Bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn bị che giấu bởi định kiến và 'văn hóa đổ lỗi'

Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam năm 2019 được công bố mới đây cho thấy một số phát hiện đáng chú ý, trong đó tình trạng bạo lực thể xác hoặc tình dục vẫn bị che giấu, hầu hết nạn nhân không tìm kiếm sự hỗ trợ.

Bạo lực đối với phụ nữ vẫn đang bị che giấu bởi định kiến giới và sự im lặng, kỳ thị

Bạo lực đối với phụ nữ vẫn đang bị che giấu bởi định kiến giới và sự im lặng, kỳ thị

Nhận diện các xu hướng bạo lực

Phát hiện chính từ kết điều tra năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực trong 12 tháng qua.

Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 là 26,1%, ít hơn so với năm 2010 là 31,5%. Điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 là 13,3%, cao hơn so với năm 2010 là 9,9%. Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 có tỷ lệ 13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010.

Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực, nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này.

Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật.

Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra.

Đáng chú ý, bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Có tới hơn 90% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền…

Xóa bỏ định kiến và "văn hóa đổ lỗi"

Đề cập tới tình trạng nhiều phụ nữ vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: Sau gần 10 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất, các kết quả thu được cho thấy những chuyển biến tích cực dù còn tồn tại hạn chế nhất định. Nhìn chung, tỷ lệ phụ nữ bị các dạng bạo lực đã giảm nhẹ. Thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn bị che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và "văn hóa đổ lỗi" là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và kìm hãm sự giúp đỡ.

Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 đã mang lại một bức tranh toàn diện và cung cấp các số liệu cập nhật về vấn đề này. Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn và tiến tới giảm thiểu thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới.

Đây được xem là nền tảng quan trọng thể hiện sự quan tâm, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: Cho dù bạo lực xảy ra ở đâu, dưới hình thức nào hay ai bị ảnh hưởng đều phải được ngăn chặn. Cả xã hội hãy cùng phối hợp để xây dựng một thế giới mà ở đó nam giới và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn, không có bạo lực.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-luc-doi-voi-phu-nu-van-con-bi-che-giau-boi-dinh-kien-va-van-hoa-do-loi-1595002717955.html