Bảo mật thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử

Việc chuyển đổi từ căn cước công dân (CCCD) mã vạch, Chứng minh nhân dân (CMND) 09 số và 12 số sang thẻ CCCD gắn chip điện tử là nội dung rất được nhiều người quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến bảo mật.

Thẻ CCCD có gắn chip điện tử, còn gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Nó có giá trị chứng minh về CCCD và cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau. Thẻ CCCD gắn chip điện tử về cơ bản giống như thẻ CCCD mã vạch. Nhưng trên thẻ không có các dòng trạng thái thể hiện mã vạch mà nó sẽ thay thế bằng chip điện tử dung lượng lớn. Thẻ CCCD gắn chip sẽ lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và sinh trắc học.

Thẻ CCCD gắn chip bằng nhựa cứng đảm bảo độ bền lâu hơn, có độ bảo mật cao hơn, lưu trữ lượng thông tin lớn hơn. (Ảnh: Kinh tế và Đô thị)

So với CCCD sử dụng mã vạch, CMND 09 số và 12 số bằng phôi giấy thì thẻ CCCD gắn chip bằng nhựa cứng đảm bảo độ bền lâu hơn, có độ bảo mật cao hơn, lưu trữ lượng thông tin lớn hơn và có thể linh hoạt, mở rộng tích hợp thêm các thông tin, dữ liệu hay dịch vụ tiện ích trong tương lai. Khi thẻ CCCD gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ thông tin của các Bộ, ban ngành khác như thuế, bảo hiểm y tế, bằng lái xe và các loại giấy tờ có giá trị thì có thể phòng tránh được việc giấy tờ bị giả mạo, người dân đi giao dịch và làm thủ tục hành chính không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí. Ngoài ra, với thẻ CCCD gắn chip điện tử, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline, không cần đường truyền Internet.

Từ tháng 01/2021, các tỉnh, thành triển khai cấp CCCD gắn chip điện tử trên toàn quốc. Các đơn vị công an địa phương tiến hành cấp CCCD tại chỗ và lưu động đảm bảo mục tiêu hướng tới là đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp được 50 triệu thẻ CCCD. Các Bộ, ban ngành và UBND cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của mình vào chip điện tử trong thẻ CCCD hướng tới rút gọn, giảm tải các loại giấy tờ cho công dân trong thực hiện các dịch vụ hành chính công.

Đặc biệt, thẻ CCCD gắn chíp điện tử mang yếu tố bảo an, bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân. Việc tích hợp chíp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan công an. Dữ liệu trên chíp có thể được truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp giúp cho khâu xác thực danh tính được thực hiện ngay, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.

Chíp sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số nên khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện giao dịch. Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật, nhất là trong giao dịch tài chính. Theo Bộ Công an, mức độ bảo mật của chip rất cao nên thông tin định danh của công dân trên thẻ là không thể thay đổi, không thể giả mạo. Chỉ có chủ sở hữu thẻ mới sử dụng được, nếu có bị trộm cắp cũng không bị ảnh hưởng gì.

Ngoài ra, chíp được gắn trên thẻ CCCD để lưu trữ thông tin của công dân trên thẻ CCCD với mục tiêu tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử.

Hiện có khoảng 70 nước sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp điện tử, trong đó nhiều quốc gia châu Âu đề cao quyền cá nhân lên trên hết, có những quốc gia sử dụng từ những năm 1990. Quá trình nghiên cứu việc sử dụng chíp điện tử cho thấy, rất nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina khi gắn chíp điện tử và tích hợp thông tin liên quan đến bằng lái xe, tình trạng TNGT giảm hẳn, do đó bảo đảm tốt hơn quyền được sống, các quyền cơ bản nhất của người dân.

Đ.P

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/bao-mat/bao-mat-thong-tin-tren-the-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-dien-tu-274175.html