắng.

Dồn 4 mẹ con hổ Bengal sang một chuồng khác, công việc dọn dẹp vệ sinh bắt đầu. Sau 15 phút, chuồng hổ đã sạch bong, khu vực để thức ăn cũng được bày biện đủ cơ số thịt. Bước ra khu chuồng nuôi, Quang nhanh tay bấm khóa và kiểm tra độ an toàn trước khi kéo dây nâng cổng chuồng nuôi thông với sân chơi để hổ vào ăn. Sau vài cú táp mồi, 20kg thịt heo đã được 4 chú hổ “dọn dẹp” sạch sẽ. “Mỗi ngày khẩu phần ăn của bọn nhóc là 5kg thịt. Bữa ăn được luân phiên theo thứ tự thịt bò, heo, gà và xương, mỗi ngày ăn một loại thực phẩm. Ngoài 4 chú hổ này, vườn thú còn có 8 cá thể hổ Bengal khác, gồm cả hổ trắng lẫn hổ vàng. Số lượng sẽ còn tăng lên nữa vì chúng đang độ tuổi sinh sản”, Quang thích thú tâm sự.

“Bà đỡ” cho thú

Với các nhân viên chăm sóc thú tại King’s Garden, mỗi khi thú bị bệnh, thú có bầu là đầy rẫy những thách thức. Chăm thú dữ vốn đã khó, chăm thú dữ có bầu lại càng phải cẩn thận, mềm mỏng. Ngoài việc cho con mẹ ăn thức ăn bổ dưỡng, uống vitamin, canxi cho thai phát triển khỏe mạnh, còn phải theo dõi chặt chẽ hàng ngày. Gần đến ngày sinh, nhân viên phải chuẩn bị ổ để con vật làm quen. Khi con vật đẻ con, phải để nó tự sinh, người chỉ quan sát từ xa, bằng không chúng sẽ tha con đi tìm chỗ ở mới hoặc bỏ con không nuôi nữa.

Là người gắn bó với vườn thú ngay từ ngày đầu thành lập, Nguyễn Xuân Hải (quê Diên Khánh) có rất nhiều kỷ niệm với những con vật hung dữ nơi đây. Nhớ lại sự kiện chú hà mã đầu tiên được sinh ra tại vườn thú, Hải kể: “Hồi đó, lần đầu tiên hà mã có bầu, em chưa có kinh nghiệm nên lo lắm! Khi thấy hà mã mẹ có dấu hiệu chuyển dạ, em đã phải canh liên tục chờ cuộc vượt cạn hiếm có này. Ăn ngủ cùng hà mã đến ngày thứ 3, điều tuyệt vời đã xảy ra. Chỉ sau 1 giờ rặn đẻ, chú hà mã con đã chào đời. Ngày hà mã sinh cũng là lần đầu tiên trong đời em thức trắng suốt 3 đêm để chăm sóc, mệt nhưng vui!”. Hải cho biết, sau này còn nhiều lần hổ sinh cũng vui không kém. Anh em trong vườn thú không mấy ai nghĩ rằng hổ sẽ mang thai, làm mẹ chóng vánh như vậy ở vườn thú mới thành lập này. Sau vài lần giao phối, nhìn dáng hổ mẹ đi nặng nề hơn, các nhân viên đều rất vui. Suốt thai kỳ, hổ mẹ được chăm sóc và theo dõi kỹ càng.

 Nhân viên Nguyễn Xuân Hải chăm sóc hà mã.

Nhân viên Nguyễn Xuân Hải chăm sóc hà mã.

Chỉ tay về phía bầy hổ, Hải rành rọt: “Lúc thường thú đã rất dữ, nhưng thú đẻ con còn hung dữ hơn nhiều lần. Vì vậy, mỗi khi muốn vào dọn chuồng và chăm sóc thú con, tôi phải dụ con mẹ sang chuồng khác, chốt cửa cẩn thận. Trước khi chạm vào thú con, một động tác không được quên là phải xoa hai tay xuống nền chuồng để tay mình đồng nhất về mùi, không để con mẹ phát hiện ra mùi lạ mà bỏ con. Tuy ngày thường có thể nô đùa cùng thú nhưng khi thú dữ có con thì phải cẩn trọng vô cùng, chỉ một thao tác sai là nguy hiểm đến tính mạng”.

Hơn một tình yêu

Tại Tổ nuôi bộ móng guốc, nhìn mấy thanh niên đang độ tuổi 20 nô đùa với tê giác 2 sừng nhọn hoắt, ít ai nghĩ đó là những động vật hoang dã. Theo các nhân viên ở đây, nếu chăm sóc tê giác với tất cả lòng yêu thương, chúng cũng sẽ quý con người. Mỗi khi phấn khích, bầy tê giác dũng mãnh nhảy rộn ràng như những đứa trẻ hiếu động. Xoa xoa đầu chú tê giác lớn nhất đàn, Ngô Văn Toàn (quê Ninh Hòa) khoe: “Hồi mới làm quen với bọn chúng, em bị rượt mấy lần. Nhưng sống lâu thành quen, thành thân. Mình yêu thú, thú sẽ quý mình. Thú thật nghề này nếu không chịu khó và không có tình yêu động vật thật sự sẽ không trụ được lâu. Công việc ngày nào cũng như ngày nào, nhìn vào thấy nhàm chán, với đàn ông tụi em càng chán hơn. Vậy nhưng làm lâu, xa vườn thú chỉ ít ngày đã thấy nhớ”.

Nhân viên vườn thú vui đùa với tê giác.

Ông Lê Hồng Nhật - Trưởng bộ phận chăm sóc thú tại King’s Garden cho biết: Nghề nuôi thú thực sự là nghề đặc thù hơn các nghề khác. Chỉ có sự kiên trì, tình yêu động vật mới có thể khiến các nhân viên gắn bó lâu dài với công việc này. Hiện nay, Vườn Quý Vương có khoảng 750 cá thể được chia thành các khu nuôi dưỡng: Động vật móng guốc, khỉ, cầy, thú nhỏ và thú dữ. Riêng khu vực chăn nuôi thú dữ có 22 cá thể gồm: Hổ vàng, hổ trắng, gấu ngựa, linh cẩu và sư tử.

Có một điều lạ, tất cả nhân viên chăm sóc thú ở King’s Garden đều là nam giới và đa phần còn rất trẻ. Không biết điều gì thôi thúc họ gắn bó với nghề vừa vất vả, vừa nguy hiểm này. Khi được hỏi về điều này, Hải trả lời không cần suy nghĩ: “Chọn nghề vì tình yêu động vật”. Mặc dù Hải nói như vậy, nhưng chúng tôi hiểu, để làm được nghề “bảo mẫu” cho những mãnh thú, không chỉ có tình yêu động vật thông thường mà còn phải có ý thức bảo tồn động vật hoang dã. Nhờ sự tận tình chăm sóc của các “bảo mẫu”, nhiều cá thể động vật quý hiếm đã ra đời ở Vườn Quý Vương. Nhiều loài gần như không xuất hiện hoặc rất hiếm ngoài tự nhiên như: Linh dương sừng mác, tê giác, hổ… hiện nay đang được tái đàn ngay trong môi trường nhân tạo. Chỉ tay về phía chuồng sư tử, Lưu Phúc Bảo (quê Ninh Hòa) - nhân viên Tổ nuôi thú dữ cho biết: “Đã chăm sóc thú thì ai cũng yêu thú như con. Mỗi lần thú bệnh, bỏ ăn bọn em rất sốt ruột. Nếu không nuôi dưỡng tốt thì ít ai có cơ hội được tận mắt nhìn ngắm những chú sư tử kia”.

Chia tay những người chăm sóc thú ở King’s Garden, chúng tôi vẫn còn cảm thấy sợ bởi tiếng gầm vang của những chú hổ trắng Bengal, tiếng gọi bạn tình của hà mã, gấu ngựa... Nhưng vang vọng trong thanh âm “hoang dại” là những tín hiệu mới về sự bảo tồn và nhân đàn động vật quý hiếm. Môi trường nuôi nhân tạo đã và đang cho những mãnh thú cơ hội thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Đình Lâm

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202010/bao-mau-cua-manh-thu-8187264/