Bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á, người châu Á ở Mỹ tăng mạnh

Số vụ bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á, người châu Á ở Mỹ tiếp tục tăng mạnh dù Washington có các hành động chính trị và chiến dịch nâng cao nhận thức công chúng về vấn đề này.

Một cậu bé tham gia cuộc tuần hành kêu gọi chấm dứt tình trạng thù ghét người châu Á ở bang California, Mỹ hôm 3/4. Ảnh: Xinhua

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan và thù ghét – Đại Bang California, trong quý I, tại 16 thành phố lớn của Mỹ, số vụ phạm tội vì thù ghét, kì thị người Mỹ gốc Á, người châu Á tăng hơn 164% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, tổ chức xã hội phi lợi nhuận Stop AAPI Hate (được thành lập năm 2020 nhằm theo dõi các vụ việc phân biệt đối xử, thù ghét, bài ngoại đối với người Mỹ gốc Á ở Mỹ), thống kê được hơn 6.600 vụ thù ghét được ghi nhận trong năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ. Hơn 1/3 số vụ việc này xảy ra trong tháng 3 vừa qua, trong đó có vụ xả súng đẫm máu ở thành phố Atlanta khiến tám người chết, gồm sáu phụ nữ gốc Á.

Phần nổi của tảng băng

Hôm 4/5 (giờ Mỹ), một người đàn ông bị bắt với cáo buộc vô cớ dùng sao đâm hai phụ nữ châu Á ở trung tâm thành phố San Francisco. Cuối tuần qua, ở thành phố New York, một phụ nữ đòi hai phụ nữ châu Á bỏ khẩu trang ra, rồi dùng búa đập đầu một người. Ông Russell Jeung, đồng sáng lập Stop AAPI Hate, nói: “Tôi nghĩ nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn khá nặng nề và tình trạng giận dữ nhằm vào người châu Á vẫn khá cao”.

Tháng trước, Thượng viện Mỹ thông qua luật nhằm chống tội ác vì thù ghét người Mỹ gốc Á và dân đảo Thái Bình Dương (người gốc Polynesia, Micronesia hoặc Melanesia). Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một chỉ thị liên bang lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và hành xử mạnh tay với người Mỹ gốc Á. Ông cũng liên tục bày tỏ lo ngại về sự leo thang bạo lực.

Tuy nhiên, các tuyên bố chính trị là không đủ để cản đà tăng bạo lực, theo giáo sư Brian Levin, tác giả báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan và thù ghét. Ông Levin nói: “Ngay cả khi Tổng thống Biden và Quốc hội đã có những nỗ lực đáng ngưỡng mộ, vẫn còn một tiểu văn hóa dễ bị tổn thương bởi định kiến ở mức độ nông hoặc mức độ rất sâu. Ngay cả người có định kiến thấp, mức độ nông cũng có thể hành động bạo lực dựa trên các yếu tố tình huống”. Ông Levin (người theo dõi các vụ phạm tội vì thù ghét gần 30 năm qua) cho rằng, số vụ thù ghét người châu Á, gốc Á có thể tiếp tục tăng sau khi tăng 146% trong năm 2020. “Đây là mức tăng kỷ lục, đòi hỏi các lãnh đạo dân sự, nhà giáo dục, nhà ra chính sách và lực lượng thực thi pháp luật có hành động ngay lập tức”, ông nói.

Giáo sư Levin cho rằng, dù giải quyết vấn đề cần một giải pháp “toàn xã hội”, nhưng các vấn đề “cấp bách nhất” nằm ở lĩnh vực thực thi pháp luật. Theo ông, số vụ việc gia tăng có thể là do thêm nhiều nạn nhân báo cảnh sát; nhiều vụ chìm trong im lặng, hầu như không ai biết đến vì không được báo cáo. Vì vậy, cần có thêm dữ liệu để đánh giác chính xác quy mô vấn đề. Theo Cục Thống kê tư pháp của Mỹ, chưa đến một nửa số nạn nhân báo cảnh sát.

Ông Levin nói rằng, một số nơi như New York đã làm tốt việc thống kê số vụ phạm tội vì thù ghét; thành phố này đã thành lập lực lượng chuyên trách chống phạm tội vì thù ghét người gốc Á, người châu Á. Tuy nhiên, nhiều nơi khác không làm được như vậy. Alabama là bang duy nhất ở Mỹ không ghi nhận bất kỳ vụ việc nào trong năm 2019, ông nêu ví dụ.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-luc-nham-vao-nguoi-my-goc-a-nguoi-chau-a-o-my-tang-manh-post1334498.tpo