Bạo lực ở biên độ nào cũng không phải là dạy dỗ

Ngay sau khi clip một cô giáo ở Tân Phú đánh trẻ thô bạo được đưa lên truyền thông, đã có hai luồng ý kiến tranh cãi xung quanh câu chuyện này.

Bên cạnh những người phản đối bạo lực học đường, phản đối phương pháp phản sư phạm của cô giáo thì cũng rất nhiều người cho rằng chuyện không có gì ầm ĩ. Trong đó nhiều người cho rằng: “Tôi cũng đã bị đòn roi nghiêm khắc, rồi cũng thành đạt, có sao đâu”. Hoặc có người góp ý: “Đánh vài cái thì được, đánh mạnh thì không nên”.

Bên cạnh những người phản đối bạo lực học đường, phản đối phương pháp phản sư phạm của cô giáo thì cũng rất nhiều người cho rằng chuyện không có gì ầm ĩ. Trong đó nhiều người cho rằng: “Tôi cũng đã bị đòn roi nghiêm khắc, rồi cũng thành đạt, có sao đâu”. Hoặc có người góp ý: “Đánh vài cái thì được, đánh mạnh thì không nên”.

Nhiều người lớn đã rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa kinh nghiệm cá nhân để đánh giá sự việc theo góc nhìn chủ quan hạn hẹp đó. Bạn không bị ám ảnh và tổn thương bởi đòn roi không có nghĩa là người khác cũng như thế. Bạn thấy vài cái tát không là vấn đề gì không có nghĩa là sức chịu đựng của người khác cũng như thế. Đã có rất nhiều người trưởng thành vẫn phải chật vật chung sống với những tổn thương do bị bạo hành thời thơ ấu và những vết thương đó vĩnh viễn không có cơ hội tự chữa lành nếu không có sự giúp đỡ, can thiệp của các chuyên gia tâm lý.

Chọn đòn roi, dù ở cái gọi là “biên độ chấp nhận được” thì bạn đã chọn cách dễ nhất nhưng cũng vô trách nhiệm nhất để giáo dục con trẻ. Bạo lực từ giáo dục sẽ hình thành trong nhận thức của trẻ em rằng con người có quyền dùng bạo lực trong trường hợp nào đó. Bạo lực cũng làm cho trẻ em nhận thức sai về nhân quyền, về lòng tự trọng, tự tôn. Bởi vậy, khi xã hội đang trả giá cho việc bạo lực tràn lan hiện nay, từ trong gia đình ra ngoài xã hội, một phần trong đó là do nền giáo dục gia đình và nhà trường không khước từ bạo lực.

Thật trùng hợp, ngày 7-10, sau một ngày clip được phổ biến trên mạng thì Hội Bảo vệ quyền trẻ em phối hợp với Viện Nghiên cứu - phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã tổ chức buổi tập huấn, hội thảo “Sự tham gia của trẻ em trong truyền thông bảo vệ trẻ em”. Đây là một phần của chiến dịch Lan tỏa yêu thương, yêu thương đẩy lùi bạo lực 2019. Những ý kiến của các chuyên gia trẻ em đã được đưa ra trước tình trạng trẻ em vẫn đang phải hứng chịu bạo lực từ người lớn.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Oanh (Học viện Báo chí tuyên truyền) nói: “Nhiều người vẫn bảo rằng thương cho roi cho vọt. Nếu còn nhận thức như vậy thì tình trạng trẻ em bị bạo hành vẫn xảy ra dài dài. Bạo lực nối tiếp như một chuỗi mắt xích, nhiệm vụ chúng ta phải tháo mắt xích của mình ra”. Trong khi đó thì các môn học phương pháp sư phạm, tâm lý sư phạm trong các trường sư phạm luôn phản đối bạo lực thì lẽ gì các thầy cô vẫn thỏa hiệp với bạo lực như một phương pháp giáo dục?

ThS Nguyễn Trọng Tiến (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng trừng phạt trẻ bằng đòn roi hay mắng chửi đều là ngược đãi trẻ em và vi phạm quyền trẻ em. Người lớn rất cần học kỹ năng làm cha mẹ để biết rằng có rất nhiều cách để giáo dục con trẻ mà không dùng đến roi vọt.

Để bọn trẻ được lớn lên an toàn, giải pháp không phải là lắp camera hay kỷ luật cô giáo “quá tay”. Giải pháp là người lớn phải thay đổi nhận thức, tôn trọng quyền trẻ em, nói không với bạo lực, dạy trẻ không dùng bạo lực.

HỒNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/bao-luc-o-bien-do-nao-cung-khong-phai-la-day-do-862622.html