Bạo lực trong gia đình: Nỗi ám ảnh của trẻ em

Số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2.000 học viên các trường giáo dưỡng, cho thấy có khoảng 50% trẻ em đưa vào trường giáo dưỡng có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ.

Trẻ bị bố đánh cao gấp 6 lần so với mẹ

Theo các nhà xã hội học và các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bạo lực trong gia đình là do nhận thức gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ, nếu không muốn nói là còn bị xem nhẹ. Vẫn còn bậc phụ huynh cho mình quyền được hành hạ, đánh đập hoặc sử dụng các hình phạt đau đớn cả về thể xác và tinh thần đối với con của mình khi chúng phạm lỗi bởi quan niệm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Có trường hợp còn coi việc đánh con như một cách trút giận sau những áp lực của cuộc sống.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cũng chỉ ra 17% trẻ bị bố mẹ trừng phạt khi mắc lỗi bằng việc đánh, mắng. Hơn 26% học sinh từng bị thầy cô trừng phạt bằng các hình thức: cốc đầu, nhéo tai, phơi nắng...

Phiên tòa xét xử vụ án bố đẻ hành hạ con

Phiên tòa xét xử vụ án bố đẻ hành hạ con

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, bạo lực trẻ em là vấn nạn toàn cầu, có xu hướng gia tăng. Ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được hỗ trợ, can thiệp. "Đáng buồn phần lớn "thủ phạm" là người thân của các em", Cục trưởng Nam chia sẻ.

Cũng theo ông Nam, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, thứ hai thế giới phê chuẩn Công ước bảo vệ trẻ em, có nhiều bước tiến trong việc xây dựng khung pháp lý bảo đảm cho mọi trẻ em về môi trường sống. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định bất kỳ hành vi bạo lực xâm hại trẻ em nào đều bị coi là tình tiết tăng nặng với tội phạm.

Theo nhà xã hội học Lê Thị Quý, hành vi bạo lực, xâm hại để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực với trẻ. Sự đau đớn thể xác rồi sẽ qua đi, nỗi ám ảnh không thể xóa là "đau đớn tinh thần". Đứa trẻ sẽ trở nên tự ti, cô lập, lo âu, trầm cảm. Một nguy cơ rất cao khác là khi trẻ em bị dồn vào trạng thái cùng cực sẽ có ý nghĩ thôi thúc giải thoát bản thân bằng những việc làm tiêu cực.

Thời gian qua, đặc biệt trong các năm 2016 - 2107, báo chí đã lên tiếng phản ánh kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại/xâm hại tình dục trẻ em. Đặc biệt, Chính phủ đã quan tâm, có ý kiến chỉ đạo giải quyết một số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong xã hội. Thông tin, phát hiện về bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em qua báo chí là nguồn tin để các cơ quan, dịch vụ bảo vệ trẻ em vào cuộc hỗ trợ nạn nhân, xử lý thủ phạm.

Ngoài việc tiếp nhận, và xử lý các vụ việc được báo chí phản ánh trong năm 2017 (với khoảng 500 trẻ em là nạn nhân), các cơ quan chức năng còn thường xuyên tiếp nhận thông tin từ người dân, từ công tác nắm tình hình cơ sở. Trung bình mỗi năm có gần 2.000 trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại, chủ yếu là xâm hại tình dục được công an các cấp can thiệp, điều tra.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) cho biết nhiều nghiên cứu cho thấy hành vi xâm hại, bạo lực với trẻ em thường để lại những tổn hại nghiêm trọng, trong đó có phát triển trí não. Các chuyên gia thần kinh cảnh báo, sự phát triển thùy trước não bộ của những nạn nhân này sẽ bé hơn trẻ sống trong môi trường lành mạnh.

Bạo lực trẻ em, cha mẹ có thể bị phạt tiền tới 15 triệu đồng

Đây là nội dung dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng. Cụ thể, những hành vi bạo lực trẻ em như sau sẽ bị phạt tiền 10-15 triệu đồng: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại sức khỏe; bắt nhịn ăn, nhịn uống, hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác; gây tổn thương tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, chửi mắng, đe dọa, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ; dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ gây tổn hại về thể chất, tinh thần; thường xuyên đe dọa trẻ bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất với hành vi ép buộc trẻ đi ăn xin, cho thuê, cho mượn trẻ hoặc sử dụng trẻ em đi ăn xin; bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em, người vi phạm cũng bị xử phạt 10-15 triệu đồng. Với hành vi vi phạm trên, người vi phạm còn bị tịch thu số sản phẩm, hàng hóa, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được.

Mức phạt tiền 20-25 triệu đồng được áp dụng với hành vi bóc lột sức lao động trẻ em, bắt trẻ em lao động trước tuổi, quá thời gian, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật hoặc làm việc ở nơi mất an ninh trật tự, có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển của trẻ.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng với cha, mẹ, người chăm sóc bắt trẻ làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ; dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ bỏ học, nghỉ học…

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bao-luc-trong-gia-dinh-noi-am-anh-cua-tre-em-81150.html