Bạo lực học đường ngày càng gia tăng với chiều hướng phức tạp

Đó là một trong những vấn đề được bàn luận và có nhiều ý kiến tại Hội thảo khoa học 'Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An - thực trạng và giải pháp'.

Chiều 27/9, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo Khoa học “Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An - thực trạng và giải pháp”.

Chủ trì hội nghị có GS.TS, NGƯT Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thành Cường

Chủ trì hội nghị có GS.TS, NGƯT Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thành Cường

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh vấn đề an ninh, an toàn trong trường học đáng lo ngại làm ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả giáo dục, đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 23 vụ bạo lực học đường, trong đó có nhiều vụ việc khá nghiêm trọng như vụ đánh nhau giữa nhóm học sinh nữ với một học sinh khác ở Trường THCS Diễn Kim và Diễn Hùng, vụ học sinh lớp 5 - Trường Tiểu học Cửa Nam 1 dùng dao đâm bạn, vụ một học sinh tiểu học ở Nghi Lộc bị xâm hại...

Bên cạnh đó, hình thức, biểu hiện của bạo lực khá phức tạp và diễn ra ở mọi bậc học như bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực sao nhãng hoặc đối xử thờ ơ với trẻ em.

Từ thực tế này, tại hội thảo đã có 45 tham luận của các ban, ngành và các đơn vị, tập trung vào việc phân tích thực trạng môi trường giáo dục, nguyên nhân làm cho môi trường giáo dục thiếu an toàn, lành mạnh.

Cụ thể, theo các đại biểu, ngoài nguyên nhân từ phía học sinh như tâm lý lứa tuổi, tính cách, giới tính thì còn nhiều nguyên nhân từ phía nhà trường.

Hiện có không ít trường học chủ yếu chỉ quan tâm đến giáo dục văn hóa, thi cử chứ không quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng, nhân cách; một số giáo viên thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, thiếu phương pháp giáo dục kỷ luật tính cực.

Đại diện Công an tỉnh Nghệ An với tham luận nói về công tác phối hợp giữa ngành giáo dục trong đảm bảo an toàn, an ninh trường học. Ảnh: Thành Cường

Việc giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo cũng phần nào ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người giáo viên ở các nhà trường và tạo ra dư luận xấu trong xã hội.

Với những bất cập trên, các tham luận cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Đó là thành lập các tổ tư vấn học đường, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, tăng cường dạy kỹ năng sống và phát huy vai trò của người đứng đầu nhà trường.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục kỹ năng sống ở các nhà trường. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Đồng thời cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các tổ chức, ban ngành liên quan trong việc giáo dục học sinh sao cho phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học và phù hợp với tình hình thực tế của Nghệ An.

Mỹ Hà

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/bao-luc-hoc-duong-ngay-cang-gia-tang-voi-chieu-huong-phuc-tap-254763.html