Bạo lực lớn, thay đổi nhỏ

Những tuần biểu tình phản đối dữ dội và bạo lực tại tỉnh Basra của Iraq đã đẩy các khối chính trị nhất trí về một thỏa thuận chính trị có thể mang lại những thay đổi nhỏ trên bản đồ chính trị quốc gia Nam Á này.

Các khối chính trị Iraq có những khác biệt sâu sắc và đàm phán gay gắt trong nhiều tháng qua để hình thành chính phủ mới, và cho đến nay, kết quả là đã bầu ra Chủ tịch Quốc hội Mohammed al-Halbousi và hai vị phó trong vài ngày qua. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước, đó là bầu tổng thống và tìm ra giải pháp cho thách thức lớn nhất của liên minh lớn nhất sẽ hình thành một chính phủ mới trong 4 năm tới.

Quan cảnh chính trị trở nên hỗn loạn kể từ khi một nhóm khối quốc hội do Liên minh Sairoon đứng đầu, được hậu thuẫn bởi giáo sĩ Shiite Moqtada al-Sadr, và khối Al-Nasr của Thủ tướng Haider al-Abadi, thông báo về liên minh lớn nhất có tên là “Cải cách và Xây dựng”. Các khối khác gồm Liên minh al-Fatih được Iran hậu thuẫn, nhà lãnh đạo bán quân sự Hashd Shaabi Hadi al-Ameri, và cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, cũng tuyên bố liên minh lớn nhất có tên “Tòa nhà”.

Tranh cãi chính trị về liên minh lớn nhất được cho là nguyên nhân khiến việc hình thành một chính phủ mới bị chậm lại. Và động cơ gây ra làn sóng biểu tình ở Basra được cho là do hiệu suất hoạt động yếu kém của các chính phủ trước đó, bao gồm cả chính phủ của Thủ tướng Abadi. Bây giờ, sự hình thành liên minh lớn nhất có thể thay đổi, khi liên minh Sairoon của ông Sadr đang đàm phán với al-Fatih của ông Ameri để thảo luận về một ứng viên duy nhất cho vị trí thủ tướng tiếp theo.

Có một thỏa thuận ban đầu giữa al-Fatih và Sairoon rằng, phải có một sự nhất trí về thủ tướng tiếp theo phù hợp với các điều kiện do Marjiyah (cơ quan tôn giáo) đặt ra. Những thay đổi như vậy trong quá trình đàm phán “giải thích tại sao ông Abadi nói rằng sẽ không giữ chức thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ hai”. Sự ra đi của ông Abadi sẽ là chiến thắng cho ảnh hưởng của Iran tại Iraq vì ông đã tuyên bố sẽ tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Cả hai ông Sadr và Ameri đã đề xuất ứng viên có thể cho chức thủ tướng, trong đó có chính trị gia Shiite Adel Abdul-Mahdi, từng là Bộ trưởng tài chính. Tuy nhiên, ông Mahdi xem ra khó có thể thành công do ảnh hưởng chính trị của ông này không lớn.

Ông Sadr liên tục bày tỏ mong muốn các thành viên chính phủ “độc lập và kỹ trị” nhưng ông đang đối mặt với sự phản đối của một số chính trị gia và các đảng chính trị hàng đầu. Nhiều đảng chính trị của đất nước xây dựng các lực lượng dân quân của riêng và đạt được ảnh hưởng và quyền lực trong suốt nhiều năm qua trên khắp đất nước sau năm 2003. Không ai trong số họ sẵn sàng đánh mất lợi ích của họ.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_195785_bao-luc-lon-thay-doi-nho.aspx