Bạo lực súng đạn - Bài toán 'khó nhằn' với chính quyền Mỹ

Trong hai ngày cuối tuần qua, nước Mỹ lại chứng kiến thêm nhiều vụ xả súng, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Các vụ xả súng liên tiếp đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực súng đạn ở Mỹ. Người đứng đầu Nhà Trắng – Tổng thống Joe Biden đã phải dùng từ 'đại dịch' để mô tả về vấn nạn này.

Hơn 200 vụ xả súng kể từ đầu năm đến nay

Các vụ xả súng mới nhất trong hai ngày cuối tuần qua xảy ra tại các bang New Jersey, South Carolina, Georgia, Ohio và Minnesota.

Cảnh sát địa phương cho biết 2 người đã thiệt mạng và ít nhất 12 người bị thương khi xảy ra vụ nổ súng tại một bữa tiệc gia đình ở thị trấn Camden, bang New Jersey tối 22/5. Vụ tấn công tại một buổi hòa nhạc ở bang South Carolina đã khiến một thiếu niên 14 tuổi thiệt mạng và 14 người bị thương.

 Cảnh sát sơ tán người dân khỏi hiện trường vụ xả súng ở siêu thị thành phố Boulder, bang Colorado, Mỹ ngày 22/3/2021. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Cảnh sát sơ tán người dân khỏi hiện trường vụ xả súng ở siêu thị thành phố Boulder, bang Colorado, Mỹ ngày 22/3/2021. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Cảnh sát thành phố Atlanta, bang Georgia, rạng sáng 23/5 đã xác nhận 3 nạn nhân tử vong tại hiện trường một vụ xả súng. Trong khi đó, số nạn nhân trong vụ tấn công một quán bar ở thành phố Youngstown, bang Ohio là 3 người thiệt mạng và 8 người bị thương. Thêm vào đó, một thiếu nữ 16 tuổi bị sát hại và 7 người bị thương trong vụ xả súng ở công viên thành phố Columbus.

Tại bang Minnesota, một vụ nổ súng đẫm máu cũng đã xảy ra tại thành phố Minneapolis vào đêm 22/5 trước khi những người ủng hộ và thân nhân của nạn nhân da màu George Floyd (người bị một cựu cảnh sát da trắng ghì cổ dẫn tới tử vong hồi tháng 5 năm ngoái) tổ chức một cuộc tuần hành đánh dấu một năm sau cái chết của người đàn ông này. Vụ nổ súng đã khiến một người tử vong và 8 người bị thương, trong đó một trường hợp bị thương nghiêm trọng.

Những con số thương vong trong các vụ xả súng liên tiếp nói trên cho thấy, bạo lực súng đạn đã thực sự là vấn đề nhức nhối ở Mỹ. Chỉ trong hai ngày cuối tuần, có 12 người thiệt mạng và 49 người bị thương vì súng đạn!

Thống kê của giới chức Mỹ cũng cho thấy, năm 2020 là một trong những năm bạo lực nhất tại Mỹ trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Theo trang web lưu trữ thông tin về bạo lực súng đạn tại Mỹ, tính từ đầu năm 2021 đến nay, đã có ít nhất 200 vụ xả súng ở nước này. Ngoài ra, mỗi năm, Mỹ ghi nhận gần 40.000 người thiệt mạng trong các vụ án liên quan đến súng đạn và hơn một nửa trong số đó là thiệt mạng do tự sát.

Vì sao các vụ xả súng ở Mỹ không giảm?

Trong một sự kiện của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: "Bạo lực súng đạn là một dịch bệnh cần phải ngăn chặn. Đó là nỗi hổ thẹn với quốc tế. Cầu nguyện đủ rồi, đã đến lúc phải hành động". Sau khi chứng kiến nhiều vụ xả súng đẫm máu kể từ khi bắt đầu nhậm chức (vào tháng 1/2021), Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ vào đầu tháng 4 vừa qua đã công bố 6 sắc lệnh hành pháp liên quan tới vấn đề sở hữu và bạo lực súng đạn ở Mỹ. Đây được coi là bước đi mới nhất của ông Biden nhằm hiện thực hóa lời hứa đã đưa ra với các cử tri trong giai đoạn tranh cử. Ông Biden cho rằng, các sắc lệnh hành pháp này sẽ giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng về kiểm soát súng đạn tại Mỹ.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng đây chỉ là bước khởi đầu và thời gian tới, ông sẽ tiếp tục kêu gọi Quốc hội Mỹ xem xét và triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng buộc phải ưu tiên dành những tháng đầu nhiệm kỳ để tập trung vào chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và thúc đẩy các biện pháp kích cầu phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.

Bên trong một cửa hàng bán súng ở Merrimack, thuộc bang New Hampshire của Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

Và kiểm soát súng đạn không phải là câu chuyện có thể giải quyết trong ngày một ngày hai ở Mỹ, khi mà vấn đề này vốn là một chủ đề gây chia rẽ nước Mỹ trong nhiều năm qua. Dù việc sở hữu vũ khí là một trong những quyền quan trọng được ghi trong Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ, song trong suốt phần lớn chiều dài lịch sử nước Mỹ, kiểm soát súng luôn trở thành một vấn đề gây chia rẽ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Dựa trên các quan điểm khác nhau về giá trị tự do và bình đẳng, hai đảng hàng đầu của Mỹ thường thúc đẩy các chính sách đối ngược nhau về vấn đề này.

Phần lớn nghị sĩ Cộng hòa phản đối mạnh việc hạn chế súng, cho rằng dự luật như vậy sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ về quyền sở hữu súng trong khi không giúp người dân Mỹ an toàn hơn. Trong khi đó, đảng Dân chủ muốn có những đạo luật mới để kiềm chế bạo lực súng đạn tại Mỹ và để đảm bảo vũ khí không rơi vào tay những phần tử nguy hiểm.

Cùng với đó, việc sử hữu số lượng súng đạn lớn của người dân Mỹ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ xả súng. Một thống kê cho thấy, mặc dù nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng họ lại sở hữu tới 40% số lượng súng đạn trên toàn cầu.

Trong khi đó, kết quả một cuộc thăm dò dư luận do tổ chức khảo sát Harvard CAPS-Harris công bố ngày 29/3 cho thấy, gần một nửa số người dân Mỹ được hỏi cho rằng hầu hết các vụ bạo lực súng đạn đều xuất phát từ việc người dân dễ dàng tiếp cận các loại súng. Cụ thể, 44% số người tham gia khảo sát cho rằng nguyên nhân của bạo lực súng là do các quy định sở hữu súng đạn lỏng lẻo ở Mỹ. Trong khi đó, 29% số ý kiến đề cập đến các băng nhóm tội phạm ở thành thị và 27% số người được hỏi cho rằng nguyên nhân xuất phát từ các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Thực tế trên cho thấy, giải quyết tình trạng bạo lực và kiểm soát súng đạn sẽ vẫn là bài toán "khó nhằn" với chính quyền Mỹ, dưới thời các Tổng thống. Và dĩ nhiên, Tổng thống Joe Biden không nằm ngoài số đó. Cùng với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, “đại dịch” bạo lực súng đạn sẽ là một thách thức lớn, đặt áp lực lên vai người đứng đầu Nhà Trắng trong việc giải quyết những vấn đề của đất nước./.

Kiều Giang

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/bao-luc-sung-dan-bai-toan-kho-nhan-voi-chinh-quyen-my-581397.html