Bạo lực đằng sau vỏ bọc trường học ở châu Phi

Nhiều ngôi trường ở châu Phi đang tồn tại với cái mác dạy học. Tuy nhiên, đây lại là nơi học sinh bị bạc đãi, đánh đập, thậm chí xâm hại.

AFP đưa tin ngày 19/7 về vụ việc cảnh sát Nigeria phát hiện 15 học sinh từ 2 đến 10 tuổi có dấu hiệu bị bạo hành tại trường “Almajiri” ở thị trấn Suleja, Nigeria. Các em được tìm thấy trong tình trạng bị trói bằng dây xích, trên người có nhiều vết sẹo, bầm tím.

Ông Umar Ahmed, 46 tuổi, người đứng đầu cơ sở giáo dục trên, đã bị bắt. Đại diện cảnh sát địa phương cho biết vụ án đang được điều tra, nghi phạm sẽ sớm bị truy tố.

“Almajiri” là loại hình trường học phổ biến ở Nigeria, thường được giới thiệu là nơi dạy kinh Koran cho học sinh, đồng thời phục hồi chức năng cho người cai nghiện ma túy và trẻ có vấn đề về hành vi.

Mong muốn con được dạy dỗ và trở thành người có trách nhiệm, nhiều phụ huynh vô tình đẩy con em mình vào "hố tử thần".

Không được dạy như những lời giới thiệu ngon ngọt trước đó, học sinh phải sống trong điều kiện thiếu thốn, bị bắt đi xin ăn và đánh đập thường xuyên, thậm chí, nhiều em còn bị lạm dụng tình dục.

Học sinh bị trói bằng dây xích, trên người có vết sẹo, bầm tím. Ảnh: Reuters.

Học sinh bị trói bằng dây xích, trên người có vết sẹo, bầm tím. Ảnh: Reuters.

Bạo lực đội lốt giáo dục

Ở các quốc gia khu vực châu Phi, không khó để bắt gặp những đứa trẻ đi ăn xin vào sáng sớm. Các em làm vậy không phải do thiếu thốn, mà bị giáo viên ép, nếu không muốn ăn đòn.

Mamadou, 10 tuổi, là nạn nhân của "cưỡng bức ăn xin" ở Senegal. Năm 5 tuổi, em được bố mẹ gửi vào “Daara”, trường dạy kinh Koran ở thành phố Saint Louis. Cứ ngỡ đến trường sẽ được dạy học, Mamadou và hơn 40 bạn khác lại bị bóc lột mỗi ngày. Các em bị giáo viên ép đi ăn xin, phải xin được 300 CFA, tương đương 0,5 USD một người/ngày.

“Hôm nay, thầy đánh chúng em. Ngày mai, nếu chúng em không xin được gạo về, thầy sẽ đánh tiếp”, Mamadou kể với CNN.

Khadim Beye cũng gặp hoàn cảnh tương tự Mamadou. Em bị giáo viên ép đi ăn xin, thường xuyên bị đánh đập. Do không chịu nổi, em quyết định bỏ trốn. Kế hoạch không thành, Khadim bị bắt lại và chịu sự tra tấn trong căn phòng tối.

Tháng 9/2019, BBC đưa tin hơn 300 người bị giam giữ trong ngôi trường tư thục ở phía Bắc Nigeria. Các nhà chức trách cho biết trong số hơn 300 nạn nhân được giải cứu, nhiều người ngoại quốc, lớn tuổi nhất hơn 40, nhỏ nhất mới 7 tuổi.

Ông Bello Hamza, nạn nhân lớn tuổi nhất, cho biết ông bị giam cầm ở ngôi trường này hơn 3 tháng. Ban đầu, ông muốn học thạc sĩ ngành Toán ứng dụng tại Đại học Pretori, Nam Phi. Cuối cùng, ông bị đưa vào đây, bị đánh đập, tra tấn mỗi ngày.

“Hàng ngày, họ đánh chúng tôi hơn 30 lần, sáng 10 lần, chiều 10 lần và tối thêm 10 lần nữa”, một nạn nhân khác kinh hãi kể lại.

Sống trong chốn ngục tù, các nạn nhân bị quản giáo đánh đập và phải sống trong những căn phòng dột nát, thiếu cơ sở vật chất. Nạn nhân Rabiu Umar cho biết anh và các học sinh ở đây được cung cấp những bữa ăn “không thể nuốt nổi”, “giống như đồ ăn của động vật”. Nếu muốn đi tắm, họ chỉ được cung cấp một xô nước nhỏ. Khoảng 10-20 người phải chia nhau số nước đó.

“Hầu như ai cũng bị phát ban, rối loạn tâm lý”, Umar nói.

Tháng 11/2019, cảnh sát Nigeria vào cuộc giải cứu hơn 259 nạn nhân tại một cơ sở giáo dục khác. Được biết, những nạn nhân ở đây bị trói, xích và đánh đập. Một nạn nhân cho hay họ chỉ được ăn một bữa mỗi ngày, hầu như ai cũng bị suy dinh dưỡng.

Nhiều trẻ em ở Nigeria bị ép đi ăn xin. Ảnh: CNN.

Giải cứu nạn nhân và bóc trần sự thật

"Maison de la Gare" là tổ chức nhân đạo, được thành lập năm 2007. Kouyate, nhà sáng lập tổ chức này, cho biết "Maison de la Gare" ra đời nhằm cung cấp thực phẩm, thuốc men cho các cơ sở giáo dục địa phương và xây dựng nơi ăn ở cho những đứa trẻ đi xin ăn được giải cứu.

Kouyate đã đến các trường học, bàn về vấn đề ép trẻ đi xin ăn. Ông cố gắng đưa ra lý lẽ và luật pháp với hy vọng giảm bớt tình trạng này. Tuy nhiên, những người đứng đầu các cơ sở giáo dục bác bỏ lời đề nghị của Kouyate và cho rằng ông đang ngăn cản việc làm ăn của họ.

Thuyết phục thất bại, nhà sáng lập "Maison de la Gare" tìm cách giải cứu nạn nhân. Ông điều tra thông tin gia đình, quê quán của những đứa trẻ. Khadim Beye là một trong những nạn nhân đầu tiên được cứu và đưa về quê nhà.

Bị tố cáo, ông Alassane Diallo, giáo viên của Mamadou, thừa nhận việc ép trẻ đi xin ăn. Tuy nhiên, ông phủ nhận những cáo buộc đánh đập trẻ và cho biết chỉ đánh nhẹ khi trẻ không thuộc bài, việc xin ăn không đủ chỉ tiêu hoàn toàn không liên quan.

“Tôi yêu cầu học sinh đi xin ăn vì không có gì để hỗ trợ chúng. Không có chính sách hỗ trợ của chính phủ, chúng tôi chỉ có thể sống sót bằng cách đó”, Diallo nói.

Được người dân địa phương báo tin, cảnh sát nhanh chóng giải cứu 300 nạn nhân tại ngôi trường tư thục phía Bắc Nigeria. Sau khi bị bắt, người đứng đầu cơ sở giáo dục này phủ nhận các cáo buộc bạo hành và tấn công tình dục học sinh. Ông nói rằng những điều họ làm là cho các em đọc kinh, cầu nguyện và thờ phụng Chúa.

Các nhà chức trách cam kết sẽ tổ chức khiểm tra sức khỏe tâm lý cho các nạn nhân, trước khi được đưa về nhà.

Các nạn nhân bị trói, thường xuyên bị đánh đập. Ảnh: Daily Mail.

Phụ huynh bàng hoàng

Gặp lại con trai sau nhiều tháng xa cách, bà Soda Beye bàng hoàng khi biết người thân của mình phải trải qua những ngày sống trong địa ngục. Bà cho biết mỗi lần gọi điện cho nhà trường, giáo viên đều trấn an rằng cậu bé vẫn ổn. Vì thế, bà vẫn luôn cho rằng con trai mình được dạy dỗ đàng hoàng và đối xử tử tế.

“Nghe kể về những gì đứa bé trải qua, tôi thực sự rất buồn”, bà Soda nói.

Giống trường hợp của bà Soda, nhiều phụ huynh có con em học tại trường tư thục phía Bắc Nigeria rất sốc khi biết con mình bị ngược đãi. Nhiều người cho biết họ được đến thăm con vài tháng một lần, nhưng chỉ được gặp ở những nơi quy định. Họ không hề hay biết con mình phải trải qua những chuyện kinh khủng.

“Họ nghĩ con mình đang được dạy kinh Koran, được đối xử tử tế và tính cách chúng đã thay đổi rất nhiều”, ông Yaduna Sabo, phát ngôn viên cảnh sát, cho biết.

"Daara" hay "Almajiri" là những mô hình trường học phổ biến ở châu Phi. Người dân ở đây chủ yếu theo đạo Hồi và Thiên chúa. Do mức sống kém, trình độ dân trí thấp, nhiều người chọn cách gửi con vào những ngôi trường này, mong con được dạy dỗ nên người và trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Minh Thúy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-luc-dang-sau-vo-boc-truong-hoc-o-chau-phi-post1111027.html