Bạo lực học đường: Gia đình phải là nơi đầu tiên quan tâm, giáo dục nhân cách cho con em mình

Việc xuất hiện clip nam sinh tát cô giáo mới đây hay những vụ học sinh, sinh viên ra tay đánh thầy giáo, cô giáo chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ như bị thầy cô nhắc nhở về việc ăn mặc, làm bài tập... xảy ra ngày càng nhiều khiến xã hội lo sợ về việc văn hóa học đường đang xuống cấp trầm trọng, những giá trị đạo đức cốt lõi bị đảo lộn, truyền thống tôn sư trọng đạo đang bị mai một.

Đạo đức học đường bị xuống cấp

Từ chiều ngày 17/2/2021, trên mạng xã hội lan truyền một clip quay lại cảnh một nam sinh đã thẳng tay tát vào mặt cô giáo ngay trên bục giảng. Sự việc đang được các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ nhưng cũng đang làm dư luận bức xúc, lo lắng về việc đạo đức học đường bị xuống cấp.

Hình ảnh được cho là nam sinh tát cô giáo ngay trên bục giảng. Ảnh: cắt từ clip.

Hình ảnh được cho là nam sinh tát cô giáo ngay trên bục giảng. Ảnh: cắt từ clip.

Cụ thể, trong đoạn clip dài 16 giây ghi lại cảnh một nam sinh viên mặc áo sơ mi trắng, quần đen ở phía dãy bàn học cuối lớp hô lớn "cô phải trả lại", rồi chửi tục. Sau đó, nam sinh này đứng dậy đi thẳng lên bục giảng, mặc cho các bạn trong lớp can ngăn "thôi, thôi". Tuy vậy, nhưng nam sinh này vẫn tiến đến bàn giáo viên cầm lấy cái điện thoại để trên bàn, rồi quay sang tát thẳng vào mặt cô giáo và quay lưng đi thẳng về chỗ ngồi. Sự việc xảy ra quá nhanh, khiến cô giáo không kịp phản ứng, các học sinh trong lớp hết sức ngỡ ngàng.

Cũng trong thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, điển hình như vụ thầy giáo ở Trường THPT Trần Quang Diệu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, bị học sinh dùng cây sắt đánh bầm tím vùng thái dương, ngực và lưng; rồi các vụ phụ huynh xông vào trường hành hung, bắt cô giáo phải quỳ gối ở Long An; cô giáo thực tập tại Trường Mầm non Việt Lào (TP Vinh, Nghệ An) bị phụ huynh xông vào túm tóc, đá vào bụng… khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ.

Trở lại sự việc trong clip nam sinh tát giáo viên, hiện tại dù chưa xác minh được tính chân thực của clip này có xảy ra thật hay không, song trên mạng xã hội và dư luận đã có hàng nghìn ý kiến thể hiện sự phẫn nộ trước hành động vô lễ, khó có thể chấp nhận được của nam sinh, nhất là sau nhiều vụ bạo hành giữa giáo viên và học sinh xảy ra vừa qua. Hầu hết các ý kiến lên án hành vi trên và đề nghị nhà trường có hình phạt thích đáng đối với nam sinh này.

Bên cạnh đó, cũng nhiều giả thiết được đưa ra, nếu học sinh này hoàn toàn bình thường về trí tuệ mà đánh giáo viên là hành động không thể chấp nhận và phải xử nghiêm hành vi phản cảm, phi giáo dục. Còn giả thiết học sinh này có vấn đề về thần kinh thì việc học sinh nào đó quay clip rồi tung lên mạng cũng là một tội ác vì các em đã vô cảm, đã cười cợt, chế giễu khuyết tật và hạn chế của bạn bè.

Có ý kiến bày tỏ bất ngờ, thậm chí nghi ngờ clip có sự cắt ghép như độc giả Nguyễn Đình Tuấn chia sẻ "xem mà thấy đau lòng". Tài khoản Xuân Lê bức xúc: "Không thể dung thứ, xử lý theo luật ngay và luôn". "Cậu ta nghĩ gì mà làm như vậy. Cô giáo cũng như bố mẹ mà dám đánh chửi, sỉ nhục. Ý thức quá tệ!", tài khoản Minh Vân viết. "Thời mình đi học, học sinh luôn sợ thầy cô một phép, đến cười đùa trong lớp cũng không dám chứ đừng nói tát thẳng mặt cô như thế này. Thật không thể tin nổi", một độc giả chia sẻ.

Thầy giáo Đặng Minh Thủy, trường THCS Tân Thành (Nghệ An) bị người nhà học sinh đánh gẫy sống mũi.

Cần sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu clip nói trên là sự thật thì thật sự đau lòng, bởi gần đây, các sự việc bạo lực giữa học sinh và giáo viên đang có chiều hướng gia tăng. Đồng thời, PGS Trần Thành Nam đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đã dạy cho học sinh kỹ năng sống, giá trị sống như thế nào. Đã huấn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc cho học sinh ra sao. Chúng ta đã dạy cho có hay dạy để thực sự hình thành kỹ năng, năng lực. Việc clip được chia sẻ trên mạng xã hội, có làm giảm hành vi ứng xử bạo lực của học sinh không, hay sẽ gây ra một chuỗi thù hận và trả đũa khác?

Nhiều chuyên gia xã hội học, chuyên gia tâm lý, các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh cho rằng đây là một hiện tượng đáng báo động, cần tìm ra nguyên nhân dẫn tới những hành vi côn đồ, manh động của nam sinh trong clip nói riêng và một số học sinh cá biệt nói chung để tìm cách đẩy lùi tình trạng nguy hiểm này.

Bên cạnh nguyên nhân từ phía học sinh, một số chuyên gia cũng cho rằng, hiện tượng này còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như cách ứng xử của người lớn, của một số thầy cô giáo chưa phù hợp khiến hình ảnh thầy, cô giáo trong mắt học sinh không còn đẹp như trước nữa. Chính vì thế, để ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai, ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng học sinh côn đồ, cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân khiến các học sinh này làm như vậy, trong đó có nguyên nhân từ chính các thầy, cô giáo để giải quyết tận gốc vấn đề.

Cũng theo các chuyên gia, trẻ vị thành niên không phải là người lớn cũng không phải là trẻ em nên tâm sinh lý phát triển không được bình thường nên thầy cô cần quan tâm, hướng dẫn, dìu dắt để học sinh đi đúng hướng. Vẫn biết, nhà trường là nơi dạy dỗ học sinh cả về kiến thức và nhân cách, nhưng không phải vì thế mà gia đình phó mặc cho nhà trường. Hơn nứa, việc giáo dục trong gia đình ở thời đại mới có phần bị xem nhẹ và đặt nặng trách nhiệm lên đôi vai người thầy, người cô. Do vậy, cha mẹ và gia đình phải là nơi đầu tiên quan tâm, giáo dục nhân cách cho con em mình.

Liên quan đến clip "học sinh tát cô giáo" ngay trên bục giảng, tối 18/2, Bộ GD&ĐT cho biết ngay khi nắm được thông tin, Bộ đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT rà soát, kiểm tra tại các đơn vị trường học trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng vào cuộc xác minh tính xác thực của nội dung clip này.

"Nếu nội dung clip trên được xác minh là có thật, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo Sở GD&ĐT, nhà trường liên quan tiến hành xử lý nghiêm khắc học sinh theo quy định hiện hành của ngành giáo dục và qui chế của cơ sở giáo dục", Bộ GD&ĐT nhấn mạnh. Đại diện Bộ GD&ĐT cũng lên án mạnh mẽ hành vi (nếu có) của học sinh và cho rằng, việc lan truyền clip chưa được xác thực trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng xấu, tiêu cực đến môi trường giáo dục.

Hòa Thanh

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bao-luc-hoc-duong-gia-dinh-phai-la-noi-dau-tien-quan-tam-giao-duc-nhan-cach-cho-con-em-minh-20210219075020237.htm