Bạo lực xâm hại tình dục trẻ em: Nguyên nhân do đâu?

Trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 70% trẻ em bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực tại nhà; khoảng 2.000 trẻ em bị quấy rối, xâm hại tình dục. Nhưng trong số đó chỉ có 75% vụ việc được báo cáo chính thức. Vì sao số trẻ em bị bạo lực, quấy rối tình dục lại cao như vậy?

Đó là những thông tin vừa được công bố tại Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Bạo lực học đường không còn là chuyện lạ (ảnh minh họa)

Bạo lực học đường không còn là chuyện lạ (ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2018, cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng (trong đó có 1.293 trẻ em bị xâm hại tình dục)

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, hiện nay trong xã hội, hiện tượng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng nhiều, không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có cả thầy cô giáo với học sinh… Thậm chí nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.

Điển hình là một số vụ việc gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua như nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng, quay clip tung lên mạng tại Hưng Yên; cô giáo ở Bà Rịa - Vũng Tàu đánh 22 học sinh vì mất trật tự... Các vụ bạo lực đã làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.

“Trong số các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) năm 2017 và 2018, có tới 59,06% trẻ em bị người quen, hàng xóm xâm hại tình dục; 21,12% bị xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...); giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03% và các đối tượng khác là 13,79%”, bà Nga cho hay.

Theo bà Nga, hiện công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, vẫn còn rất nhiều thách thức. Cụ thể, quy định pháp luật, chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, kiến nghị hoàn thiện. Ví dụ, quy định và hướng dẫn về việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định danh tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi chưa cụ thể; các quy định pháp lý về một quy trình tố tụng thân thiện, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, bắt đầu từ giám định pháp y cho đến xét xử, phục hồi, hòa nhập đối với trẻ em tham gia quá trình tư pháp chưa cụ thể, chậm sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường chưa được quan tâm đúng mức. Các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh chưa biết rõ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; việc tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thực hiện chưa đầy đủ.

Đặc biệt, công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, kịp thời và thường xuyên, nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có bạo lực, xâm hại tình dục, chưa được các thành viên của tổ chức, cộng đồng dân cư quan tâm, phát hiện và chung tay giải quyết theo đúng quy định của pháp luật...

Tại hội thảo, bà Lesley Miller - Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, bạo lực trẻ em gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng không những về thể xác mà về cả tinh thần, thậm chí dẫn đến việc trẻ bỏ học sớm, trở thành cha mẹ sớm và có những hành động nổi loạn khi trưởng thành.

“Hậu quả của tình trạng bạo lực ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế (chiếm 2% GDP). Chúng ta phải chấm dứt hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2020. Nếu không giải quyết triệt để thì hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn”, bà Miller nói.

Đưa ra giải pháp để đấu tranh với bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, bà Miller khuyến nghị: Việt Nam phải tăng cường khung khổ pháp lý phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Định nghĩa trẻ em là dưới 18 tuổi, cần được bảo vệ trước các bạo lực về thể xác, tinh thần và các hình thức khác. Bên cạnh đó, cần tăng cường hệ thống an sinh xã hội để phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả. Nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng này thì hậu quả kinh tế rất lớn.

Cũng theo bà Miller, Việt Nam cần có kế hoạch dài hạn, có thông điệp từ cấp cao nhất, giáo dục kỹ năng để trẻ em tự bảo vệ mình. Kế hoạch hành động quốc gia phải có sự điều phối giữa các ban, ngành khác nhau liên quan đến lĩnh vực này, cùng hợp tác để chấm dứt tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Phải xác định rõ ràng trách nhiệm của mỗi bộ, ngành và địa phương. Việc thực hiện phải được giám sát thường xuyên…

Trong số các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) năm 2017 và 2018, có tới 59,06% trẻ em bị người quen, hàng xóm xâm hại tình dục; 21,12% bị xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...).

Nguyễn Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bao-luc-xam-hai-tinh-duc-tre-em-nguyen-nhan-do-dau-534109.html