Bạo lực học đường xét từ góc độ gia đình

Bạo lực học đường, chuyện không mới nhưng chiều hướng gia tăng và mức độ tàn bạo của nó thời gian qua đã trở thành điểm nóng báo động đối với toàn xã hội.

Vì đâu nạn bạo lực học đường càng ngày càng làm chúng ta lo ngại. Có thể do rất nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân ấy xuất phát từ phía gia đình.

Trò chuyện với một vài cô bé ở những địa phương khác nhau có tham gia trò đánh bạn, người viết rút ra được một mẫu số chung là các em thường được nuông chiều từ bé, bố mẹ không quan tâm hoặc quan tâm quá mức đến đời sống vật chất khiến các em trở thành ích kỷ, ít biết thương yêu người khác ngoài bản thân mình. Trường hợp thứ hai là các cháu sống trong một gia đình mà người lớn thường giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Các em quen nhìn thấy cảnh đánh nhau nên cho đó là chuyện bình thường.

Ở nhà cháu, bố cháu cứ ngứa mắt là đánh cháu. Cháu ra ngoài cũng thế. Đứa nào ngứa mắt là cháu đánh thôi.

Ở nhà cháu, bố cháu cứ ngứa mắt là đánh cháu. Cháu ra ngoài cũng thế. Đứa nào ngứa mắt là cháu đánh thôi.

Một cô bé sinh năm 2000 ở Thái Bình, bỏ học vì tham gia đánh bạn, được hỏi làm sao cháu đánh bạn đau đến thế? Cháu bảo, chúng cháu vốn chơi thân với nhau, nhưng nó làm cháu bực mình. Chỉ có thế thôi mà lập hội kéo bạn mình vào nhà vệ sinh của trường, đánh và dúi đầu bạn vào bồn cầu, sau đó sợ quá không dám về nhà, rủ ngay cô bạn đánh cùng mình trốn lên thị xã Thái bình. Ở chung phòng với ba đôi cũng đang tuổi học sinh, dạt nhà, một nhóm cả nam lẫn nữ gồm mấy đôi và cả hai cô bé kia ngủ chung trên hai cái giường. Chính cô bé kia phải thốt lên là một cuộc sống kinh tởm và tạm bợ, ăn uống tạm bợ, cô không thể chịu đựng nổi.

Thật ra thì ai cũng biết, cái việc đánh bạn chỉ là trò hư hỏng trong vết trượt của cô bé ấy thôi, chứ chắc chắn trước đó tư tưởng cô bé đã lệch lạc, đã chơi với những đám bạn hư hỏng rồi mới dẫn đến như vậy.

Hỏi một cô bé khác đang học cấp hai. Tại sao các cháu không giải quyết mâu thuẫn bằng cách nói chuyện cho bạn hiểu. Cô bé bảo nói làm gì cho mệt hả cô, cứ đánh cho nhanh, ở nhà cháu, bố cháu cứ ngứa mắt là đánh cháu. Cháu ra ngoài cũng thế. Đứa nào ngứa mắt là cháu đánh thôi.

Sự thiếu quan tâm của cha mẹ khiến trẻ có cảm giác cô đơn, thiếu tình yêu thương dễ dẫn đế bạo lực

Từ lúc rất bé, các cháu đã hấp thụ cái cách giải quyết mâu thuẫn từ gia đình là không vừa ý thì chỉ có đánh, mắng chửi, chứ không còn cách nào khác.

Những đứa bé trai lêu lổng gia đình đau lòng một phần, thì những bé gái hư hỏng bậc làm cha mẹ đau lòng gấp đến mười lần vì con gái vốn là đối tượng dễ bị lạm dụng và tổn thương nhiều nhất.

Xét từ góc độ gia đình, một số phụ huynh thiếu quan tâm đến con cái, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư và những diễn biến tâm sinh lý, tình cảm của con cái để kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc. Một số khác lại chiều chuộng thái quá hình thành nên sự đòi hỏi thái quá vì trẻ con chưa biết nhận thức đủ và đúng. Chúng chỉ biết đòi và đòi nếu bạn cứ đáp ứng, đáp ứng. Yêu thương con không phải là cách cho con thật nhiều, đòi gì được nấy, chưa đòi đã được, ganh đua cho con mình bằng con người khác.

Yêu thương con là cho con một đời sống thật bình yên. Ngôi nhà bình yên, trong đó đứa trẻ được quan tâm vừa đủ. Được học cách làm việc, học tập phù hợp với lứa tuổi. Được học cách biết san sẻ niềm vui nỗi buồn với những người xung quanh, biết trân trọng bản thân mình và thương yêu gia đình nữa.

Thật ra mọi lý thuyết cũng chỉ là lý thuyết suông. Nhưng chốt lại vấn đề là nên thương yêu con vừa đủ. Ngay cả khi chúng có mắc vài sai lầm, thì cũng hãy nhìn nhận hết sức bao dung. Lúc ấy hãy vì đứa trẻ, từ từ dạy bảo uốn nắn chứ đừng gắn cái tôi, cái sỹ của cha mẹ vào mà đánh đập, đòn roi bạo lực quá đáng với chúng. Biết cách dạy bảo và làm điểm tựa cho con, trẻ sẽ trở thành người tử tế.

Thành công lớn nhất của cuộc đời mỗi chúng ta không phải làm được bao nhiêu tiền để lại cho đời sau mà là sinh ra và nuôi dưỡng được những đứa trẻ thành người lương thiện.

LOAN NGẪN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/bao-luc-hoc-duong-xet-tu-goc-do-gia-dinh-19293.html