Bạo lực học đường chỉ là đỉnh của núi băng

TS Lê Nguyên Phương - tác giả Dạy con trong hoang mang, là chuyên gia tâm lý học đường học khu Long Beach, giảng viên ĐH Chapman, Mỹ. Ông đang ở Việt Nam để tham vấn cho một số trường ĐH xây dựng chương trình Tư vấn Tâm lý Học đường. Những phương pháp chữa trị cho đối tượng vị thành niên chuyên bắt nạt bạn, theo ông hoàn toàn có thể áp dụng cho Việt Nam.

Vụ đánh bạn gây chấn động dư luận tại ngôi trường này có nguyên nhân từ đâu?

Vụ đánh bạn gây chấn động dư luận tại ngôi trường này có nguyên nhân từ đâu?

Về vụ các nữ sinh đánh hội đồng, làm nhục bạn thời gian gần đây, có luật sư cho rằng thủ phạm có thể bị xử tù tới 2 năm dù ở tuổi vị thành niên. Còn về tâm lý, theo ông có cách gì chữa trị cho thủ phạm?

Áp dụng một hình phạt về pháp lý hoặc đưa vào trường giáo dưỡng như trước đây là việc có thể nghĩ tới. Nhưng ngay cả với người lớn, những hình phạt mang tính chất hình sự như vậy không giải quyết tận gốc rễ. Chúng ta cần biết những đứa trẻ như vậy thường đến từ những gia đình thiếu hụt sự chăm sóc, quản lý, giám sát của cha mẹ. Thường cha mẹ không làm gương, không dạy chúng những phẩm chất, giá trị sống để hình thành một nhân cách thiện lương hay công dân tốt ở khía cạnh xã hội.

Quan trọng hơn là tình cảm cha mẹ đối với con cái. Mình sẽ thấy hiện tượng trong những gia đình đó cha mẹ hoặc quá khắc nghiệt đối với con, đánh đập, chửi mắng, hoặc ngược lại quá nuông chiều. Hai thái cực đều tạo điều kiện cho đứa trẻ hình thành tính cách đó.

Điển hình nếu bị áp bức trong gia đình, trẻ sẽ mô phỏng quan hệ đó lên những kẻ yếu đuối mà nó có thể bắt nạt. Nó học được quan hệ giữa người với người là “cá lớn nuốt cá bé” thôi. Còn nuông chiều quá mức sẽ làm nảy sinh tâm lý coi mình là công chúa hoàng tử, là trung tâm thế giới, xung quanh phải phục tùng. Tôi có nghe những chuyện con cái của những người có quyền có tiền, khi vào lớp có thái độ trịch thượng không chỉ với bạn bè mà cả thầy cô. Đó cũng là tiền đề cho những đứa trẻ trấn áp, bắt nạt người khác.

Những dấu hiệu cho thấy đứa trẻ bắt đầu phát triển khuynh hướng bạo lực, xin ông cho biết?

Còn có những nguy cơ khác dẫn đến bạo lực như trẻ từng là nạn nhân của bạo lực tinh thần hoặc tình dục. Cũng có thể trước kia nó bị bắt nạt bởi những đứa mạnh hơn, đến phiên nó lại bắt nạt đứa nhỏ hơn.

Thường thấy trẻ bắt nạt bạn không thích học, học kém và nó cảm thấy bực tức, vô dụng. Cũng có một tỷ lệ nhỏ trẻ học giỏi vẫn bắt nạt nhất là khi ở trong gia đình quyền thế. Mình có thể nhận diện đứa trẻ đó khi nó biểu lộ ý tưởng bạo lực qua viết, vẽ hay những cơn giận dữ không kiềm chế được với chuyện rất nhỏ. Nghiên cứu cho thấy thay vì thông cảm, chia sẻ, những đứa trẻ này có thành kiến và thái độ kém bao dung với những sự khác biệt về vùng miền, ngôn ngữ, giới tính, ngoại hình, thành phần xã hội, khuyết tật…

Một điểm dễ nhận diện là nó có tiền sử hành vi hiếu chiến và bạo động. Trong vụ việc vừa rồi, không phải một sớm một chiều mà 5 em đó lôi bạn mình ra làm nhục. Nếu quan sát, sẽ thấy nó xuất hiện ít nhất cả năm trước. Chính vì vậy việc phòng ngừa ngăn chặn là trách nhiệm rất lớn của cả cha mẹ lẫn nhà trường. Chính họ không phát hiện hoặc cứ bỏ qua, coi là chuyện nhỏ rồi đến một ngày nó thành chuyện lớn.

Dấu hiệu khác dễ thấy hơn để can thiệp sớm: trẻ thường xuyên đe dọa người khác bằng lời nói, sử dụng ma túy, rượu bia rất sớm, có tính chất băng đảng đi thành từng đoàn.

Là nhà tâm lý ngay trong trường học, ông có biện pháp giải quyết như thế nào khi gặp trường hợp học sinh bắt nạt bạn?

Chuyện này bên Mỹ cũng thường xảy ra. Sự khác biệt là ở Mỹ giáo viên, hiệu trưởng ít dám bao che vì những khung xử lý hình phạt khá nặng nề. Tuy nhiên hệ thống nào cũng có chuyện bao che để giữ uy tín, nên nếu có thể, họ vẫn muốn giải quyết ổn thỏa trong nội bộ.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, xã hội sẽ không phát triển được. Vậy nên, phụ huynh có vũ khí là tòa án độc lập. Nếu con họ bị vấn đề gì là nhà trường, giáo viên, học khu sẽ bị kiện ngay tức khắc. Bị đơn bị mất một số tiền lớn, tên tuổi bị ghi vào hồ sơ tòa án vĩnh viễn, truyền thông cũng đưa lên…

Để thực hiện biện pháp chữa trị cho trẻ bắt nạt, mình nhà tâm lý có lẽ không đủ?

Đúng, cần cả hệ thống vào cuộc. Thứ nhất phải can thiệp phía gia đình. Chuyện bắt cha mẹ đi học lại những khóa làm cha mẹ rất cần thiết. Nó cũng giống như một biện pháp đe dọa. Không có phụ huynh nào muốn phải đi học lại những khóa đó. Nhưng những khóa học này thực sự giúp cho cha mẹ nhận ra thiếu sót trong việc dạy con, làm cho họ thức tỉnh tinh thần trách nhiệm. Nếu phụ huynh không thay đổi, rất khó để con thay đổi.

Nghiên cứu cho thấy những đứa con sau này lớn lên hình thành cá tính và cảm xúc thế nào chịu ảnh hưởng từ phụ huynh rất lớn. Trong các buổi hội thảo dành cho phụ huynh, họ sẽ thấy lại tuổi thơ của mình thường bị cha mẹ bỏ bê, đối xử không tốt. Để họ ý thức mình không thể tái tạo “địa ngục” đó trong quan hệ với con. Khi xúc động, họ mới chuyển hóa. Và họ cũng thấy con cái không phải tài sản để bắt nó phải học giỏi để mình có cái mà khoe khoang, bớt mặc cảm với người khác - khi đó họ mới chuyển hóa. Đứa trẻ được thương yêu chăm sóc hơn sẽ có tiền đề để thay đổi.

Nhà trường, chuyên viên tâm lý trong những trường hợp này cũng có những buổi hòa giải gọi là phục hồi công lý. Làm việc với những em phạm lỗi, cho chúng nói chuyện với nhau. Chuyên viên tham vấn chỉ ở bên để hướng dẫn, không dạy dỗ. Dần dần tụi nó thấy hành động của mình gây đau khổ cho người khác. Chuyện thấy sai không bằng thấy buồn. Thấy hành động của mình sai với một hệ giá trị nào đó không làm cho con người thay đổi nhiều, tại họ có thể phủ nhận hệ giá trị đó. Nhưng khi họ thấy cũng là con người với nhau mà hành động của họ làm tổn thương đau đớn người khác, họ ngẫm lại chính bản thân mình cũng bị đau đớn như vậy, khi đó họ mới có thể thay đổi. Những câu thuyết giảng làm thế này, không được làm thế kia không giúp thay đổi. Người ta không thể sống bởi những giáo điều.

TS Lê Nguyên Phương

Nhất là lứa tuổi đó hay có khuynh hướng phủ nhận và lật đổ các giáo điều?

Đúng thế, tuổi trẻ luôn muốn thay đổi. Tuổi nhỏ cho đến vị thành niên tiếp nhận những giá trị và phẩm chất trong gia đình. Nếu không được dạy dỗ công khai bằng lời nói thì nó sẽ học gián tiếp qua hành động, thái độ của cha mẹ. Cho nên cha mẹ đừng nghĩ rằng mình về nhà có thái độ khinh bỉ với hàng xóm, với người nghèo… mà trẻ không nhập tâm. Luận ngữ nói: “Ngôn giáo không bằng thân giáo”. Lời nói không bằng hành động.

Những buổi phục hồi công lý cho đứa trẻ thấy được quan điểm của người đối diện, đặc biệt là của nạn nhân và bắt đầu biết thấu cảm. Tiến trình tâm lý sẽ giúp cho đứa trẻ đập vỡ chính lớp vỏ cứng mà chúng đã núp vào quá lâu để chữa lành. Khi đó, chúng mới bắt đầu thay đổi. Đó mới là mục tiêu cải tạo, chứ đâu phải đi trường giáo dưỡng 2-3 năm về, tăng thù hận lên.

Khi chúng thay đổi rồi, qua giai đoạn hòa giải với chính nạn nhân. Trẻ sẽ được ngồi trước nạn nhân để thể hiện sự thông cảm, hối lỗi. Cuối cùng nó sẽ cam kết làm gì đó cho cộng đồng hay cho nạn nhân như một sự bù đắp. Nếu học giỏi hơn, nó có thể tới giúp bạn học hành, giàu có hơn, có thể tới sơn lại bức tường, sửa sang lại vườn tược cho em kia…

Đó mới là hành động hối lỗi thực sự, thể hiện sự chuyển hóa thực sự, tạo sự nối kết giữa con người với con người, giữa nạn nhân và kẻ thủ ác. Hướng tiếp cận này nhân bản hơn, đồng thời tạo ra xã hội nhân văn hơn.

Trừng phạt đầu tiên là phải cho trẻ chuyển hóa, thứ hai là cho trẻ truyền đạt những suy nghĩ hiểu biết mới đến người đối diện, đến nạn nhân. Thứ ba, trẻ sẽ làm gì cho nạn nhân và rộng hơn cho cộng đồng. Ví dụ những đứa trẻ đó trong tương lai sẽ đi nói chuyện tại những trường khác rằng tại sao không nên bắt nạt kẻ khác. Trong nhóm bắt nạt bao giờ cũng có một em có khuynh hướng lãnh đạo. Những em đó cần được học kỹ năng lãnh đạo để có cơ hội phát triển khả năng đó quay trở lại đóng góp cho cộng đồng".
TS Lê Nguyên Phương

Việc xuất hiện liên tiếp những vụ bạo lực học đường hẳn có căn nguyên sâu xa từ xã hội như bệnh khoe khoang của cha mẹ hay bệnh thành tích của nhà trường, thưa ông?
Trong một hệ thống như xã hội, một hiện tượng xảy ra thường là kết quả giao thoa của nhiều yếu tố. Nhiều yếu tố khác nhau cần xét đến khi bạo lực học đường nảy sinh. Đầu tiên là tâm sinh lý đứa trẻ, rồi đến môi trường gia đình, chòm xóm, lớp học, rồi tại sao bọn trẻ chọn bạn đó để ăn hiếp chứ không phải bạn khác... Chúng ta cứ phân tích xem yếu tố nào có thể thay đổi được thì tác động. Đây là căn bệnh xã hội, báo hiệu một căn bệnh lớn hơn, tiềm tàng hơn của quốc gia. Hiện tượng bạo lực học đường chỉ là đỉnh băng sơn của những vấn đề xã hội dễ dàng quan sát thấy mà thôi.

NGUYỄN MẠNH HÀ (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/bao-luc-hoc-duong-chi-la-dinh-cua-nui-bang-1398069.tpo