Bạo lực sân cỏ - Vấn nạn của bóng đá Indonesia

Sự việc xảy ra hôm 1/10 được coi là một trong những thảm kịch kinh hoàng nhất trên sân cỏ, gây ám ảnh cho những người yêu thể thao trên toàn thế giới. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên những CĐV quá khích của Indonesia ẩu đả, tấn công lẫn nhau và đe dọa an ninh trận đấu. Vấn đề bạo lực và quản lý lỏng lẻo đã che phủ nền bóng đá nước này từ lâu.

Tờ The Strait times đăng bài viết nhận xét: bạo lực từ lâu đã trở thành vấn nạn của bóng đá Indonesia. Bóng đá là môn thể thao được ưa thích nhất tại nước này, thu hút số lượng lớn cổ động viên, tuy nhiên môn thể thao này đã bị hoen ố bởi tình trạng côn đồ, và quản lý yếu kém. Với những vấn đề cả trong và ngoài sân cỏ, năm 2015 Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) đã bị FIFA cấm tham gia các hoạt động bóng đá quốc tế do chính phủ can thiệp quá sâu vào công việc điều hành bóng đá. Lệnh cấm đã được dỡ bỏ một năm sau đó sau một loạt các cải cách. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực sân cỏ vẫn không thay đổi.

Trang Business standard dẫn dữ liệu từ cơ quan giám sát bóng đá của Indonesia, Save Our Soccer, cho biết 78 người đã thiệt mạng vì các sự cố liên quan đến môn thể thao này trong 28 năm qua.

Người hâm mộ bóng đá đã cáo buộc lực lượng an ninh đã nặng tay trong quá khứ. Còn với vụ bạo loạn vào cuối tuần qua, với các nhân chứng mô tả cảnh sát đã trấn áp mạnh tay, đồng thời bắn hơi cay vào đám đông.

Năm 2016, cảnh sát bị buộc tội liên quan tới cái chết của 1 người hâm mộ 16 tuổi, dẫn đến các cuộc biểu tình lớn. Các nhà phân tích cho rằng cảnh sát đã vi phạm các quy định về an ninh và an toàn của FIFA, trong đó không cho phép sử dụng hơi cay với cổ động viên. Có ý kiến cho rằng, Liên đoàn bóng đá Indonesia có thể đã sơ suất khi không thông báo với cảnh sát về các thủ tục an ninh tại một trận đấu bóng đá không giống với các thủ tục tại một cuộc biểu tình.

Cũng đưa tin về chủ đề này, tờ The Guardian của Anh cho rằng, cảnh sát Indonesia đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn về cách xử lý vụ bạo loạn. Ba nhân chứng nói với The Guardian rằng hơi cay không chỉ được bắn vào người hâm mộ trên sân, mà còn ở những đám đông vẫn còn trên khán đài và không có cảnh báo nào được đưa ra. Tuy nhiên cảnh sát trưởng Đông Java, Nico Afinta, đã bảo vệ phản ứng của lực lượng tại một cuộc họp báo và cho biết các biện pháp khác đã được thực hiện trước khi sử dụng hơi cay nhưng người hâm mộ “bắt đầu tấn công cảnh sát, hành động vô chính phủ và đốt xe”.

Bài viết nhận xét "Bạo lực sân cỏ là một vấn nạn từ lâu của Indonesia, được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các đội". Tuy nhiên, những sự cố trước đó không nghiêm trọng như sự việc hôm 1.10, một trong những thảm họa ở sân vận động thể thao tồi tệ nhất trên thế giới.

Thực hiện : Vân Hương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bong-da-indonesia-che-phu-boi-bao-luc-quan-ly-long-leo