Bạo lực cướp tất cả nhưng không cướp được giấc mơ

Khác với rất nhiều trẻ em khác, Mathilde Monet khi bị bạo lực học đường đã không chịu 'câm nín' mà em phản kháng bằng cách viết, bằng nương vào những giấc mơ. Cuốn sách 'Nước mắt tuổi 14' được em viết chính trong năm này đã thức tỉnh hàng triệu trẻ thơ từng đau đớn vì bị chà đạp.

“Nước mắt tuổi 14” là cuốn tự truyện do Amak Books ấn hành, được dịch giả Vũ Thị Thu Hà chuyển ngữ tiếng Việt. Câu chuyện của cô bé Mathidle Monnet trong cuốn sách “Nước mắt tuổi 14” là tiếng nói cất lên tha thiết, vang vọng, đau đớn nhưng đầy mạnh mẽ, khiến chúng ta sửng sốt về nạn bạo lực học đường.

Tự truyện là lời an ủi cho rất nhiều tâm hồn trẻ thơ bị bạo lực

Mathdle Monnet đã trải qua những năm học lớp 6, lớp 7 trong sự nhục mạ của những người bạn học trong lớp. Em không chỉ bị xúc phạm bằng thứ ngôn ngữ bẩn thỉu, thóa mạ nhân cách sâu sắc. Em còn trở thành nạn nhân của bạo lực, bị đánh đập, tra tấn về mặt thể xác. Bị đánh hàng ngày đến nỗi em u mê đầu óc, đến mức từ bỏ hẳn bản năng kháng cự. Em không còn khóc, không còn van xin. Em rơi vào hố thẳm trống rỗng. Mỗi ngày trải qua đều đáng sợ như địa ngục. Lớp học trở thành một sân khấu của sự đánh đập, đàn áp, tất cả bạn học đều là chủ nhân, chỉ có em là nô lệ, chịu đựng mọi tổn thương.

Bạo lực học đường đã cướp đoạt những mộng mơ của tuổi thiếu thời của biết bao đứa trẻ như Mathdle. Cuốn sách của Mathdle là lời tâm sự thống thiết nhất, kể lại câu chuyện về quãng thời gian trưởng thành đau khổ nhất. Mathdle và nhiều đứa trẻ bị bạo lực như em, không có bạn bè, càng không thể nào có được sự vui tươi, thơ ngây với những kỷ niệm đẹp đẽ như những đứa trẻ khác. Bạo lực học đường đã cướp tất cả của em. Nhưng Mathdle, em có giấc mơ. Còn những đứa trẻ khác, mấy ai giữ lại được giấc mơ.

Trong cơn tuyệt vọng nhất, Mathdle cũng nương vào những giấc mơ để tái hiện lại một thế giới khác, để đắm chìm trong thế giới ấy. Nó giúp nỗi đau đớn của em nhẹ đi. Từ giấc mơ ấy, em khởi sự việc viết của mình, bằng bản năng, bằng trĩu nặng tâm tư. Ở đó, em miệt mài viết, như em chia sẻ: “Viết cho đến khi nỗi thống khổ nguôi ngoai, cơn đau qua đi và niềm vui trở lại”.

Bạo lực mỗi ngày càng tăng và Mathdle phản kháng. Từ những hành động của việc gửi email chống đối, hay viết blog phản kháng, đến khi bị hành hạ tơi bời, Mathdle đã can đảm đem câu chuyện bị bạn bè đánh đập xúc phạm, kể hết cho cha mẹ. Khi đã nhận được sự động viên của cha mẹ, Mathdle cuối cùng đã quyết định đứng ra tố cáo hành vi tồi tệ của những người bạn trong lớp.

Giờ đây, em đã đi qua tuổi 13, 14. Em đã bước vào lớp 10. Con đường trước mắt là cuộc sống mới. Em đã mạnh mẽ hơn, và em vẫn tiếp tục viết, như sự tranh đấu: “Tôi dành cuộc tranh đấu của mình cho những người sống sót”.

Cuộc đời em là cuộc đời được giành lấy bằng sự tranh đấu, đó là lời thức tỉnh cho hàng triệu đứa trẻ ngoài kia, hay là lời an ủi cho bao nhiêu tâm hồn trẻ thơ đã từng đau đớn vì bị chà đạp.

Phong Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/bao-luc-cuop-tat-ca-nhung-khong-cuop-duoc-giac-mo-post51928.html