Bạo lực gia đình - nỗi đau không của riêng ai

TGTTO Tình trạng bạo lực trong gia đình không phải là chuyện mới mẻ, song điều đáng lo ngại là ngày càng có chiều hướng gia tăng. Phần lớn những hành vi bạo lực gia đình là do người chồng gây ra và người vợ là nạn nhân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình: Lối sống bê tha cờ bạc rượu chè, thất bại trong việc làm ăn, tư tưởng phong kiến chồng chúa vợ tôi…trong đó, nguyên nhân thường gặp là người chồng ngoại tình rồi về ruồng rẫy đánh chửi vợ con.

Chị Lệ ngụ tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức cho biết, chị bị chồng đối xử tàn tệ như kẻ tôi tớ trong nhà, tiền đi chợ được phát cho từng ngày, đi đâu về là bị tra hỏi chửi bới, nói năng điều gì không vừa ý chồng là bị ăn đòn…mặc dù chồng chị là một bác sĩ - là người có học thức, hiểu biết.

Chị Hường ở quận 7 lại là nạn nhân của ông chồng nát rượu. Cứ rượu vào là lời ra, hết lè nhè chửi vợ, anh ta lại lôi cả cha mẹ vợ ra nhiếc móc. Những câu quen thuộc anh thường dành cho vợ là: đồ ăn bám, đồ vô dụng, đồ ngu như heo… Mỗi khi chồng đi làm về, cứ thấy mặt anh đỏ rực vì rượu thì mặt chị lại tái xám vì sợ. Không ít lần chị Hường bị chồng tát hoặc đập đầu vào tường chỉ vì những chuyện vụn vặt làm anh không vừa ý.

Phần lớn những hành vi bạo lực gia đình là do người chồng gây ra và người vợ là nạn nhân của họ

Chị Thúy ở quận Gò Vấp thì vừa bị chồng chửi đánh vừa bị hao hụt tiền của, nguyên nhân là chồng chị ham mê cá độ bóng đá. Mỗi lần có giải bóng đá lớn, thấy anh háo hức bàn tán rôm rả với bạn vè là chị lại lo ngay ngáy. Bởi chị biết anh sẽ lại lao vào cá độ. Tiền, vàng, xe máy… sẽ lại lần lượt bị anh mang đi cầm cố, trả nợ. Tiếc của chị lên tiếng trách móc hoặc không chịu đưa tiền là bị anh la lối, đánh đập không nương tay. Mới đây, anh còn lén mang sổ hồng của gia đình đi cầm cố, chị hoảng quá phải nhẹ nhàng năn nỉ chồng dẫn mình đến tiệm cầm đồ để chuộc lại cuốn sổ.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về bạo lực gia đình mà người phụ nữ phải hứng chịu. Có những ông chồng còn áp dụng nhục hình với vợ như: bắt vợ quỳ lạy, cạo trọc đầu, lột hết quần áo đuổi ra ngoài đường, không ít trường hợp đánh vợ dã man gây thương tích trầm trọng phải đưa vào viện cấp cứu. Hậu quả của bạo lực trong gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, sức khỏe, tinh thần người vợ. Họ phải sống trong sự đau đớn, sợ hãi, cô đơn. Điều đáng lo ngại là con cái họ - những đứa trẻ vô tội – thường xuyên phải chứng kiến sự lục đục của cha mẹ và không được quan tâm chăm sóc. Một số em do quá buồn chán chuyện gia đình nên bỏ nhà đi bụi, từ đó sa chân vào con đường trộm cắp, cờ bạc, ma túy, mại dâm… Bạo lực gia đình cũng làm ảnh hưởng đến nếp sống văn hóa, gây mất trật tự an ninh trong khu phố, xóm thôn.

Tuy nhiên, một số chị em bị chồng đánh đập lại có tâm lý cam chịu, họ âm thầm chịu đựng người chồng vũ phu, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Có không ít trường hợp người chồng bị pháp luật xử lý về tội đánh đập vợ dã man, nhưng chính người vợ lại làm đơn bãi nại cho chồng. Họ sợ chồng bị mất mặt, bị cách chức

Việc phê phán xử lý còn chưa đúng mức khiến cho bạo lực gia đình vẫn ngang nhiên tiếp diễn theo chiều hướng gia tăng.

Đó cũng là trường hợp của vợ chồng chị Hoa ở phường10, quận 5, là hàng xóm cũ của tôi. Gặp tôi, chị nghẹn ngào tâm sự: “Mấy năm nay chồng tôi làm ăn phát tài. Nhưng từ ngày kiếm được nhiều tiền anh lại sinh tật bồ bịch rồi về nhà chửi bới đánh đập vợ. Anh ấy luôn hành hạ tôi bằng mọi cách để rũ bỏ tôi. Không thể hiểu nổi trước đây con người này đã rót vào tai tôi những lời đường mật hoa mỹ, đến nỗi tôi sẵn sàng chấp nhận sự ruồng bỏ của gia đình để đi theo anh, mà sao giờ đây anh lại đối xử thô bạo với tôi như thế”. Tôi khuyên chị nên đến gặp hội phụ nữ hoặc chính quyền địa phương nhờ can thiệp, chị lắc đầu chán nản: “Ra những nơi ấy càng mắc cỡ, mà “xấu chàng hổ ai?”. Làm vậy anh ấy lại càng đánh thêm!”.

Có một thực tế đáng buồn đang tồn tại là: Với bạo lực gia đình, người ngoài thì cho rằng đó là chuyện nội bộ gia đình người ta, không nên can thiệp, còn bản thân nạn nhân thì lại cam chịu, không dám tố cáo, cộng thêm việc phê phán xử lý còn chưa đúng mức khiến cho bạo lực gia đình vẫn ngang nhiên tiếp diễn theo chiều hướng gia tăng.

HOÀNG THU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/bao-luc-gia-dinh-noi-dau-khong-cua-rieng-ai-17012.html