Bạo lực học đường: Gia đình, nhà trường, xã hội cùng giải quyết

Trao đổi với Tiền Phong về tình trạng bạo lực học đường đang nổi lên gần đây, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN, cho rằng, đây là một hiện tượng tiêu cực trong đời sống, sinh hoạt của học sinh, sinh viên, và cần sự vào cuộc từ nhiều phía để ngăn chặn, giải quyết.

Anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN

Anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN

Nhiều nguyên nhân

Đánh giá về tình trạng bạo lực học đường, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, đây là một hiện tượng tiêu cực không chỉ riêng ở Việt Nam mà tồn tại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo của cơ quan phòng, chống tội phạm Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4-6 triệu học sinh liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường.

Theo anh Huy, tại Việt Nam, có nhiều vụ việc bạo lực học đường được phát hiện, thông tin trên báo chí, mạng xã hội. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố, phần lớn do sự chuyển biến mạnh mẽ về tâm sinh lý của lứa tuổi 12-17 tuổi với mong muốn được khẳng định “cái tôi” cá nhân cao, nhưng chưa có sự đồng hành của các bậc cha mẹ, nhà trường, tổ chức Đoàn, Đội trong việc định hướng. Trong giai đoạn này, những tác động, kích thích xấu từ thế giới bên ngoài dễ khiến các em học theo. Cũng có nguyên nhân do chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục đạo đức so với giáo dục kiến thức. Có ý kiến cho rằng, đó là do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực xuất hiện trong phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi…, trên internet, phương tiện truyền thông…

Tam giác gia đình-nhà trường-xã hội

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn cho rằng, đề giải quyết bạo lực học đường, cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

Về phía gia đình, cần có sự quan tâm của các bậc cha mẹ. “Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ cần phải quan tâm đến sự thay đổi tâm sinh lý của con cái và nhận ra những biểu hiện tâm lý bất thường. Bên cạnh đó, cha mẹ phải tạo lập cho con cái cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng, không bạo lực”, anh Huy nói. Gia đình, người thân phải thấu hiểu con cái để định hướng việc học tập, rèn luyện, tránh đặt ra kỳ vọng quá cao, gây áp lực cho con cái.

Về phía nhà trường, thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho các em, chú trọng kỹ năng giao tiếp, ứng xử thuyết phục được học sinh. Theo anh Huy, sự tận tụy, yêu thương chân thành của người thầy sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của các em với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, hơn là chạy theo bệnh thành tích để áp đặt lên vai các em những ước muốn của người lớn. “Các thầy cô thực sự phải là những kỹ sư tâm hồn để giúp học sinh hình thành nhân cách sống và tâm hướng thiện”, anh nhận định.

Về phía xã hội, phải đề cao vai trò xã hội, vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, vì đó là những kênh có ảnh hưởng lớn đến các em. “Học sinh cần được giáo dục nhân cách qua các hoạt động thực tiễn, hoạt động Đoàn, Đội không chỉ qua các bài giảng. Muốn vậy, phải tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn, Hội, Đội có thể tham gia để cùng nhà trường, gia đình giáo dục nhân cách học sinh”, anh Huy nói.

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn cho biết, thời gian qua, để tạo môi trường học đường lành mạnh, tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp đã triển khai nhiều hoạt động tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, cũng như giáo dục, định hướng học sinh sống đẹp, nhân ái. Đó là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trực quan kết hợp tuyên truyền trên mạng xã hội, chuyển tải thông tin về văn minh học đường, những hành động đẹp, những thông điệp về tình bạn đẹp, “nói không với bạo lực học đường”. Đồng thời, tổ chức các chương trình, diễn đàn về “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”, các hoạt động bồi dưỡng tâm hồn đẹp cho học sinh như các diễn đàn, sân chơi “Khi tôi 18”, “Học làm người có ích”, “Lễ trưởng thành - Tri ân thầy cô”...

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động, chương trình, diễn đàn, hội thảo... chia sẻ kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống, cũng như phòng vệ cho học sinh, giáo viên, tổng phụ trách đội để ngăn chặn bạo lực học đường.

LƯU TRINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gia-dinh-nha-truong-xa-hoi-cung-giai-quyet-post1326228.tpo