Bạo lực học đường có xu hướng lan rộng, vì sao?

Hiếm có sự việc nào nóng tới mức ngành giáo dục phải tổ chức hội nghị, huy động tới gần 20.000 giáo viên, cán bộ quản lý cùng tham gia như hội nghị trực tuyến đảm bảo an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, hôm qua 17/4.

Báo động đỏ bạo lực học đường. ảnh: pv

Báo động đỏ bạo lực học đường. ảnh: pv

Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu giáo viên phải được đào tạo trở thành những nhà giáo dục chứ không phải là “thợ dạy” và nếu để xảy ra bạo lực học đường hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.

Giáo viên không phải là “thợ dạy”

Trước đó, tại Hưng Yên, sau sự việc nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng nhập viện tâm thần điều trị, ngành giáo dục tỉnh này cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến để quán triệt lại giáo viên. Phát biểu trong hội nghị sáng 17/4, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, nơi vừa liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường, bạo hành trẻ cũng cho biết cũng sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến yêu cầu tất cả giáo viên tham gia.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đã có nhiều văn bản quy định xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, vẫn có những sự việc bạo lực học đường xảy ra và có xu hướng lan rộng. Quan điểm của Bộ trưởng là ngành giáo dục cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để phòng ngừa, hóa giải nguyên nhân dẫn đến bạo lực. Học sinh đang ở độ tuổi lớn và hình thành nhân cách, nếu áp dụng hình thức nặng về răn đe và phạt là không phải cách hay.

Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của đội ngũ 1,4 triệu giáo viên trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, ngăn ngừa bạo lực học đường. “Phải chú trọng ngay từ khâu đào tạo. Giáo viên phải có năng khiếu sư phạm, yêu nghề, mến trẻ. Chương trình đào tạo cũng phải thay đổi, giáo viên phải được đào tạo trở thành những nhà giáo dục chứ không phải là thợ dạy, hết giờ là về”, bộ trưởng nói.

Bộ trưởng đề nghị, lãnh đạo 63 Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm chủ trương của ngành. “Nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, trước hết không cho đứng lớp, không có chuyện đẩy sang lớp nọ lớp kia”, bộ trưởng nói. Các cơ sở giáo dục phải cụ thể hóa hành động bằng các kế hoạch của trường, phân công rõ trách nhiệm từng người, đứng đầu là ban giám hiệu.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ giáo dục công tác học sinh, sinh viên cho biết, năm 2019 Bộ GD&ĐT tập trung bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm. Đặc biệt, các trường phải cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh.

Ðề xuất “siết” phim, hình ảnh bạo lực

TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng quản trị trường PTCS Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ, trong hơn 20 năm làm hiệu trưởng, ông mất rất nhiều thời gian, tâm sức để xử lý nhiều vụ việc giữa học sinh và học sinh; học sinh và giáo viên; giáo viên và phụ huynh. Từ khi áp dụng việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống vào nhà trường 1 tiết/ ngày học sinh đã hứng thú, hạnh phúc hơn. Các em có được kỹ năng sống, các cô giáo biết quản lý cảm xúc, chuyển hóa cảm xúc, biến tâm lý căng thẳng thành chuyện bình thường. “Nhờ đó, 8 năm qua, trường chúng tôi thay đổi hoàn toàn, không phải giải quyết vấn đề như trước nữa’, thầy Hòa nói.

GS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm HN cũng như nhiều ý kiến khác đồng quan điểm với việc, cần phải siết các game, video có nội dung không phù hợp trên mạng. “Hiện nay, không gian mạng chúng ta chưa làm chủ được để nhiều hiện tượng lấn át là lổ hỗng rất lớn”, GS Minh nói.

Còn bà Nguyễn Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho rằng, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường một phần do học sinh chưa được quan tâm nhiều từ gia đình, ảnh hưởng trò chơi trực tuyến, thiếu kỹ năng tự vệ, tự kiềm chế cảm xúc.

Chia sẻ tại hội nghị, anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội sinh viên Việt Nam cho rằng, ở đâu tổ chức đoàn mạnh, hiệu quả giáo dục được nâng lên. Ngược lại, ở đâu đoàn, hội, đội yếu, hiệu quả giáo dục có ảnh hưởng. Vì thế, anh Huy đề nghị Bộ GD&ĐT cũng như các nhà trường tạo điều kiện để phong trào Đoàn, Đội phát triển. Cũng theo anh Huy, thời gian tới, T.Ư Đoàn sẽ đồng loạt triển khai các giải pháp như: xây dựng bộ nhận diện về phòng chống bạo lực học đường; tuyên truyền điểm cho phụ huynh, thiếu nhi; tập huấn cán bộ phụ trách Đội…

Nguyễn Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/bao-luc-hoc-duong-co-xu-huong-lan-rong-vi-sao-1403698.tpo