Bạo lực chiến tranh, xung đột ngăn cản bước chân trẻ em đến trường

Ở Syria, Lybia, các nước Trung Phi, xung đột, bạo lực kéo dài đã gây hư hại cơ sở vật chất trường học và khiến nhiều trường học phải đóng cửa, trẻ em không được đón năm học mới.

Hơn 300.000 trẻ em Syria không thể đi học

Theo Tổ chức cứu trợ trẻ em Save the Children, năm học mới 2019 ở Syria dự kiến khai giảng vào cuối tháng 9 này nhưng hàng nghìn trẻ em ở khu vực Tây Bắc nước này có thể không được đến trường do xung đột bạo lực kéo dài nhiều tháng qua tại đây đã gây hư hại cơ sở vật chất trường học, khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Chỉ có hơn 50% trong tổng số 1.193 trường học ở đây có thể đón học sinh tựu trường. Hơn 200 trường học khác đang được sử dụng làm nơi tạm trú cho những người phải rời bỏ nhà cửa để lánh nạn. Do đó, số trường học có thể hoạt động chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của 300.000 trên tổng số 650.000 trẻ em trong độ tuổi đi học.

Trẻ em tị nạn

Trẻ em tị nạn

Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR), tình trạng bạo lực kéo tại khu vực Tây Bắc Syria từ cuối tháng 4 đến nay đã khiến hơn 960 dân thường thiệt mạng, hơn 400.000 người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Liên hợp quốc đặc biệt cảnh báo tình hình tại tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria sau các cuộc giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và phiến quân. Nhóm phiến quân mạnh nhất hoạt động tại tỉnh này là HTS, nhóm bảo trợ của lực lượng Mặt trận Nusra, có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Đầu tháng 8 vừa qua, các lực lượng chính phủ Syria được Nga ủng hộ đã tiến hành chiến dịch trên bộ tấn công phiến quân tại tỉnh này. Một lệnh ngừng bắn do Nga hậu thuẫn đã có hiệu lực từ ngày 31/8 nhưng xung đột vẫn tiếp diễn.

Nhân viên UNICEF hướng dẫn các em chơi cờ

Trong khi đó, chiến sự tại Libya tác động mạnh đến cuộc sống của trẻ em khi các em đang bị tước đi nhiều quyền cơ bản, trong đó có quyền được học tập. Xung đột đã khiến nhiều trẻ em không dám bước chân ra khỏi nhà, nhiều trường học ở thủ đô Tripoli đã phải đóng cửa do giao tranh. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Libya cho biết, chiến sự tại Libya khiến nhiều trường học phải đóng cửa, nhất là các trường học ở Tripoli - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này đã khiến 12.000 trẻ em không thể đến trường.

Học trên một chiếc bàn tái chế

Không chỉ mất cơ hội học tập, trẻ em còn không được tiếp cận với y tế khi không được tiêm vắc xin đầy đủ và các dịch vụ y tế cơ bản khác. Những trẻ em bị mắc kẹt tại các khu vực xung đột thậm chí còn phải đối mặt với nạn đói hoặc bị các nhóm vũ trang tuyển mộ làm lính. Theo Kế hoạch ứng phó nhân đạo Libya năm 2019, ước tính có khoảng 823.000 người, trong đó có khoảng 248.000 trẻ em, cần được hỗ trợ nhân đạo do sự bất ổn chính trị, xung đột và suy giảm các dịch vụ cơ bản.

Hàng triệu trẻ em ở Lục địa Đen buộc phải nghỉ học

“Khi một nước hứng chịu xung đột, trẻ em và người trẻ phải chịu đựng gấp đôi. Trước mắt, trường học bị phá hủy hoặc bị các lực lượng quân sự chiếm đóng, tấn công. Về lâu dài, họ sẽ tiếp tục chu kỳ đói nghèo bất tận”, bà Henrietta Fore - Tổng giám đốc UNICEF nói.

Năm học mới đầy khó khăn ở Cameroon

Theo UNICEF, do tình trạng xung đột gia tăng, số lượng trường học buộc phải đóng cửa tăng gấp 3 lần ở khu vực Tây và Trung Phi trong 2 năm gần đây. Hơn 9.000 trường học đã phải đóng cửa kể từ tháng 6/2019 đến nay tại 8 quốc gia là Burkina Faso, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mali, Niger và Nigeria. Cùng với đó, hơn 1,9 triệu trẻ em buộc phải nghỉ học. Việc đóng cửa các trường học cũng đã ảnh hưởng đến gần 44.000 giáo viên, khiến trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, kết hôn và mang thai sớm. Trẻ em cũng trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người và nhanh chóng trở thành “con mồi” để tuyển dụng vào các nhóm vũ trang.

Lớp học tạm ngoài trời

5 quốc gia ở phía Tây và Trung Phi chiếm hơn 1/4 trong số 742 cuộc tấn công nhằm vào trường học được ghi nhận trên toàn cầu trong năm nay. Ở Mali, các cuộc tấn công đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua, dẫn đến 900 trường học phải đóng cửa. Còn Cameroon, nơi sự bất an xảy ra ở nhiều nơi, nhất là khu vực Tây Bắc và Tây Nam, chiếm gần một nửa số trường học bị đóng cửa ở phía Tây và Trung Phi với hơn 4.400 trường, ảnh hưởng đến hơn 600.000 trẻ em. Số trường học buộc phải đóng cửa ở Burkina Faso do bạo lực đã tăng lên 2.000. Con số này của Chad, Niger và Nigeria cũng ở mức cao: 1.054 trường phải đóng cửa năm 2019. UNICEF cảnh báo rằng, gần 1/4 trẻ em trên toàn thế giới cần hỗ trợ nhân đạo trong lĩnh vực giáo dục sống tại 10 quốc gia ở phía Tây và Trung Phi.

Nhiều học sinh châu Phi theo học qua chương trình radio

Marie-Pierre Poirier - Giám đốc UNICEF khu vực Tây và Trung Phi cho biết, rất nhiều trẻ em từ 6 đến 14 tuổi ở miền Tây và Trung Phi bị mất quyền được giáo dục. Điều này đòi hỏi chính phủ và các đối tác phải đa dạng hóa các hình thức giáo dục để trẻ em có sự lựa chọn phù hợp. Cần có hình thức học tập phù hợp với cách tiếp cận sáng tạo, toàn diện và linh hoạt, đáp ứng các tiêu chuẩn học tập chất lượng, tạo điều kiện để nhiều trẻ em tiếp cận tri thức, nhất là trong các khu vực xung đột. Nhiều em không đến trường được chuyển sang học thông qua radio với chương trình “Radio Education in Emergencies”. Đây là một chương trình hợp tác giữa UNICEF và Children Radio Foundation, nhằm giúp đỡ trẻ em ở các quốc gia bị xung đột kể từ năm 2016.

Nhu Thụy Tổng hợp

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/bao-luc-chien-tranh-xung-dot-ngan-can-buoc-chan-tre-em-den-truong-post64226.html