Bạo lực gia đình làm giảm sự bình đẳng giới

Bạo lực gia đình là rào cản trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới. Dù đã triển khai Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được hơn 10 năm nhưng tới nay, kết quả thực hiện mục tiêu liên quan tới vấn đề này vẫn chưa được như ý muốn. Nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình cũng là nạn nhân của bất bình đẳng giới.

Nhiều rào cản khi thực hiện

Mới đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống BLGĐ, do Bộ VHTTDL tổ chức, các đại biểu cũng đã nhìn thẳng vào những bất cập, vướng mắc khi triển khai các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, đánh giá những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.

Mỗi năm, có hàng nghìn những nạn nhân của BLGĐ bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Mỗi năm, có hàng nghìn những nạn nhân của BLGĐ bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

"BLGĐ ngày càng trở nên tinh vi, đa dạng dưới nhiều hình thức. Điều này ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của các cá nhân trong gia đình, đặc biệt nó còn cản trở sự bình đẳng giới của các cá nhân trong gia đình”.

Bà Trịnh Thị Thủy

Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, số liệu của các địa phương cho thấy, trong 10 năm qua nhìn chung tình hình BLGĐ có xu hướng giảm về số vụ, năm sau thấp hơn năm trước. Song, theo Thứ trưởng, con số này chưa thể nói được đầy đủ về thực trạng BLGĐ hiện nay, bởi ngay từ số liệu báo cáo đã có sự chênh lệch rất lớn. Hơn nữa, số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học lại cho thấy có 30% số hộ gia đình được phỏng vấn cho biết trong 12 tháng, gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là hành vi BLGĐ. Như vậy, theo Thứ trưởng, hàng năm số hộ gia đình xảy ra hành vi BLGĐ có thể lên đến hàng triệu hộ. Kiểm tra tình hình BLGĐ tại cộng đồng dân cư cho thấy, hành vi BLGĐ xuất hiện khá phổ biến, song phần lớn chúng không được coi là BLGĐ hoặc bị che giấu vì yếu tố văn hóa hoặc vì thành tích “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”, chỉ số liên quan tới bình đẳng giới.

GS-TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi năm có hàng trăm trẻ em bị bạo hành rất nặng phải nhập viện cấp cứu. “Theo tính toán của các nhà khoa học, những con số ghi nhận được tại bệnh viện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì vẫn có hàng trăm trường hợp chưa được khai báo. Như vậy, con số trẻ em bị bạo hành rất nhiều” - ông Hải phân tích.

Ông Hải nhấn mạnh, tình trạng bạo hành trẻ em đang rất nặng nề. Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Ngân Giang khẳng định, tình trạng BLGĐ giữa vợ chồng, cha con, mẹ con... rất đáng lo ngại. Số vụ án mạng xuất phát từ nguyên nhân này ngày càng nhiều và rùng rợn hơn. Đó là cảnh chồng đốt vợ con, giết vợ phi tang thi thể... Hoặc chồng giết vợ chỉ vì bị từ chối “chuyện chăn gối". Trong nhiều vụ án, vợ giết chồng bởi họ là nạn nhân của BLGĐ và đã quá sức chịu đựng.

Bạo hành vợ vì nghĩ... mình có quyền

Bên lề hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, sở dĩ BLGĐ chưa có chiều hướng giảm mạnh là bởi chúng ta chưa tạo ra được sự bình đẳng giới thật sự trong gia đình.

Luật sư Lê Thị Ngân cho rằng, trong nhiều gia đình, người chồng được coi là ông chủ, họ áp đặt lối suy nghĩ, quan điểm lên mọi thành viên. Tính gia trưởng, cho mình là to nhất, khiến họ sẵn sàng gây bạo lực với vợ, thậm chí là con cái chỉ để áp đặt quan điểm cá nhân. Như vậy, rõ ràng sự bình đẳng giữa vợ - chồng, giữa vợ -chồng với các thành viên khác trong gia đình là không có.

“Thực tế, tôi đã từng tiếp xúc với nhiều nạn nhân của nạn BLGĐ. Đa phần nạn nhân là phụ nữ, trẻ em - những người yếu thế. Có những nạn nhân của bạo lực chỉ vì họ không sinh được con trai và không muốn tiếp tục sinh con khi tuổi cao. Bởi vậy, nạn nhân của BLGĐ thực chất cũng là nạn nhân của sự bất bình đẳng giới” – luật sư Ngân nhớ lại.

Trước diễn biến phức tạp của BLGĐ, một số đại biểu cho rằng, hiện nay Luật Phòng chống BLGĐ cần phải có sự điều chỉnh. Ví dụ, Nghị định số 08 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống BLGĐ là chưa hợp lý, nạn nhân của BLGĐ bị tổn thương, nhưng lại phải rời khỏi nhà của mình để tránh, trong khi kẻ có hành vi bạo hành lại đương nhiên được ở lại nhà. Hoặc Nghị định 167 của Chính phủ quy định mức xử phạt về hành vi BLGĐ với mức tiền chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng chưa có tính răn đe, giáo dục với những đối tượng vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Thuân - Phó Chánh án TAND tối cao cho biết, có những vụ việc ly hôn bởi BLGĐ kéo dài cả 10 năm mà vẫn không thể giải quyết bởi các vấn đề tranh chấp về tài sản, việc điều tra xác minh tài sản chung vợ chồng rất khó khăn. “Các vụ án về hôn nhân và gia đình, đương sự có hành vi BLGĐ thường có ý thức pháp luật thấp, có thái độ thách thức pháp luật, không hợp tác dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết của tòa án” - ông Thuân nêu.

Luật Phòng chống BLGĐ hiện hành chưa quy định rõ một số khái niệm và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này, các chính sách đầu tư nguồn lực từ nhà nước và huy động xã hội hóa cũng chưa rõ, dẫn đến vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, triển khai. Việc xử phạt vi phạm hành chính dù đã được thực thi, nhưng chưa tương xứng với số vụ bạo lực gia đình do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt...

Nguyệt Tạ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bao-luc-gia-dinh-lam-giam-su-binh-dang-gioi-940088.html